"Nghe tiếng đàn anh, ngỡ Sô Panh thức dậy"

Năm 2010 này, kỷ niệm 200 năm sinh Sô Panh và 30 năm Đặng Thái Sơn đoạt giải âm nhạc mang tên người nhạc sĩ thiên tài này. Thế giới gọi "năm 2010 là năm của Sô Panh". Tối 26-1-2010 vừa qua, tại Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn đã có một chương trình "Hòa nhạc Techcombank - Đặng Thái Sơn Concert" khai mạc năm Sô Panh và đánh dấu 30 năm hoạt động âm nhạc của Đặng Thái Sơn (1980 -2010).

Ảnh: T.H Phrêđêrich Sô Panh (Frédéric Chopin), sinh ngày 1-3-1810 tại vùng Giê-li-a-dô-va Vô-li-a, có nhiều phong cảnh đẹp và những lâu đài cổ kính. Nửa năm sau, cả gia đình chuyển về thủ đô Vacsava - nơi có nhiều hoạt động âm nhạc sôi nổi. Ông lớn lên trong một gia đình trí thức đầy không khí âm nhạc. Vì vậy Sô Panh sớm có khả năng cảm thụ âm nhạc qua tiếng đàn của mẹ, của chị. Một tối, cậu bé 6 tuổi - Sô Panh rón rén thức, ngồi vào đàn lúc mọi người đang ngủ, làm cho mẹ tỉnh giấc và nhận ra năng khiếu của đứa con trai yêu quý. Ông, bà bàn với nhau mời thầy dạy nhạc Vôi-xéc Gíp-nưi đến dạy nhạc cho Sô Panh. Thầy giáo sớm nhận ra tài năng chơi piano và cả khả năng sáng tác của Sô Panh. 19 tuổi, học xong ở nhạc viện Vac- sa-va, Sô Panh bắt đầu biểu diễn các sáng tác của mình. Ngay từ đầu, Sô Panh đã khẳng định chỉ có pianô mới thể hiện hết những nét tế nhị mà không nhạc cụ nào so sánh nổi, nên sáng tác của ông chủ yếu dành cho piano. Ông là người cách tân và sáng tạo nên nhiều thể loại mới như các bản Prê luýt, ê tuýt, van xơ, nốc tuyếc. Không chịu nổi cuộc sống nô lệ của đất nước Ba Lan đang bị quân đội Nga Hoàng thống trị, đầu năm 1831, người nhạc sỹ 21 tuổi quyết định sang Viên, thủ đô nước Áo, quê hương của thần đồng âm nhạc Moza (1756-1791) với hai người bạn. Sau buổi biểu diễn đầu, Sô Panh đã được các nghệ sĩ piano Viên đánh giá cao: "Anh chơi nếu nói là tuyệt diệu thì chưa đủ! Phải nói là trác việt!" (nghệ sĩ Séc- ni). Sau buổi hòa nhạc lần 2 rất thành công, Sô Panh rời Viên, thực hiện chuyến du lịch ngắn ở Pra ha (Tiệp Khắc) 3 ngày. Rồi đến Drexđen (Đức), tiền đã hết, Sô Panh chỉ vào nhà hát xem vở Phauxtơ của Gớt mừng ngày sinh thứ 80 của Gớt. Rời nhà hát, đến phòng trưng bày tranh, dừng lại ngắm nghía kỹ hình Đức Mẹ ôm chặt đứa con, ông cảm thấy cặp mắt có một không hai trên đời của Đức Mẹ đang hướng về mình với niềm tin người mẹ không bao giờ mất hy vọng. Và Sô Panh nhớ đất nước, nhớ nhà, nhớ nhất người mẹ yêu quý. Trở về Vácsava trong sự mừng vui khôn tả của cả nhà, lại được giáo sư dạy nhạc En-xne khuyến khích: "Con không chỉ là đứa con nuông của Vacsava nữa. Con đã là một nhân vật được thừa nhận ở nước ngoài cơ mà! Con hãy biểu diễn ở đây một thời gian rồi bước vào thế giới rộng lớn! Lần này thì phải dứt khoát đi Pháp hoặc Ý!". Mùa xuân 1831 đầy kỷ niệm với Sô Panh: "tình yêu đã bừng dậy và bừng dậy thật!" với cô Côn-xtan-xi-a, sinh viên ô pê ra năm cuối của nhạc viện Vác sa va và anh nhận ra "Vác sa va của anh, Vác sa va mà anh không bao giờ rời bỏ!". Trong niềm cảm xúc đó, Sô Panh viết bản công-xéc-tô cho đàn piano, tập trung viết phần hai-phần lác-ghet-tô, đó là hình tượng một cô gái đang thong thả bước qua mặt anh trong màn mưa của buổi sớm Vácsava, cặp mắt tươi sáng của cô nhìn một cách hờ hững và anh cảm thấy anh đang trở về với cô, tức là về với Tổ quốc. Người bạn thân và hiểu Sô Panh là Vôi-xê-khốp-xki là người đầu tiên xem bản lac-ghet-tô, đã xúc động thốt lên: "Đây là tác phẩm hay nhất trong tất cả những thứ cậu đã viết từ trước đến nay. Ở đây là tất cả tâm hồn cậu và cái đó sẽ còn lại mãi mãi. Một trăm năm sau, hậu thế hạnh phúc của chúng ta sẽ cảm thấy như vậy!" Tháng 9-1931, Sô Panh lên đường đi Paris, bỏ lại tất cả phía sau. Một chuyến đi xa không hẹn ngày về bởi người anh yêu không có lời hẹn. Ảnh: H.H Đến thủ đô Paris, Sô Panh gặp gỡ, làm quen với một số nhạc sĩ, văn sĩ tên tuổi. Qua những buổi biểu diễn trên sân khấu Paris, Sô Panh được đánh giá là một pianit xuất sắc. Sô Panh gặp lại cô gái quý tộc Ba Lan Maria Vôt dim ca đã có lúc yêu nhạc sĩ khi còn ở Vácsava. Tình yêu của họ không thành nhưng đã để lại nhiều dấu ấn trong nhiều bản nhạc của ông. Đó là những bản nốc tuyếc tuyệt tác gợi kỷ niệm êm ái và những nỗi buồn man mác… Năm 1836, Sô Panh yêu rồi chung sống với Gioóc giơ Xăng, một nhà văn nổi tiếng, hơn ông 6 tuổi, đã li dị, nuôi hai đứa con, một trai và một gái. Thời gian này, Sô Panh sáng tác nhiều bản nhạc theo thể prê luýt, ba lát, nốc tuyếc… Ở Pari, ngoài biểu diễn, sáng tác, Sô Panh còn dạy nhạc cho các bà, các cô quý tộc người Pháp và người Xcôt-len, người Anh. Năm 1841, sang Luân Đôn biểu diễn và dạy nhạc. Thời tiết xứ sương mù làm ông thêm bệnh. Sô Panh mắc bệnh lao phổi. Nhưng để có tiền, lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của hai học trò Xcôt-len đang nghỉ đông ở Paris mời thầy sang Luân Đôn. Thế là mùa đông 1845, Sô Panh sang Luân Đôn biểu diễn và dạy nhạc cho các bà, các cô với giá 20 ghi nê một buổi, không đủ cho các chi phí. Hai người phụ nữ đưa thầy trở về Paris. Mùa đông 1845, thấy Sô Panh nhớ nhà tha thiết và sức khỏe giảm sút (phải có người đỡ lên thang gác). Gioóc giơ Xăng đã viết thư tha thiết mời mẹ và chị sang. Chị Lút-vi-ca cùng chồng sang Paris thăm một tháng, Sô Panh tươi tỉnh lên, lúc nào cũng cầm tay chị, ngay cả khi họ ngồi bên nhau. Rồi Gioóc giơ Xăng chia tay Sô Panh với bao dằn vặt. Từ đó, Sô Panh chỉ còn họa sĩ Đơ-la-ca-roa đến thăm thường xuyên và chia sẻ ý kiến về âm nhạc, hội họa và cả về Gioóc giơ Xăng. Sáng tác cuối cùng là bản pô-lô-ne phóng túng (ba lát thứ năm) là tác phẩm sâu sắc và thống thiết nhất của Sô Panh. Mùa hè 1849, Paris đang lan truyền tin bệnh dịch. Học trò của Sô Panh rời bỏ Paris. Chỉ còn bà Giên quyết định ở lại với Sô Panh. Cảm thấy đã kiệt sức, Sô Panh viết thư về gia đình: "Nếu có thể thì một người nào đó trong gia đình hãy đến với con. Con bị ốm và không một thầy thuốc nào lại có tác dụng tốt với con như những người trong gia đình". Thân phụ đã qua đời, hai thầy giáo Vôi téc và En-xti cũng đã qua đời mấy năm, mẹ gia. Chị Lút-vi- ca liền đi Paris. Nhưng chị chỉ kịp đến nhìn thấy em hấp hối và chỉ kịp vuốt mắt cho người em trai tài hoa mệnh yểu. Đó là ngày 17-10-1849! Theo nguyện vọng của Sô Panh, một người 18 năm xa Tổ quốc vẫn luôn hướng về Tổ quốc, trên nấm mồ ông người ta đắp lên những bình đất Ba Lan mà khi rời Tổ quốc yêu dấu, Sô Panh và mấy người bạn luôn mang theo bên mình. Ông ước nguyện trái tim của mình được đưa về Ba Lan. Đến nay, tôi cũng chưa đọc được tài liệu nào nói về trái tim ấy làm sao giữ được nguyên lành? Nhưng sau đó nhiều năm, trái tim Sô Panh được "hồi hương", được đặt trên trong một cây cột ở chính giữa phía trái tại nhà thờ Thánh Giá Vácsava. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, trước sự tấn công của phát xít Đức, nhân dân Ba Lan đã cất dấu trái tim Sô Panh nơi khác. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, trái tim được đưa về đăt lại chỗ cũ cho đến nay. Cuộc đời dừng lại ở tuổi 39, nhưng Sô Panh đã kịp để lại cho hậu thế một di sản âm nhạc đồ sộ với 257 tác phẩm, gồm: 17 ca khúc, ba hòa tấu nhạc thính phòng và hơn 230 sáng tác xuất sắc cho đàn piano. Năm 1986, Hãng đĩa hát Vich-to danh tiếng Nhật Bản (JVC) đã ký một hợp đồng với Đặng Thái Sơn thu toàn bộ tác phẩm Sô Panh trong bảy năm. Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới đã thực hiện ghi đĩa toàn bộ tác phẩm vĩ đại của Sô Panh, một công việc gần như trong thần thoại. 30 năm nay, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn chuyên độc tấu piano các sáng tác của Sô Panh. Năm 2010 này, Đặng Thái Sơn 52 tuổi, được công nhận là một pianit xuất sắc đã làm Sô Panh- nói đúng hơn là âm nhạc của người nhạc sĩ thiên tài này sống dậy, trẻ trung trên sân khấu nhà hát ở năm châu lục. Phan Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=10750&menu=1434&style=1