Ngôi trường rèn tài năng cho học sinh cá biệt

Đánh nhau, bỏ nhà đi 'bụi', chống đối cha mẹ... trường IVS đón nhận tất cả những 'cá tính' đó.

11h, tiếng chuông báo hết giờ học vang lên, những khuôn mặt rạng rỡ trong màu áo đồng phục xanh đậm của trường phổ thông nội trú IVS (Từ Sơn, Bắc Ninh) ùa ra khỏi lớp. Nhìn thấy người lớn, các bạn lễ phép cúi chào. Ít ai nghĩ, trước khi vào đây, những bạn học sinh này đều có một quá khứ “hào hùng”.

Ngô Thị Thu Hằng (14 tuổi) xinh xắn dễ thương kể: “Mình gốc ở Hà Tây nhưng lớn lên tại Đà Lạt. Chưa đầy tuổi, ba mẹ đã ly hôn, mình sống với bà nội và họ hàng”.

Tuổi thơ thiếu tình thương và sự quan tâm của ba mẹ nên Hằng thích quậy, nhiều lần bạn bỏ nhà sống một mình, không chịu học hành. "Ai trông mình cũng kêu hiền mà trước kia mình đánh nhau dữ lắm” - Hằng chun mặt nghĩ đến “thời hoàng kim” cách đây 7 tháng. "Mẹ dắt mình ra Hà Nội bảo sang chỗ này hay lắm, rồi mẹ gửi vào trường và đi luôn. 2 tuần đầu, mình không nhớ nhà mà chỉ thấy nhớ bạn bè ở Đà Lạt", Hằng kể.

Đang sống tự do, bỗng nhiên bị quản lý thời gian khắt khe như quân đội, Hằng thấy nản. Có lần, Hằng không chịu ăn cơm, định tuyệt thực thì Trinh - học sinh lớp 12 ở cùng phòng bảo: “Em không ăn cũng được, nhưng bát cơm đó là công sức của ba mẹ em đó”. Câu nói làm Hằng chợt “tỉnh”, giờ Hằng là một trong những nữ sinh tiến bộ nhanh nhất trường.

Trường IVS dùng võ để rèn luyện thể chất và khí chất cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Trường THPT nội trú IVS trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, chú trọng phát triển tài năng của những học sinh cá biệt. Học sinh trong trường hầu hết thiếu vắng tình thương, sự quan tâm sát sao của gia đình. Có bạn từng “dạt nhà”, không nghe lời ba mẹ...

Ngoài văn hóa, trường IVS bắt buộc học sinh học võ Vovinam để rèn luyện thể chất và khí chất. Nhà trường đưa Vovinam vào giảng dạy hai buổi chính, ba buổi sinh hoạt câu lạc bộ.

Thầy Đặng Văn Nguyên, trưởng phòng đào tạo IVS cho biết, phương pháp dùng võ để rèn tính hiếu động, thích quậy phá của học sinh được áp dụng tại nhiều trường thiếu sinh quân ở nước ngoài và có tác dụng tốt. Học sinh có cá tính mạnh, ưa làm thủ lĩnh tìm thấy ở võ Vovinam chất “kiềm”, tăng tính kỷ cương, kỷ luật. Vovinam dạy học trò tinh thần võ đạo, biết kính trên nhường dưới, lấy đạo đức chinh phục kẻ yếu thế.

Không phải học sinh cá biệt nào cũng được nhận vào trường. Học sinh vi phạm kỷ luật ở địa phương, bị mắc bệnh truyền nhiễm, không đạt yêu cầu trong bài kiểm tra đầu vào... sẽ bị loại. Sau một thời gian học, trường thường xuyên có bài test IQ để phân loại học sinh. Quá trình rèn luyện, học sinh nào có tư chất, tỏ ra ham thích một bộ môn nào đó sẽ được định hướng phát triển sâu.

Trường áp dụng cách dạy giống các nước Bắc Âu. Học sinh sẽ tiếp thu bài giảng bằng phương pháp trực quan sinh động, giúp ghi nhớ lâu hơn. Mỗi giờ lên lớp, giáo viên dùng máy chiếu, đưa câu chuyện hấp dẫn vào từng bài giảng. Ngoài giờ lên lớp, thầy trò kèm cặp nhau học, các giáo viên ăn ngủ ngay tại ký túc xá với trò khiến học sinh ở đây tiến bộ từng ngày.

Một giờ học nghệ thuật vui vẻ của học sinh tại IVS. Ảnh: Nguyễn Thắng

Anh Trần Mạnh Hùng, doanh nhân thủy sản tranh thủ thăm con gái vào dịp cuối tuần kể: “Thấy con gái không chịu học hành, trốn nhà đi chơi, gia đình lo lắng gửi cháu vào một số trường nhưng không thấy kết quả. Chuyển về IVS, cháu đã biết nghe lời hơn, quấn quýt ba, tiến bộ trông thấy tôi rất mừng”.

Ứng Hữu Đức (15 tuổi) là gương mặt nổi trội trong trường. Đức từng được giải ba môn Toán cấp tỉnh năm lớp 9, giải nhất Quốc gia Toán máy tính bỏ túi. Vì quá nghịch, Đức không vào được trường chuyên Quảng Ninh. Chán nản, có lúc cậu trò "giả điên" để không phải học. Từ ngày vào IVS, Đức biết cách sống tự lập, ít quậy và thương bố mẹ nhiều hơn. “Trước đây về nhà mình chỉ có lên mạng, bây giờ mình biết mình thích âm nhạc, chơi đàn ghi ta được gần hết các bài tủ của thầy rồi”, Đức tủm tỉm khoe.

Không may mắn như nhiều bạn bè khác, có gia đình lên thăm cuối tuần, gia đình Hằng sống ở Đà Lạt nên từ ngày lên đây, "mẹ chỉ điện thoại cho mình có 2 lần" - Hằng kể. Nguyễn Hương Quỳnh (16 tuổi) mới học đến lớp 9. Quỳnh tâm sự, cô sống với bà ngoại vì bố mẹ đi làm ăn xa. Ở Hải Phòng, Quỳnh trốn học thường xuyên, nhưng hiện giờ, cô chuyên tâm học và hy vọng sau lớp 12 sẽ về Hải Phòng chăm sóc đỡ đần để bà vui.

Cho học sinh lớp 7-8 viết tiểu luận cũng là cách dạy mới của trường IVS. Thầy Nguyên chia sẻ, viết luận giúp các bạn tự học, kích thích tư duy độc lập, tính sáng tạo. Môn học viết thư được nhà trường tổ chức vào những giờ ngoại khóa và được hầu hết học sinh yêu thích. Viết thư nhắc học sinh nhớ lại tình cảm gia đình, tăng nhận thức về lòng yêu thương cho những học sinh tưởng như “không thể phục hồi” tình yêu và các giá trị nhân văn. Có nhiều bạn, trong những bức thư gửi về gia đình nhân ngày 20/11, 8/3 đã khiến ba mẹ cảm động rơi nước mắt.

Thầy Phạm Văn Thân, giáo viên võ thuật từ năm 2009 nhớ lại kỷ niệm khó quên: “Một lần, thấy các em học sinh không nghe lời, tôi rất buồn và nói: Các em không nghe lời thì thầy sẽ rời khỏi đây. Nhóm nam sinh nước mắt ngắn dài vây quanh thầy hơn một tiếng đồng hồ xin thầy thay đổi quyết định. Hành động đó của học sinh khiến tôi hiểu rằng, trong trái tim các em có thầy”.

Ứng Hữu Đức (16 tuổi) học đàn cùng thầy trong phòng Nghệ thuật của trường. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Giáo viên tại trường IVS tuổi đời từ 24 đến 30. Thầy Trần Trọng Quyết, giáo viên môn Vật lý bật mí rằng, để biến nhược điểm của trò cá biệt thành ưu điểm, thầy cô cần biết đặc điểm chung của trò. “Đa phần học sinh cá biệt thông minh nhưng chưa chăm chỉ, rất hiếu động, hổng kiến thức cơ bản”. Có những lần, thầy Quyết rủ trò đi uống nước dốc bầu tâm sự. Đó là lúc khoảng cách thầy trò không còn nữa.

“Một lần mình bị sốt, nhờ thầy Nguyên phát hiện kịp thời, cõng đến bệnh viện Từ Sơn. Thầy mua cháo cho ăn, mua thuốc cho uống, mình mau khỏi bệnh và quý các thầy cô nhiều hơn. Sự chăm sóc của các thầy cô khiến nhiều bạn dịp nghỉ hè được về nhà còn kiếm cớ đòi ở lại với các thầy cô”, Thu Hằng tâm sự.

“To be good, and to do good. That’s all we have to do - Là người tốt và làm việc tốt, đó là tất cả những gì ta cần phải làm” - Tấm bảng khẩu hiệu trong dãy nhà ký túc được in hai thứ tiếng đó chính là mong muốn của các thầy cô trường IVS với học trò của mình.

Xem thêm ảnh học sinh rèn luyện tại trường IVS.

Hồng Nhung

Nguồn VnExpress: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/hoc-duong/ngoi-truong-ren-tai-nang-cho-hoc-sinh-ca-biet-2879951.html