Người Việt cúng gì trong đêm giao thừa?

Việc chuẩn bị một mâm cỗ để cúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới là không thể thiếu của người Việt.

Giao thừa là thời khắc vô cùng quan trọng và thiêng liêng, một sự khép lại năm cũ để chuyên giao sang năm mới với những điều bất ngờ đang chờ đón. Trong tâm linh người Việt, thời khắc này đất trời như giao thoa với nhau tạo nên một màn đêm dày đặc, một sự hòa quyện đầy linh thiêng.

Trong giây phút ấy, với người Việt, nhất định phải chuẩn bị những mâm cỗ cúng tỏ lòng thành kính với đất trời cũng như với tổ tiên, và tựa một lời “mời” tổ tiên về ăn Tết. Nhà nhà thắp hương trầm, hương vòng ngào ngạt bên cạnh mâm cỗ đầy ắp những món ăn tươi ngon nhưng mang đậm nét truyền thống.

Giao thừa người Việt cúng ai?

Người Việt tin rằng mỗi năm có một ông Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng “mắt trần tục” ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.

Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.

Tuy nhiên, phong tục mỗi miền về mâm cỗ cúng giao thừa vẫn có nét khác nhau.

Mâm cỗ giao thừa của 3 miền

Với người miền Bắc, mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời khá đầy đủ và phong phú các món ăn. Đặc biệt gà luộc với xôi đỗ xanh ít khi thiếu trong mâm cỗ mặn và gà cúng giao thừa thường phải là gà trống ngậm hoa hồng. Hình ảnh quen thuộc này cũng mang ý nghĩa tâm linh nhất định. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt trời.

Mâm cỗ cũng giao thừa

Ngoài ra, theo quan niệm của ông cha, vì giao thừa (trừ tịch) là đêm mà mặt trời ngủ sâu nhất, bởi thế nên các cụ ta thường hay cúng gà trống hơn là gà mái với hy vọng con gà sẽ cất cao tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy để cả năm được tràn ngập ánh sáng, mưa thuận gió hòa, con đường tiền tài, sức khỏe… được rạng rỡ, sáng sủa. Những con gà trống vàng ươm, da bóng, sáng nằm yên vị trên mâm xôi thơm nức luôn hằn sâu trong tâm trí mỗi người Việt và nó trở thành một nét văn hóa tâm linh đẹp chẳng bao giờ phai. Trước đây, nhiều gia đình còn thay gà trống bằng thủ lợn, còn hiện tại, việc sử dụng thủ lợn ít hơn nhiều và phần lớn được người dân vùng miền núi sử dụng.

Bên cạnh xôi, gà hoặc thủ lợn, người Bắc cúng giao thừa cùng bánh chưng vuông hoặc bánh chưng dài (nhiều nơi còn gọi là bánh tày, còn người miền Nam lại gọi là bánh tét), mứt, trầu, cau, rượu, nước, vàng mã và cả hoa quả. Những loại quả ngon, còn tươi mới để bày tỏ lòng thành kính dâng lên thần linh, thổ địa, tổ tiên như táo, lê, cam, quýt, bưởi và chuối. Đặc biệt chuối là thứ quả không thể thiếu. Bởi theo quan niệm ngũ hành, thì chuối có màu xanh, ứng với mùa Xuân (hành mộc). Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa Xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bảo bọc. Tuy nhiên, cách chọn hoa quả cúng đêm giao thừa cũng như trong mấy ngày Tết của người Bắc không quá khắt khe về ý nghĩa hoặc kiêng kị như người miền Nam.

Trong mâm cỗ cúng giao thừa ngoài Bắc, nhiều gia đình còn cúng quả trứng luộc, để chung với chút gạo mà muối và một bát cháo trắng.

Còn người miền Nam, họ cúng giao thừa cả ở trong nhà và ngoài trời. Tuy nhiên, mâm cỗ giao thừa đơn giản hơn ngoài Bắc với đĩa ngũ quả, hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nghe nói, cúng giao thừa miền Nam ngày nay đã lược bớt một số công đoạn cũng như giảm đi phần lễ. Nếu đầy đủ và “đúng chuẩn” thì mâm lễ mặn phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè. Đặt biệt kèm thêm bắp cải thảo… tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Hiện nay, vẫn còn có gia đình duy trì cách cúng đầy đủ như thế này.

Riêng về mâm ngũ quả thì với người miền Nam lúc nào cũng phải có kiêng kị và ý nghĩa nhất định, dù là có đơn giản hay không. Mâm ngũ quả người miền Nam gồm mãng cầu Xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý "cầu sung (túc) vừa đủ xài". Đôi khi thêm trái dứa (người Nam gọi là "thơm") và thường là phải có một cặp dưa hấu để riêng bên cạnh. Theo nhiều người chia sẻ, khác với người Bắc là gia đình người miền Nam thường kiêng kỵ thờ quả có tên mang ý nghĩa xấu nên mâm trái cây của họ không có chuối (vì âm chuối đọc như "chui nhủi", ngụ ý thất bại), cam ("quýt làm cam chịu"), lê ("lê lết"), táo (người Nam gọi là "bom"), lựu ("lựu đạn") và không có cả sầu riêng, dù người Nam bình thường rất thích ăn sầu riêng, và không chọn trái có vị đắng, cay.

Mâm ngũ quả của người miền Nam không có chuối

Với người miền Trung, đêm giao thừa lễ cúng ngoài với hương trầm ngào ngạt, không gian thờ phụng đoan nghiêm, mọi người trong gia đình đứng xếp hàng theo thứ tự trước án thờ dâng hương cúng giao thừa. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa thì trên bàn thờ luôn luôn được hương chong đèn rạng, nghi ngút trầm hương. Món gà luộc, xôi, bánh chưng, bánh nếp cũng là những món ăn không thể thiếu.

Tuy nhiên ngày nay, nhiều người cho rằng, lễ ngoài sân hay trong nhà không quan trọng, cái chính vẫn là lòng thành của mỗi gia đình. Vì vậy, lễ vật to nhỏ không quan trọng mà cái quan trọng nhất vẫn là sự thành kính. Mâm cao, cỗ đầy hay lễ vật đơn sơ tùy thuộc vào gia cảnh. Nếu gia cảnh khó khăn chỉ có một nén hương, bát cháo thì không thể nói đó là không đầy đủ lễ nghĩa. Mâm cúng thịnh soạn hay đơn sơ cũng là để cho mỗi thành viên trong gia đình cùng tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội, cũng là thời khắc gia đình sum họp, ngồi ôn lại chuyện cũ đã qua và cùng nhau hân hoan đón chào một năm mới với những hi vọng may mắn sẽ đến với mỗ thành viên trong gia đình.

Nguồn 24H: http://hn.eva.vn/bep-eva/nguoi-viet-cung-gi-trong-dem-giao-thua-c162a167700.html