Ngôi làng 'các bà lang' chữa bệnh vô sinh ở Hà Nam

Có lẽ không có bất cứ một ngôi làng nào ở Việt Nam giống như làng An Thái. Xã An Mĩ, Tỉnh Hà Nam. Bởi lẽ, tại đây cả làng đều là những thầy thuốc, lương y biết chữa căn bệnh vô sinh bằng phương thuốc gia truyền.

Cả làng là thầy thuốc Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 80km theo đường quốc lộ 1A, nên phải mất vài tiếng chạy xe ròng rã, tôi mới đặt chân đến làng An Thái. Chỉ vừa bước đến đầu làng tôi đã ngửi thấy mùi sao thuốc bắc ngào ngạt phả ra từ các ngôi nhà quanh làng, có nhà cả sân chật cứng các vị thuốc bắc đang mang ra phơi nắng cho đỡ ẩm mốc. Đi dọc theo con đường dẫn vào sâu trong làng, tôi bắt gặp vô số nhà treo biển đề tên bà lang này, bà lang nọ và đều ghi rõ “chữa bệnh vô sinh”. Nghĩ bụng phải hỏi thăm xem ở đây ai là người cao tay nhất về thuật chữa bệnh hiếm muộn, tôi liền dò hỏi các người dân quanh làng, nhưng tất cả mọi người đều cho biết: "Làng này ai chả như nhau, nhà nào cũng chữa được bệnh vô sinh, rồi cả bệnh phụ khoa nữa". Thử đặt chân vào một cơ sở chữa bệnh tại đây để “mục sở thị’ về phương pháp bí truyền, tôi hỏi thăm nhà bà lang Phúc, tức cụ Nguyễn Thị Nhân, vì được biết đây là chi hội trưởng chi hội Đông y ở Làng An Thái. Hiện tại, bà lang Phúc đã truyền lại nghề cho con dâu của mình là lương y Đỗ Nguyễn Mỹ Hà. Chị Hà cho hay, tính đến đời mình là đời thứ 4 được lĩnh hội chân truyền về phương thuốc chữa bệnh phụ khoa, đặc biệt là bệnh vô sinh. Cách chữa bệnh cũng không khác lạ so với những nơi khác là mấy, nếu bệnh nhân là nam giới, thầy sẽ cho mang thuốc về nhà tự uống. Riêng đối với phụ nữ thì cho nằm lại nhà “thầy làng” để chữa trị, mỗi ngày được khám hai lần, và cho uống thuốc. Tuy nhiên, về phương thuốc thì chị Hà xin phép được giữ kín vì đó là “tuyệt kỹ” riêng và theo nội quy của dòng họ cũng không được phép tiết lộ. Thường thì bệnh nhân được điều trị theo hai đợt: đợt đầu trong vòng 15-20 ngày và đợt hai 7 - 10 ngày, mỗi đợt cách nhau khoảng ba tháng. Thuốc các “thầy” tại đây sử dụng thuộc dạng “viên hoàn táng” tức dạng bột và dạng viên. Hết thời gian uống thuốc, người bệnh sẽ đi xét nghiệm để điều chỉnh liều lượng. Trung bình chi phí thuốc men mỗi người hết khoảng 50.000 – 100.000 đồng/ngày. Khi chị Hà cho tôi xem cuốn sổ ghi bệnh nhân thì có rất nhiều người từ khắp các vùng miền đã từng đến đây khám bệnh. "Không phải là tất cả, nhưng có tới 70% số bệnh nhân đến An Thái chữa bệnh thì đều có “tin vui”", chị Hà khẳng định. Làng nghề “không đàn ông” “Không đàn ông” chính là tôn chỉ của làng nghề thuốc An Thái. Tất cả các thầy thuốc trong làng An Thái đều là nữ giới, không có bất kỳ một nam nhân nào hành nghề chữa bệnh vô sinh tại đây. Sở dĩ có chuyện như vậy là do tính chất của việc chữa bệnh vô sinh và bệnh phụ khoa mà ra. Phần lớn bệnh nhân đến khám là nữ, lại là thứ bệnh “thầm kín” khó nói với người khác giới, chỉ có chị em mới dễ dàng thấu hiểu. Người đã từng nạo phá thai, cắt bỏ buồng trứng hay mắc bệnh khó nói… dẫn đến hiếm muộn khó có thể bước qua rào cản tâm lý nếu phải gặp "thầy" là nam giới. Khi truyền lại nghề cho con cháu, các thầy lang đều chọn con gái, đối với những gia đình sinh toàn con trai, nghề thuốc sẽ được truyền cho một trong số những người con dâu, tùy theo tư chất của mỗi người mà có sự lựa chọn. Bởi vậy, đã hơn 300 năm nay, Làng An Thái chỉ nghe thấy có bà lang mà chưa nghe tiếng ông lang bao giờ. Để tìm hiểu rõ hơn thông tin về ngôi làng kỳ lạ này tôi tìm gặp lãnh đạo ủy ban nhân dân xã An Mỹ, ông Nguyễn Đức Toàn, phó chủ tịch xã An Mỹ cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng 150 hộ gia đình hành nghề chữa bệnh vô sinh, trong đó có trên 50 hộ đã có giấy phép của Sở Y tế Hà Nam cũng như được sự công nhận của hội Đông y xã An Mỹ. Số còn lại do có đời trước truyền lại nghề nên cũng hành nghề theo bản năng gia truyền. Tuy nhiên, những hộ này vẫn luôn có sự kiểm soát của ban Y tế huyện". Cũng theo lời ông Toàn, mặc dù có một số “con sâu làm rầu nồi canh” mượn danh làng An Thái để đi nơi khác chữa bệnh nhưng tại xã An Mỹ đến nay chưa có bất kỳ vụ việc rắc rối, hay phàn nàn gì của bệnh nhân về phương pháp chữa bệnh vô sinh và bệnh phụ khoa của các thầy trong làng.

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/xa-hoi/ngoi-lang-cac-ba-lang-chua-benh-vo-sinh-o-ha-nam/a118536.html