Người chồng ép vợ thành “máy đẻ”

Dù nhiều lần khuyên chồng dừng chuyện sinh con, ông Lyn’s vẫn cương quyết “kiếm thêm” vài đứa nữa cho có anh có em. Cứ thế, liên tục trong thời gian dài, căn nhà không lúc nào ngớt tiếng khóc trẻ nhỏ. Tổng cộng bà Lát- vợ ông sinh được 16 người con.

“Nhà tôi nghèo quá...”

Nói tới gia đình ông Lyn’s, người dân ấp Xung Thum B, xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lại lắc đầu ngao ngán. Số là lão nông này thuộc diện hộ nghèo trong ấp, đã thế còn nổi tiếng là “nhà máy sản xuất” trẻ con trong vùng. Ai có việc đi qua nhà ông, nhìn cảnh gần chục đứa trẻ xếp hàng dài trước cửa không khỏi xót xa.

Nằm lọt trong những ruộng muối đã hết mùa thu hoạch, căn nhà rộng chừng 30m2 là nơi trú ngụ của gần 20 thành viên trong gia đình ông Sơn Lyn’s, SN 1962 và bà Nguyễn Thị Lát, SN 1968. Trước mắt chúng tôi là rất nhiều đứa trẻ đủ mọi độ tuổi. Chừng 2 -3 tuổi có, đứa còn đang nằm giường khóc oe oe, vài đứa lớn hơn chạy lòng vòng từ đầu đường kêu có khách tới thăm.

Khi được hỏi về quãng thời gian kết hôn, ông nhăn nhúm một hồi phân bua rằng, đã quá lâu nên không thể nhớ chính xác mốc thời gian. Ông bảo vợ chồng gặp nhau lúc đi làm mướn cho người ta, thấy hợp thì xin về làm vợ chồng. Sau đó 1 năm, vợ sinh đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Vô’l. Xem sổ hộ khẩu, chúng tôi nhắc khéo về cậu con trai cả SN 1987, ông mới ậm ừ: “Chắc là cưới năm 1986 gì đó, đại loại thế, ai mà nhớ được”. Không chỉ có vậy, ông Lyn’s gắng mãi mới nhớ được tên bà vợ và vài ba đứa con, còn lại thì gọi theo thứ tự hết. Cũng tại con đông quá, gọi thế cho dễ nhớ, ông bận làm ăn tối ngày nên tên con cũng dần quên.

Ngồi bên cạnh chồng, bà Lát chia sẻ: “Tôi hạ sinh tổng cộng 16 đứa, nay chỉ còn 10 đứa sống sót. Thời trước đói quá, chúng cứ được vài tháng lại sinh bệnh rồi không qua khỏi”. Thống kê trong sổ hộ khẩu cho thấy, Từ năm 1987 – 2007 là quảng thời gian bà Lát liên tục sinh đẻ, có khi mỗi năm một đứa, kéo dài vài năm. Bà còn cho hay, vì quá sợ hãi sau những lần mất con liên tiếp nên đành ngưng một thời gian, nếu không có thể bà đã tiếp tục hạ sinh vài người nữa thuận theo ý nguyện của chồng. Bà tiết lộ, trong ngần ấy lần “vượt cạn”, gia đình đều đỡ đẻ tại nhà, chưa bao giờ đưa tới BV. Bà tự xoay sở khi đau đớn, cảm thấy sắp chuyển dạ thì kêu chồng gọi bà đỡ gần nhà sang giúp một tay. Nhiều khi, mải đi làm mà quên cả thời gian mang thai, đang ngoài ruộng thì đau bụng, bà Lát cuống cuồng kêu người tới giúp. Ông Lyn’s vội vàng cầm chiếc cáng đã chuẩn bị sẵn, khiêng bà về. Vừa tới nhà thì sinh, bà đỡ còn chưa qua kịp. Nhiều lần như thế, gia đình đỡ đẻ cho bà tại nhà mặc nguy hiểm và những biến chứng sau sinh có thể gặp phải.

“Nhà tôi nghèo quá, lại biệt lập ngoài bờ đê, đường sá khó khăn thế này, chạy tới BV thì cũng sinh xong rồi. Nghe nói trên đó phải đóng góp biết bao thứ tiền, gia đình tôi lấy đâu ra. May là tôi thuộc dạng cũng có sức khỏe, nên cảm thấy bình thường lắm, nằm mấy ngày là khỏe” – bà Lát tâm sự.

Được biết, thường ngày bà Lát đi nhặt gỗ mục về bán, ông Lyn’s làm nghề chài lưới, kiếm sống qua ngày. Cái nghèo khó khiến bà buộc phải thích ứng, có bầu tháng thứ 8 vẫn đi làm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nghèo đói thì có thể vượt qua, nhưng đau xót nhất là chứng kiến cảnh những đứa con rứt ruột ra đi khi mới chào đời. Bà tâm sự, khoảng thời gian khủng khiếp nhất là sau năm 1993, khi sinh liên tiếp 3 cháu nhưng chúng đều lâm bạo bệnh mà qua đời. Nỗi ám ảnh đấy khiến bà nhiều đêm thức trắng, ân hận vì không nuôi nổi con. Tính khuyên chồng dừng chuyện con cái, ông Lyn’s một mực không đồng ý. Liên tiếp trong 5 năm từ 2000 – 2004, bà sinh liền một mạch 5 người con, rất may chúng đều vượt qua được bệnh tật, khỏe mạnh lớn lên.

Một số cháu và các con của 2 ông bà. Ảnh: Trang Trần

Khó thoát nghèo vì ý định của người chồng.

Tiếp chuyện với PV, ông Lyn’s ngồi gọn trên giường, liên tục khua tay kêu vợ ngồi cùng vì bà hay ngại. Với dáng người nhỏ bé, cao chưa đầy 1m50, thân hình ông có lẽ chỉ bằng nửa bà Lát. Thật không ngờ, ông lại là rắc rối lớn nhất khi mang theo suy nghĩ kì quặc khiến bà “bụng mang dạ chửa” biết bao lần. Ông Lyn’s cho rằng “trời sinh voi, ắt sinh cỏ” nên không phải lo chuyện con chết đói, chỉ cần chăm chỉ làm ăn, ắt sẽ nên người. Có con là lẽ tự nhiên, là lộc trên ban cho cớ sao phải dùng biện pháp tránh đi, phải tội. Ông phân trần thêm, những người con trước đây đã mất chỉ vì bệnh tình đeo vào người chứ không phải vì đói ăn. Ông nói: “Sinh nhiều như thế chỉ vất vả chăm sóc chúng trước mắt. Sau này, lúc về già, cả chục đứa con chăm sóc, không phải lo nghĩ gì cả”.

Bà Lát cho hay, nhiều lần bà khuyên nên đặt vòng tránh thai, nhưng ông nhất quyết lắc đầu. Theo lí giải của ông chồng, đặt vòng sẽ cản trở rất lớn đến công việc hàng ngày của bà Lát. Bà thường lặn lội cả chục cây số, kiếm củi hoặc ai thuê gì thì làm nấy. Nếu dùng biện pháp tránh thai, vợ ông sẽ không làm được những công việc nặng nhọc trong một thời gian dài, tiền kiếm được cũng ít đi, không thể nuôi đàn con cả chục đứa của mình. Thế nên, bà Lát cứ liên tiếp có bầu, vừa bê cái bụng vừa làm cho đến khi nào cảm thấy mệt, không đi được nữa thì ở nhà. Thường chỉ cách ngày sinh khoảng một tuần, bà Lát chuyển sang công việc nhà, để những lúc đau bụng con cái còn biết kêu bà đỡ đến giúp.

Kì quặc hơn, cho tới tận bây giờ, ông Lyn’s vẫn chưa từ bỏ ý định có thêm con. Nhưng trải qua vô số lần sinh đẻ, vóc dáng cao to thuở nào của bà Lát giờ chỉ như chiếc thùng phi rỗng, nói năng thều thào, câu được câu không. “Tôi chắc không đẻ được nữa rồi, từ năm 2007 đến nay vẫn chưa có thêm ai cả. Sức khỏe giờ cũng yếu đi nhiều, chăm con, cháu cũng đủ mệt nói chi đến sinh thêm đứa nữa. Bệnh tật mà không đeo bám các con tôi, chắc giờ nhà cửa còn đông hơn thế này nhiều”.

Cả vợ và tất cả 10 người con của ông cũng thuộc dạng mù chữ, chỉ có hai người cháu hiện đang đi học lớp 1 mới biết đánh vần. Ông tâm sự, nhà đông con, cái ăn cái mặc phải đau đầu lo từng bữa, thời gian đâu mà đi học. Trước đây, cũng cố cho các con tới trường, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, đành ngưng việc học, tập trung đi làm ăn. Tới giờ, cái chữ bay hết khỏi đầu, làm giấy tờ gì cho con cũng nhờ người ta ghi giúp. Nhiều lần các ban ngành, đoàn thể tới nhà động viên cho con đi học, ông trốn đi làm, nhìn đàn con nheo nhóc nghĩ cũng thương nhưng không làm sao xoay xở cho chúng đi học được.

Hiện tại, 4 trong số 10 người con đã lập gia đình riêng. Kinh tế quá khó khăn, họ đành ôm con nhờ ông bà chăm giúp. Phải khó khăn lắm mới nhận biết được đâu là con, đâu là cháu của hai vợ chồng này. Nhà đã đông con, nay lại thêm 5 đứa cháu, bà Lát hầu như không còn thời gian làm thêm việc gì nữa. Ông Lyn’s bươn chải cả ngày ngoài bờ biển, vài ba đồng nhờ tôm cá đánh được ngày nào hay ngày đó. Ông nói hết tháng này sẽ cắt điện, do đường dây ở xa nên phải mua điện nhà bên cạnh, chi phí gần gấp đôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn Thành Kha, trưởng ấp Xung Thum B cho biết, gia đình ông Lyn’s thuộc hộ nghèo trong ấp. Đã vậy, ông lại cố tình sinh nhiều con. Mặc dù chính quyền cơ sở và các cán bộ dân số nhiều lần động viên, giải thích nhưng ông Lyn’s chỉ hứa rồi để đó. Địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như xây nhà tình thương, cho vay vốn làm ăn, động viên cho các cháu đi học. Do sinh quá nhiều con nên rất khó thoát nghèo.

Trang Trần

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/doi-song/gia-dinh/nguoi-chong-ep-vo-thanh-may-de-99400