Nghề tụng kinh đám tang ở miền Tây

Bốn mươi năm sống với nghề ăn theo đám tang, ông Khôi nhiều lần bị chủ nhà bỏ đói. Có khi đang tụng kinh cầu siêu, ông bị những người say xỉn quấy rối, phải trốn về lúc nửa đêm.

Ở miền Tây, tỉnh nào cũng có hơn chục người làm nghề tụng kinh đám tang, mọi người quen gọi là "thầy chùa". Tuy nhiên, trong số này chỉ vài người từng tu trong chùa, còn lại là nông dân tự học kinh cầu siêu, rồi cạo trọc đầu để làm nghề ăn theo đám tang.

Nhiều lần bị chủ nhà bỏ đói

Ông Huỳnh Văn Khôi (59 tuổi, ngụ xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) là một trong những người thâm niên trong nghề tụng kinh cầu siêu ở miền Tây. Gần 50 năm trước, cha mẹ sợ ông bị bắt đi lính nên gửi con trai vào chùa Tầm Vu. Sau đó, ông Khôi chuyển đến chùa Phước Lâm ở thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) tu và hoàn tục khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

"Nhà nghèo, tôi được cha mẹ cho 2 công ruộng làm không đủ nuôi vợ con, nên lấy vốn kinh kệ từng học trong chùa để tụng cầu siêu cho người chết. Lúc còn ở chùa, tôi thường đi tịnh độ cho các đám tang trong vùng nhưng không lấy tiền. Hiện nay, tùy theo gia cảnh của tang chủ mà lấy vài trăm nghìn đồng cho một đêm tụng kinh", ông Khôi nói.

Ông Khôi trong một lễ "phá quàn" ở Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.

Ông Khôi trong một lễ "phá quàn" ở Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.

Theo ông Khôi, 40 năm "tụng kinh kiếm cơm", chủ nhà cho ăn gì thì ông ăn đó chứ không đặt vấn đề chay hay mặn, vì không muốn phiền mọi người khi tang gia bối rối. Với lợi thế từng tu học trong chùa, ông Khôi được nhiều gia đình tín nhiệm, mời tụng kinh siêu thoát khi người thân qua đời.

Nói về buồn vui trong nghề, ông Khôi cho biết, trong lần tụng kinh ở xã Hòa Tú (Mỹ Xuyên), gần nửa đêm chủ nhà dọn cơm cho người thân ăn. Lúc đó, ông này vừa tụng kinh xong, đến ngồi gần mâm cơm với ý định chờ chủ nhà mời ăn vì quá đói.

"Khi mọi người lên ăn cơm đông đủ, tôi chờ người nào đó mời một tiếng để có miếng gì bỏ bụng nhưng không nghe ai nói gì. Nhịn đói đến sáng, tôi đến tiệm bách hóa gần đám tang mua gói mì tôm, bóc ra nhai rồi uống nước lạnh chứ không kịp nấu", người tụng kinh kể.

Nhiều lần bị chủ nhà bạc đãi, ông Khôi sợ không đủ sức tụng kinh nhiều ngày liền nên sau này, khi được mời đến đám tang, người đàn ông có dáng gầy gò đã mang theo mì gói, bếp gas mini và chiếc nồi nhỏ. Để tiết kiệm gas, có khi ông đi kiếm củi khô, kê gạch làm lò nấu mì ăn một mình.

"Nói đi cũng phải nói lại, có đám tang chủ nhà lo ăn uống cho người tụng kinh rất chu đáo, cơm ngày 3 bữa, ra về còn được thêm tiền 'boa', chứ không phải lúc nào tôi cũng bị bỏ đói. Tuy nhiên, sợ nhất là bị ép uống rượu, khiến tôi phải cuốn gói bỏ về trong đêm", ông Khôi tâm sự.

Lạc vào cõi âm

Gặp ông Khôi tại một đám tang ở thị xã Vĩnh Châu, "thầy tụng" này cho biết, người đã khuất bị tai nạn giao thông ở Mỹ Xuyên. Vì vậy, ông đã yêu cầu con trai chủ nhà cùng mình đến hiện trường xảy ra tai nạn để cúng bái.

"Những lúc như vậy, tôi như lạc vào cõi âm, nhưng không hề sợ sệt", ông Khôi khẳng định.

Ông Khôi làm các thủ tục sau lễ "phá quàn". Ảnh: Việt Tường.

Theo ông Khôi, để bám trụ lâu dài với nghề tụng kinh tại đám tang, ngoài việc thuộc nhiều kinh cầu siêu, "thầy tụng" còn phải học qua lớp "phá quàn". Lễ "phá quàn" được thực hiện trước khi an táng, người tụng kinh nhập vai thầy tu, giao nhiệm vụ cho "Nhưn quan" (người chỉ huy đạo tỳ), theo tích Điền Hoành được nhiều gia đình miền Tây áp dụng.

Theo tích này, Điền Hoành là người hiếu nghĩa, giỏi võ nghệ nhưng đã bỏ nhà đi làm thảo khấu. Một hôm, nghe lâu la báo tin mẹ mình chết, Điền Hoành quyết định về quê đánh cắp quan tài mẹ để mang lên núi.

Nửa đêm, Điền Hoành cầm đuốc mở đường, chỉ huy lâu la xông vào nhà người đã khuất. Lúc này, tướng cướp núi gặp "thầy chùa" hóa thân thành người giữ linh cữu, múa một số bài quyền như để khử trừ yêu quái, gọi là "phá quàn".

Sau lễ "phá quàn" là động quan, di quan và hạ huyệt. Lúc này, người tụng kinh kết thúc nhiệm vụ tại đám tang, nhận tiền từ gia chủ.

"Để được mời nhiều, các 'thầy tụng' thường kết thân với chủ trại hòm và ăn chia chi phí. Vì vậy, chủ trại hòm tính tiền gia chủ mỗi đêm tụng kinh là 700.000 đồng, thì chúng tôi chỉ được nhận khoảng 500.000 đồng", ông Khôi chia sẻ.

Muốn kiếm thêm thu nhập, khi kết thúc đám tang, người tụng kinh gợi ý chủ nhà để được phục vụ đám cúng tuần 49 ngày hoặc 100 ngày và xả tang giáp năm. Một cách cầu may khác là mua vé số kiến thiết theo tuổi của người đã khuất.

"Hôm phục vụ đám tang ở Vĩnh Châu, tôi mua 5 vé số kiến thiết trước khi làm lễ 'phá quàn' và đã trúng giải 100.000 đồng", người đàn ông có pháp danh Thích Trí Sơn kể.

Việt Tường

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nghe-tung-kinh-dam-tang-o-mien-tay-post540288.html