Nghệ thuật chơi cây cảnh

ND - Cây cảnh được nghệ thuật hóa đã xuất hiện hàng nghìn năm về trước do nhu cầu thưởng ngoạn của vua chúa, quan lại, địa chủ... Cây cảnh có mặt trong các vườn thượng uyển, tiểu cảnh non bộ dưới dạng những cây dáng thế được uốn tỉa cầu kỳ, chăm sóc, bảo vệ rất công phu để đáp ứng nhu cầu hưởng lạc của chủ nhân.

Ở nước ta sau ngày thống nhất đất nước (30- 4- 1975), cùng với đà tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, nhu cầu hưởng lạc thú về sinh vật cảnh đã dẫn đến hội Sivaca được thành lập từ địa phương tới trung ương, cuốn hút nhiều người yêu Sivaca (cảnh trần vật thế, nước non tiên) trong đó có những nghệ nhân sáng tạo cây cảnh nghệ thuật. Thí dụ hội Sivaca Hải Dương tiền thân là hội Sivaca thị xã Hải Dương thành lập từ cuối thập kỷ 80, thế kỷ 20, đã tập hợp hàng chục nghìn hội viên, tổ chức được nhiều triển lãm, Festival cây cảnh. Trong đó nổi bật là cây cảnh nghệ thuật có nhiều hơn, có những chậu bon-sai trị giá hàng tỷ đồng (như gốc sanh 150 tuổi bạt phong long dáng của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường, TP Hải Dương, có giá khởi điểm 2 tỷ 235 triệu đồng, vườn cảnh nghệ thuật của nhà ông Điệp tiền sảnh nhà 25 tầng Nam Cường (Hotel) giá trị hàng trăm tỷ đồng...). Cùng với sản phẩm hàng hóa khác, sinh vật cảnh nói chung, nổi bật là cây cảnh nghệ thuật ngày càng đạt tỷ lệ cao trong GDP nhưng cái mà hàng hóa khác không có được như ở sivaca - món ăn tinh thần không bao giờ vơi cạn... Để có được những cây cảnh nghệ thuật, đúng như lời cổ nhân để lại là "nghề chơi cũng lắm công phu" đòi hỏi người chơi phải có cả khối óc và bàn tay thỏa mãn nhu cầu chiêm ngưỡng nghệ thuật tạo hình, tạo hình của cây cảnh nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu tồn tại bền vững của chúng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nêu lên một số nét về nghệ thuật tạo tác và chơi cây cảnh nghệ thuật mà thôi. Đầu tiên là công đoạn chọn "phôi", chọn các cây thân gỗ lưu niên đã có hàng chục tuổi trở lên, nhưng khả năng sinh trưởng và phát triển vẫn tốt, chống chịu giỏi với mọi ngoại cảnh (từ nền đất tự nhiên đưa vào bồn, chậu, gặp nắng hạn, mưa gió, giá rét, v.v.) , dễ uốn, tỉa (định hình dáng thế theo ý muốn của chủ nhân). Nếu có công sưu tầm được những cây vốn có sẵn trong tự nhiên dáng kỳ lạ, lâu năm để làm phôi thì giá trị mỹ quan sivaca và kinh tế càng cao (bởi độ tuổi được xếp thứ hạng rất cao - "Lão mộc sinh hổ tử"), những cây trong các bộ tứ linh (đa, sung, sanh, si), tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), tam đa (vạn tuế, lộc vừng, sung mang quả) là những phôi thích hợp vì thỏa mãn "nhân văn", hợp thuần phong, mỹ tục. Vườn cây cảnh nghệ thuật của gia đình nghệ nhân Đàm Điền. Lưu ý: Vì độ tuổi, dáng thế được đánh giá cao trong loại hình cây cảnh nghệ thuật nên người ta không chọn cây ngắn ngày để tạo tác cây cảnh nghệ thuật. Tiếp theo là khâu ươm trồng, chăm sóc , bảo vệ cần chủ động tạo môi trường sống (điều kiện ngoại cảnh), nhất là điều kiện sống như nhiệt, ẩm độ, độ phì nhiêu của đất, sâu bệnh... phải được hoàn tất với từng đối tượng bởi mỗi giống, loài cây đòi hỏi điều kiện sống đặc trưng, thích hợp với giải mã các gien trội trong cơ cấu di truyền (Thí dụ nếu lộc vừng thiếu nước sẽ rất khó trổ hoa, còn vạn tuế, ngọc lan bị sũng nước dài ngày từ 3 - 5 ngày trở lên sẽ "thâm rễ thối mầm"). Sau cùng là vận dụng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn vào tạo tác phôi trở thành cây cảnh nghệ thuật. Đây là công đoạn khó khăn nhất bởi đòi hỏi chủ nhân phải "biết làm và biết chơi"- có tâm hồn trong sáng, phóng khoáng (bay bổng) nhưng không được thoát ly thực tiễn sống động, phi nhân cách, vi phạm mỹ tục thuần phong. Cùng với hiểu biết hình học không gian (tạo phần nổi phải nắm vững phối kết hợp không gian ba chiều) và đôi bàn tay khéo, tính kiên trì, chờ đợi (rất đúng với lời dạy của cổ nhân: dục tốc bất đạt). Cần lồng ý tưởng của con người vào quá trình tạo tác ra cây cảnh nghệ thuật ngay từ khi cây bén rễ chồi xanh phát cành, lộc mới. Chớ để già mới uốn tỉa như câu "bé không vin cả gãy cành" (do hóa gỗ tỷ lệ cuticun, lignhin (sừng) tăng cao sẽ cứng và giòn) khó có thể vào "khuôn". Làm được như vậy là ta đã "thổi hồn" vào cây, biến chúng từ loài cây bình thường, tự nhiên thành cây cảnh nghệ thuật. Bài và ảnh: PHẠM NGỌC CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=183555&sub=80&top=43