Ngoại lệ cho trần lãi suất 20%/năm có hợp lý?

Bộ Luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11 ghi rõ trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay trừ trường hợp luật khác có liên quan theo quy định khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong phiên họp Quốc hội vừa qua đa số các đại biểu đã tán thành quy định mức lãi suất cố định trong Bộ Luật dân sự tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã sửa đổi nội dung về lãi suất tại Khoản 1, Điều 468 Bộ Luật dân sự.

Theo đó, “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác”.

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc Hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, một trong số 410 đại biểu đã bỏ phiếu tán thành với nội dung trên cho biết, việc quy định một mức lãi suất cố định tối đa trong Bộ Luật dân sự với mức 20%/năm nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Ông Kiêm nhấn mạnh, "trừ trường hợp luật khác có liên quan theo quy định khác" được hiểu là các tổ chức tín dụng, là các tổ chức đặc thù được hoạt động theo luật các tổ chức tín dụng (TCTD) và Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không chịu sự điều chỉnh của điều khoản này trong Bộ Luật dân sự mà chịu sự điều chỉnh của Luật các TCTD. Tức là được tự do thỏa thuận, trừ trong những hoàn cảnh đặc biệt, cấp bách NHNN sẽ có những chỉ đạo mang tính tức thời để điều chỉnh thị trường theo quy định về Luật NHNN.

Ông Cao Sỹ Kiêm.

Cũng theo ông Kiêm, ông tán đồng với nội dung trên vì doanh nghiệp và ngân hàng có thể thỏa thuận mức dưới 20% khi ngân hàng hoạt động tốt hoặc những doanh nghiệp có được mức tín nhiệm cao. Tong khi, trường hợp vượt lên mức cao hơn khi xảy ra các yếu tố bất ngờ như lạm phát tăng mạnh, thiên tai dịch họa bất thường hoặc chiến tranh dẫn đến nhu cầu vốn tăng vì vậy có thể tăng lên trên 20%/năm.

Trước đó, dự thảo ngày 24/10, phương án 1 hoàn toàn không đưa ra trường hợp ngoại lệ "trừ trường hợp luật khác có liên quan theo quy định khác", như vậy Quốc hội đã có sự chỉnh lý điều khoản 468 phù hợp hơn với thực tiễn.

Dưới góc độ chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận, không nên khống chế việc đặt ra mức trần lãi suất 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng vì lãi suất cho vay tùy thuộc vào lãi suất đầu vào và chi phí vốn.

Bên cạnh đó, biên độ lợi nhuận thực tế cần sự bù trừ vì hoạt động tín dụng là hoạt động rủi ro. Chẳng hạn cho vay 11%, chi phí vốn 9% chênh lệch 2% bù trừ cho rủi ro và những hoạt động của ngân hàng để ngân hàng có lời nhưng ít nhất phải 3%. "Còn tín dụng rất rủi ro thì biên độ lợi nhuận cần nới rộng ra, có trường hợp biên độ lợi nhuận 10% hoặc cao hơn vì rủi ro cao nên cần để thành phần kinh tế và ngân hàng tự định lượng mức độ rủi ro để xác nhận lãi suất đầu ra dựa trên chi phí vốn. Khống chế trần 20% nghĩa là rất nhiều tín dụng rủi ro Ngân hàng sẽ không thể tung ra thị trường được", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý, để các đối tượng liên quan đến những điều Luật kể trên có thể chấp hành đúng theo Luật, các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Tòa án... cần sớm có văn bản cụ thể hướng dẫn thi hành Bộ Luật dân sự theo hướng minh bạch, tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận theo cơ chế thị trường của khối tổ chức tín dụng, góp phần ổn định, lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cũng cho rằng, điểm tích cực của nội dung trên là rõ ràng và minh bạch hơn.

Song, ông Đức cũng cho rằng, mức lãi suất 20%/năm chưa hợp lý và theo ông nên áp dụng mức 30% thậm chí 50%./.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-doanh/ngoai-le-cho-tran-lai-suat-20nam-co-hop-ly-238364.html