Người cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu ngụy trưa 30-4

Vừa qua, đúng dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, Đơn vị B8-Thạch Hãn, Đoàn B90, Binh đoàn Quyết Thắng mới tìm lại được người chiến sĩ cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu ngụy trưa ngày 30-4-1975. Đó là Thượng sĩ Nguyễn Duy Đông. Một sự trùng hợp là Nguyễn Duy Đông cũng ở Thái Thụy (Thái Bình), cùng quê với người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, và giây phút cắm cờ cũng là 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 lịch sử.

35 năm tìm lại người cắm cờ Dịp 30-4 vừa qua, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Duy Đông nhận được điện mời vào thăm đơn vị cũ (Đơn vị B8-Thạch Hãn). Vào tới đơn vị, ông mới hay, sau chiến tranh, lớp cán bộ cũ chuyển đi và nghỉ hưu nên người viết sử của đơn vị đã có sự nhầm lẫn khi nêu tên những người trong tổ cắm cờ ở Bộ Tổng tham mưu ngụy trưa 30-4-1975 gồm: Lại Đức Lưu, Nguyễn Văn Đổng, Đỗ Xuân Hưng, Phạm Bá Uẩn, Nguyễn Văn Tiến. 4 người thì đúng, nhưng riêng Nguyễn Văn Đổng thì tra sổ sách của đơn vị giai đoạn năm 1975 không có ai họ tên như thế. Nhiều năm qua, đơn vị vẫn không tìm thấy người cắm cờ năm ấy. Nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, đơn vị lại tiếp tục điều tra, dò tìm qua lãnh đạo đơn vị cũ và cuối cùng mới biết: Nguyễn Văn Đổng chính là Nguyễn Duy Đông, nguyên Tiểu đội phó trinh sát, quê xã Thụy Văn, Thái Thụy, Thái Bình. Sáng ngày 28-4-2010, thay mặt Đơn vị B8-Thạch Hãn, Chính ủy Phạm Văn Đạo xúc động trao cho CCB Nguyễn Duy Đông giấy chứng nhận thời gian công tác và chiến đấu tại đơn vị. Trong giấy ghi rõ: “Đồng chí đã cắm cờ tại nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn”. Cầm giấy chứng nhận trên tay, mắt CCB Đông nhòa ướt và câu chuyện 35 năm về trước như hiện ra trước mắt. Tháng 4-1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thượng sĩ Nguyễn Duy Đông thuộc Tiểu đoàn 2, Đơn vị B8-Thạch Hãn, Sư đoàn 320B, nay là Đoàn B90. Đang trên đường tham gia chiến đấu, Tiểu đoàn 2 nhận mật lệnh: Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông, Chính trị viên Nguyễn Đức Lung, Đại đội trưởng Đại đội 5 Lại Đức Lưu, Tiểu đội phó trinh sát Nguyễn Duy Đông, Liên lạc viên Nguyễn Văn Tiến lên cơ quan trung đoàn nhận nhiệm vụ. Trong căn hầm dã chiến, Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng ra lệnh: Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Trung đoàn quyết định giao nhiệm vụ vẻ vang này cho Tiểu đoàn 2 (biệt danh Tiểu đoàn thép). Và ngay lúc đó, lá cờ giải phóng rộng 13,6m2 được Chính ủy trung đoàn Lê Xuân Yến trao cho Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông. Tiểu đoàn trưởng trao lại lá cờ cho Đại đội trưởng Lại Đức Lưu. Nhận lệnh triển khai, Tiểu đoàn 2 giao nhiệm vụ đánh thọc sâu và cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy cho Đại đội 5. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông, tổ thọc sâu và cắm cờ do Đại đội trưởng Lại Đức Lưu làm tổ trưởng, cùng Nguyễn Duy Đông, Đỗ Xuân Hưng, Phạm Bá Uẩn và Nguyễn Văn Tiến. Nguyễn Duy Đông vinh dự được giữ cờ, Phạm Bá Uẩn được giao nhiệm vụ cầm cán cờ. Để hoàn thành được nhiệm, vụ, Tiểu đoàn 2 được cấp trên tăng cường xe tăng, xe bọc thép và một số phương tiện, đạn dược, lương thực, thực phẩm... và được một trung đoàn pháo hỗ trợ. Trên đường tiến vào Sài Gòn, tiểu đoàn vừa hành quân vừa đánh chiếm các mục tiêu. Ngày 29-4, Tiểu đoàn vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch ở nút Tân Uyên. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Cuối cùng với sức mạnh của xe tăng, pháo binh, ta đã xóa sổ cửa “tử thủ” này. 7 giờ ngày 30-4-1975, đại quân băng băng tiến vào Sài Gòn. Xe tăng, xe bọc thép vừa vận động, vừa bắn phá các mục tiêu làm quân giặc kinh hoàng, khiếp đảm. Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông ra lệnh thần tốc, bỏ qua các mục tiêu bên đường, xông thẳng đến cầu Bình Triệu. Bên kia cầu, địch tăng cường rất nhiều xe tăng, xe bọc thép và chống trả quyết liệt. Tất cả hỏa lực pháo tăng và bộ binh ta tập trung nã đạn vào đội hình xe tăng, xe bọc thép của địch. 5 đụn lửa khổng lồ bùng lên đốt cháy 5 xe tăng địch và làm cho cả 2 thiết đoàn xe địch bị khựng lại, không tiến, không lùi được. Xe tăng chỉ huy Tiểu đoàn 2 đối đầu với một xe tăng địch, Nguyễn Duy Đông tay cầm AK lao xuống chặn đầu xe địch, hô to: “Hàng thì sống, chống thì chết” rồi nhảy lên xe bọc thép của địch. Tiếp đó, đồng chí Hưng lao theo, đồng chí Uẩn kéo cán cờ, Đại đội trưởng Lưu, Tiểu đoàn trưởng Nông và đồng chí Tiến cùng nhảy lên xe tăng khống chế địch. Tiểu đoàn trưởng Nông dùng báng súng AK nện vào nắp xe tăng ra lệnh cho địch đầu hàng và quay đầu xe thẳng hướng Bộ Tổng tham mưu ngụy. Tên lái xe tăng địch buộc phải chấp hành. Nhanh như gió, Đại đội trưởng Lưu giật cờ địch, cắm lá cờ giải phóng lên xe tăng địch. Cùng thời điểm, toàn bộ Tiểu đoàn 2 tràn lên nóc các xe tăng địch bắt chúng quay đầu theo xe chỉ huy tiến vào Sài Gòn. Thời điểm lịch sử Khoảng 11 giờ 5 phút, xe tăng địch chở chỉ huy cùng tổ thọc sâu dẫn đầu đơn vị đánh thẳng Bộ Tổng tham mưu ngụy. Tiểu đoàn trưởng Nông lệnh cho tên lính ngụy dùng súng máy 12,8mm tiêu diệt lô cốt bên phải. Nguyễn Duy Đông ngồi trên tháp pháo ném hai quả lựu đạn tiêu diệt lô cốt bên trái. Các tay súng AK liên thanh quạt vào những tốp lính bảo vệ đang cố thủ. Xe tăng chỉ huy tăng ga lao vào cổng số 2 của Bộ Tổng tham mưu ngụy. Phát hiện bọn địch ở khu trung tâm đang co cụm kháng cự, Tiểu đoàn trưởng Nông ra lệnh hạ pháo tầm thấp nã đạn. 3 quả pháo cày trên mặt đường kẻ thành 3 luồng lửa xiên thẳng về phía địch. Xe dừng lại, cả tổ lao vào mục tiêu. Nguyễn Duy Đông lưng đeo ba lô cờ, tay cắp AK chạy trước. Đỗ Xuân Hưng, Phạm Bá Uẩn lao theo, đồng thời tiếp tục tiêu diệt và khống chế những tên chống cự. Trong Bộ Tổng tham mưu ngụy lúc này vẫn còn rất nhiều địch. Phát hiện một tên, Đông chĩa AK ra lệnh dẫn đường theo cầu thang bộ gần nhất lên nóc nhà. Đại đội trưởng Lưu và các chiến sĩ: Hưng, Uẩn, Tiến cùng chạy lên cầu thang. Tới nửa cầu thang thì không thể nào đưa cán cờ lên được vì cán cờ dài, cầu thang ngôi nhà 3 tầng rất gấp khúc. Từ trên, Đông quay xuống hét to: “Hưng cầm ngọn cán cờ kéo ngược lên!”. Mãi sau này, nghĩ lại, Đông không hiểu sao giây phút ấy mình lại nhanh trí đến thế! Cán cờ là cây gỗ mới chặt trong rừng còn tươi nguyên. Lúc này, tổ cắm cờ đã đủ 5 người, Đông nhanh chóng mở ba lô lấy cờ. Để nguyên giày cao cổ, Đông như con sóc leo lên cột cờ chính. Khi Đông buộc xong nút cuối cùng ở trên cao cũng là lúc cờ giải phóng tung bay trên nóc Bộ Tổng tham mưu ngụy giữa nắng gió Sài Gòn. Hưng đưa AK bắn lên trời một loạt đạn báo tin chiến thắng. Mọi người nhìn đồng hồ lúc đó là 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Sau 35 năm … Năm 1980, Đông ra quân. Từ đó đến nay, CCB Nguyễn Duy Đông liên tục tham gia công tác ở địa phương. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Văn. Về kỷ vật chiến trường Nguyễn Duy Đông cho biết: Tài sản chiến trường duy nhất ông còn lưu giữ là tấm ảnh đen trắng chụp cùng đồng đội ngồi trên nóc xe tăng ngụy tiến vào Sài Gòn và tấm ảnh cùng tổ cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu ngụy trưa 30-4-1975. Tấm ảnh chụp chính giây phút Đông đang ở tít trên cao. Còn Đỗ Xuân Hưng thì ra quân năm 1977 và lấy vợ ở quê. Nhưng do cuộc sống làm ăn quá khó khăn, Hưng đã đưa vợ con ra sinh sống ở đảo Phú Quốc. Hưng làm vườn, làm rẫy. Cuộc sống hiện tại vẫn chưa hết khó khăn, nhất là từ khi cháu trai đầu bị nhiễm chất độc da cam phải đi chữa chạy ở nhiều bệnh viện và đã mất năm 18 tuổi. Bây giờ, hằng năm, anh vẫn phải đi đi về về vì ở quê Thái Bình vẫn còn bố mẹ già. Còn Trịnh Bá Uẩn, sau năm 1975 ra Bắc tham gia huấn luyện rồi lại trở vào Nam, chuyển về Đoàn 10 tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Anh được cử đi học tại Học viện Lục quân Đà Lạt và công tác ở đó đến bây giờ. Hiện Trịnh Bá Uẩn là Đại tá, Trưởng ban biên tập Tạp chí Nghiên cứu chiến thuật, chiến dịch của Học viện Lục quân. CCB Nguyễn Duy Đông tâm sự: Ước mong lớn nhất của ông là anh em trong tổ cắm cờ ngày ấy có dịp được gặp lại nhau. Ông Đông được biết, Tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông đã nghỉ hưu tại Thanh Hóa, Đại đội trưởng Lưu đã nghỉ hưu tại Thái Bình... Ông Đông cũng rất muốn gặp lại nhà báo Dương Văn Xuyền-người đã chụp ảnh tổ cắm cờ năm ấy. Ông cứ thắc mắc là trong lúc chiến sự ác liệt như thế, nhà báo Xuyền ở chỗ nào mà lại chụp được tổ cắm cờ của ông vào trưa ngày 30-4-1975? Ghi chép của Lã Quý Hưng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/58/58/119400/Default.aspx