Người Việt Nam có thực lòng "mê" mì gói?

Khi Bộ Công Thương công bố Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền với sản lượng 50 tỷ gói/năm. Với sản lượng sản xuất khổng lồ chủ yếu phục vụ trong nước,Việt Nam đang là nước tiêu thụ mì ăn liền hàng đầu Châu Á và đứng thứ 4 thế giới, với số lượng từ 1 – 3 gói/người/tuần (theo www.danviet.vn).

Với những thông tin trên khiến không ít người phải giật mình. Người Việt Nam vốn quen thuộc với cơm như một món chủ lực tại sao lại tiêu thụ mì nhiều như thế? Phải chăng vì người Việt thích ăn mì, vì thói quen hay vì điều kiện kinh tế?

Mì gói – món ăn bình dân

Không biết từ khi nào, người Việt đã khá quen thuộc với mì gói – một món được coi giúp người ta no với chi phí thấp. Người tiêu dùng dường như quá quen thuộc với các thương hiệu như Hảo Hảo, Gấu đỏ, Tiến vua, Omachi, Đệ nhất,.. của các công ty Vina Acecook, Asia Foods, Vifon, Uni-President, Massan, Miliket…

Mì gói - món ăn bình dân được nhiều người lựa chọn

Vì luôn được người dân coi là món ăn bình dân dùng để ăn sáng, thay thế bữa ăn chính, hay là ăn tạm những lúc đói nên giá của mì gói cũng khá mềm với khoảng từ 3 – 5 nghìn đồng/gói. Mì ăn liền có thể mang đến cảm giác no ngay sau khi ăn bởi carbonhydrat và sự cung cấp năng lượng bởi chất béo và tinh bột. Rẻ tiền, no và ngon khiến mì gói có sức hút riêng đối với người tiêu dùng .

Đau lòng chuyện ăn mì như cơm bữa

Nói đến tác hại của mì ăn liền thì không còn quá xa lạ. Với nhiều chất béo và tinh bột, mì ăn liền không thể cung cấp các dưỡng chất cần thiết mà còn thông qua transfat gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Không những thế với thành phần nhiều muối và phosphate vô tình làm hại đến thận và xương, răng. Và nguy hiểm hơn khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mì ăn liền với nhiều phụ gia, chất béo bão hòa,… và các thành phần độc hại có thể gây ung thư.

Một cảnh ăn mì gói của các bạn trẻ

Hại như thế như cứ vào siêu thị, các tiệm tạp hóa, chợ,… thì người mua mì vẫn không hề thuyên giảm. Đặc biệt, tại các khu có nhiều sinh viên, công nhân thì số mì ăn liền bán rất chạy.

Đứng gần mấy tiệm tạp hóa gần ký túc xá Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giờ tan học mới thấy rõ mì ăn liền ở đây được lựa chọn nhiều như thế nào. Loan, sinh viên năm 2 đại học Khoa học tự nhiên ôm cả 2 thùng mì giải thích: “Mua nhiều thế này về 4, 5 đứa chia nhau, ăn vài ba bữa là hết. Ngoài cơm, tụi em vẫn ăn mì hàng ngày mà.”

Có ngày chị bán hết cả chục thùng, còn ngày ế cũng vài ba thùng.

Hồng, công nhân khu chế xuất Linh Trung cầm gần chục gói mì bỏ vào bịch, ái ngại khi được hỏi về tác hại của mì ăn liền: “cũng đôi khi có nghe chị ạ, nhưng biết làm sao, ăn cái gì bây giờ cũng nguy hiểm vậy thôi; thịt, cá, rau củ cũng chắc gì an toàn. Thôi thì đành cam chịu…”

Chị Phương – chủ tiệm tạp hóa khu vực Đại học Quốc gia đon đả: “khu vực này bán mì là chạy nhất. Cứ tầm 3 đến 4 nghìn đồng một gói, có ngày chị bán hết cả chục thùng, còn ngày ế cũng vài ba thùng.”

Biết rõ tác hại của mì ăn liền, người Việt vẫn quen với món cơm là món truyền thống nhưng số lượng người ăn mì Việt Nam khá lớn. Lí do đơn giản có phải vì thói quen, vì sự tiện ích, ngon miệng hay thực sự là vì một lý do nào khác?

Mì ăn liền, giải pháp cho khó khăn?

Đau lòng khi nghĩ đến những người ăn mì nhiều lại là sinh viên, công nhân, thế hệ trẻ. Những người mà với sức trẻ, sức khỏe đang ở thời kỳ đỉnh cao, họ đang cần năng lượng, dinh dưỡng để học tập, làm việc. Không phải họ không hiểu tác hại của mì gói, không hẳn họ nghiền ăn mì.

Mì gói được nhiều sinh viên lựa chọn để tiết kiệm chi phí

Nam – sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “chuyện sinh viên ăn mì là thường tình chị ạ, nhất là với thời buổi giá cả tăng như thế này. Thay vì một cơm bình dân 20 nghìn/ bữa, ngày 2 bữa với tiền ăn sáng nữa cũng gần 50 nghìn. Ở bốn đứa một phòng, vậy mà mỗi tháng vẫn phải trả 6 trăm nghìn tiền phòng và điện nước. Với số tiền 2 triệu rưỡi/ tháng ba mẹ cho thì còn bao khoản sách, vở, bạn bè, học hành,… Nhiều khoản chi tiêu phát sinh khiến tụi em dùng mì gói cho bữa sáng hoặc là bữa ăn chính trong ngày cũng dễ hiểu.”

Một tháng thay vì tốn khoảng 1 hơn một triệu tiền ăn thì giờ đây chỉ tốn khoảng một nửa. Số tiền đó, em có thể mua thêm sách vở, đi học thêm ngoại ngữ, gặp gỡ bạn bè,…

Thủy, sinh viên năm nhất ở ký túc xá Đại học quốc gia ngồi tỉ mỉ tính chi phí tiết kiệm được nếu bạn ấy dùng mì ăn liền cho bữa sáng và vào buổi chiều thay cho cơm: “một bữa cơm 15 nghìn đồng, ăn sáng thì ít nhất cũng từ 7 đến 10 nghìn, em ăn mì chỉ tốn 3 nghìn, vậy là một ngày tiết kiệm được 12 nghìn từ tiền ăn tối và 5 nghìn từ tiền ăn sáng. Một tháng thay vì tốn khoảng 1 hơn một triệu tiền ăn thì giờ đây chỉ tốn khoảng một nửa. Số tiền đó, em có thể mua thêm sách vở, đi học thêm ngoại ngữ, gặp gỡ bạn bè,…Vì với số tiền chưa đến 2 triệu/tháng, mặc dù đã chi trả trước cho tiền phòng ký túc xá từ đầu năm học nhưng đôi khi vẫn không đủ nếu có việc phát sinh thêm.”

Không ăn nhiều mì ăn liền như bài toán Thủy phân tích, nhưng qua khảo sát các bạn sinh viên thì hầu như chuyện các bạn sinh viên dùng từ 3 đến 5/ tuần để ăn sáng và ăn thay cơm là chuyện hết sức bình thường.

Thật sự với thời buổi cái gì cũng tăng: giá xăng tăng , giá gas tăng, giá viện phí tăng,..thì cái chuyện giá nhu cầu cơ bản như ăn uống, chỗ trọ tăng lên là điều tất yếu. Lương công nhân vẫn lạch bạch không nhích lên nhiều. Bữa trưa ăn tại công ty, coi như đỡ một bữa, chiều tối qua loa với vài món đơn giản, sáng ra thì hết xôi, bánh mì 6 – 8 ngàn thì mì ăn liền cũng là một giải pháp tối ưu.

Với nhứng công nhân với đời sống khó khăn thế này thì chuyện ăn mì gói cũng là thường tình

“Tiết kiệm 3 – 5 ngàn cho bữa sáng hay 10 ngàn cho bữa tối đối với nhiều người thì số tiền này cả tháng cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng thực sự, những người xa xứ với tiêu chí tiết kiệm để gửi về nhà thì số tiền tích góp này vô cùng quan trọng” – Liễu, công nhân khu công nghiệp Tân Bình ngậm ngùi chia sẻ.

Biết không tốt sức khỏe, không đủ dinh dưỡng nhưng vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, vẫn còn nhiều người phải dè xẻn, vẫn ăn mì ăn liền thường xuyên. Sẽ ra sao khi sức khỏe của con người ngày càng giảm sút, ngày càng bị đe dọa?

Khánh Hải

Nguồn The Box: http://thebox.vn/tieu/nguoi-viet-nam-co-thuc-long-me-mi-goi/12683.html