Nghịch lý Phó chánh thanh tra lại vi phạm luật thanh tra

Do không đề xuất xử phạt gây thất thoát nhiều tỉ đồng, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM quyết định kỷ luật thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chánh thanh tra sở.

Nguyên Phó Chánh thanh tra Nguyễn Văn Nghĩa. Ảnh:Tuổi trẻ

Trước đó, năm 2014, ông Nghĩa được phân công phụ trách bộ phận thanh tra chính sách lao động. Sở kiểm tra ngẫu nhiên 37 trong tổng số 573 hồ sơ không xử phạt từ năm 2014 đến tháng 5/2015 do ông Nghĩa phụ trách, thấy 35 hồ sơ vi phạm pháp luật lao động nhưng không xử phạt.

Sở này sau đó quy kết ông Nghĩa làm thất thoát hơn bốn tỉ đồng (là tiền lẽ ra nếu ra quyết định, thì doanh nghiệp (DN) sẽ phải nộp phạt”.

Ông Nghĩa thừa nhận nếu so với quy định pháp luật liên quan đến thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính thì ông có sai trong quy trình xử lý kết luận thanh tra, xử lý vi phạm.

“Nhưng cái sai đó không phải chỉ mình tôi, ai cũng thực hiện theo quy trình thanh tra có tính thông lệ từ năm 2007 đến nay”, ông Nghĩa trả lời báo Tuổi trẻ TP.HCM.

Ông Nghĩa cho rằng những năm trước đây tình hình kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, nhiều DN phải đình đốn sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, công nhân thiếu việc làm, đình công, lãn công nhiều.

“Lúc đó (năm 2007) tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo sở là thanh tra nhằm hướng dẫn, yêu cầu DN thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật. Việc lập biên bản vi phạm hành chính để đề nghị DN khắc phục, hết sức cân nhắc trong việc xử phạt, định kỳ có kiểm tra lại. Từ đó, những năm qua gần như 100% cán bộ thanh tra sở thực hiện theo đúng quan điểm như vậy”.

“Trong thực tế, nếu căng theo luật mà phạt toàn bộ lỗi vi phạm dễ dẫn đến đình chỉ hoạt động của DN, gây đình trệ hoạt động sản xuất, đời sống công nhân... Từ đặc thù khó khăn, nhạy cảm trong thanh tra xử lý vi phạm DN nên thanh tra sở xử lý uyển chuyển như vậy. Tôi đã xử lý hoàn toàn khách quan, không tiêu cực...”, ông Nghĩa nói.

Người nguyên là Phó Chánh Thanh tra Sở nói như vậy có đúng luật hay không? Xin dẫn ra một số quy định pháp luật, vừa để bạn đọc tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực thanh tra, vừa để chứng minh ông Nghĩa có những vi phạm:

Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở LĐTBXH: Nghị định 39/2013/NĐ-CP tại Điều 9 quy định:

+ Thanh tra Sở LĐTBXH là cơ quan thuộc Sở, giúp Giám đốc Sở thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định pháp luật.

+ Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và các công chức khác.

+ Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc Sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ LĐTBXH.

Những lĩnh vực chuyên ngành mà thanh tra Sở LĐTBXH có quyền thanh tra:

+ Việc thực hiện các quy định pháp luật lao động: Các loại báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; tiền công và trả công lao động; an toàn lao động, vệ sinh lao động; việc thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, lao động là người tàn tật, lao động chưa thành niên; việc thực hiện các quy định đối với lao động là người nước ngoài; kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;

+ Việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội (bắt buộc, tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp);

+ Việc thực hiện các quy định pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Việc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề; chính sách, chế độ dạy nghề và học nghề;

+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng;

+ Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo và trợ giúp xã hội; việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình trợ giúp xã hội thuộc lĩnh vực quản lý của ngành LĐTBXH;

+ Việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của ngành LĐTBXH;

+ Việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới;

+ Việc thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách, giải pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm; cai nghiện ma túy; quản lý sau cai nghiện; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, cơ sở quản lý sau cai nghiện.

Nguyên tắc hoạt động của thanh tra chuyên ngành Sở LĐTBXH: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 39/2013/NĐ-CP, hoạt động thanh tra chuyên ngành LĐTBXH được tiến hành theo Đoàn thanh tra hoặc do Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập.

Đồng thời, hoạt động thanh tra chuyên ngành LĐTBXB phải đảm bảo nguyên tắc tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời.

Thanh tra không ra quyết định xử phạt hành chính đối với đối tượng vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Điều 42 Luật Thanh tra quy định: “Trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra mà cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý; mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý, hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra; thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Mức kỷ luật buộc thôi việc dành cho nguyên Phó chánh thanh tra Sở LĐTBXH TP.HCM có nặng?

Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

“1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;

2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

3. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ bảy ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản ba lần liên tiếp;

5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức”.

Căn cứ quy định trên, thì ông Nghĩa bị buộc thôi việc vì vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật liên quan đến nhiệm vụ xử phạt hành chính. Tình tiết này có thể gây tranh cãi vì luật chưa quy định rõ thế nào là “vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng”.

Luật có quy định “thông lệ” không xử phạt sai phạm?

Nói vậy là sai. Luật không cho phép miễn xử phạt hành chính theo thông lệ. Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) nghiêm cấm hành vi:

+ “Không xử phạt VPHC, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

+ “Xử phạt VPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này”.

Nếu ông Nghĩa buộc phải phục tùng chỉ đạo của cấp trên thì phải chứng minh chỉ đạo không xử lý VPHC theo “thông lệ” được nêu ra tại cuộc họp nào, văn bản nào? Ai là người ra chỉ đạo?

Nếu chứng minh được thì ông Nghĩa sẽ không bị xử lý kỷ luật. Điểm đ Khoản 1 Điều 13 Nghị định 157/2007/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải chấp hành quyết định của cấp trên, khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó”.

Giám đốc Sở cũng phải chịu trách nhiệm: Dựa theo Nghị định 157/2007/ NĐ-CP về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ thì Chánh thanh tra Sở cũng phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, văn bản này quy định:

- Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;

- Người đứng đầu phải bị xử lý trách nhiệm khi:

+ Phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, người đứng đầu không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm đó và không kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả.

+ Cấp phó,người đại diện hoặc người được ủy quyền làm trái chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà pháp luật đã giao cho người đứng đầu.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có cùng hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ như nhau, thì người đứng đầu bị xử lý nặng hơn một mức so với cấp phó của người đứng đầu.

Thế Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nghich-ly-pho-chanh-thanh-tra-lai-vi-pham-luat-thanh-tra-d5782.html