Nghệ sỹ Saxophone Quyền Thiện Đắc: Cuộc sống là một bản nhạc

<strong>(Người nổi tiếng) - Và tất nhiên, đó phải là một bản nhạc Jazz. Bởi với người đàn ông ấy, Jazz là cuộc sống hàng ngày, là sự quyến rũ không sao cưỡng nổi, là những trăn trở chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Quyền Thiện Đắc nối dài cái gọi là sứ mệnh Jazz Việt từ cha mình – tay Saxophone lão luyện Quyền Văn Minh.</strong>

Du học từ 5 chiếc kèn của cha

Sinh 1979 tại Hà Nội, Quyền Thiện Đắc là con trai duy nhất của nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh. Nếu NSƯT Quyền Văn Minh đến với Jazz bằng con đường tự học thì Quyền Thiện Đắc lại được chính cha mình chỉ dạy từ khi còn là tấm bé và sau này được học tập tại những trường đào tạo âm nhạc hàng đầu thế giới. Anh cũng chính là nghệ sĩ saxophone đầu tiên của Việt Nam sở hữu bằng cấp quốc tế.

NSƯT Quyền Văn Minh cả đời gắn bó với cây kèn Saxophone. Ông lại chỉ có một con trai độc nhất nên quyết để con theo nghiệp mình. Năm 12 tuổi. Quyền Thiện Đắc được theo học Clarinette tại Nhạc viện Hà Nội rồi sau đó mới chuyển qua Saxo.

Ngoài những tiết học trên lớp, anh còn được chính cha mình chỉ bảo rất tận tình. Cũng giống nhiều học trò khác của Quyền Văn Minh như Trần Mạnh Tuấn, Hồng Kiên,… Quyền Thiện Đắc được theo cha tham gia các buổi trình diễn từ nhỏ đến lớn.

Tuy là con nhà nòi nhưng Quyền Thiện Đắc không yêu nhạc ngay từ đầu. Cậu bé Đắc khi ấy ham chơi, chỉ thích trốn nhà đi quậy phá. Bằng sự uốn nắn của cha mình, năm 16 tuổi, Đắc được ngồi trong giàn nhạc Quốc gia đi khắp Việt Nam biểu diễn giao lưu cùng một đoàn nghệ thuật Nhật.

Sinh 1979 tại Hà Nội, Quyền Thiện Đắc là con trai duy nhất của nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh.

Quyền Thiện Đắc nhớ như in, một đêm diễn ở Nha Trang, trong bản nhạc anh có chơi một đoạn solo rất nhỏ và được ông nhạc trưởng người Nhật vẫy tay cổ vũ. Đắc nhớ như in cái niềm vui được người khác nhận ra mình trong âm nhạc khi đó và nhủ lòng phải chịu khó nghe nhiều và học hỏi thêm

Về tên gọi khá “hoành tráng” của mình, Quyền Thiện Đắc kể đó là do ông nội anh đặt: “Hồi đó ông cụ có đi xem tướng số và nói rằng phải đặt tôi cái tên như vậy sau này mới không thành thằng … ăn cướp”. Thiện Đắc nghĩa là làm nhiều việc thiện để đắc đạo.

Tuy vậy, Quyền Thiện Đắc vẫn phải thừa nhận: “Thời sinh viên mình không được ngoan cho lắm. Bỏ học nhiều, không yêu nhạc, chỉ thích chơi nhạc cho vui thôi. Hồi đó thổi một bài còn sai cả giai điệu chứ chưa nói gì đến chuyện phiêu hay không phiêu”.

Đắc thỉnh thoảng vẫn thổi chơi trong quán nhạc Jazz của bố mình. Anh kể: “Một tối nọ, có một tay người Pháp chỉ mình: “Thôi mày đừng thổi nữa, mày cứ ngồi đấy tao vẫn trả tiền mày, chờ bố mày về thổi”. Sau câu nói ấy anh buồn và nghĩ ngợi khá nhiều.

Anh băn khoăn tự hỏi nghệ sĩ cũng là con người, người xứ này cũng giống như người xứ khác, vậy tại sao người ta làm được mà mình không thể làm được. Sau đó anh lao vào tập rất chăm và chịu khó nghe nhiều để học hỏi, mở rộng kiến thức của mình.

Năm 1999, một người bạn của Đắc là ủy viên văn hóa người Nhật mời mời anh qua Nhật chơi. Sau một thời gian tiếp xúc, chính người bạn đó giới thiệu cho Đắc về xuất học bổn ở trường âm nhạc danh giá Berklee College of Boston.

Nếu NSƯT Quyền Văn Minh đến với Jazz bằng con đường tự học thì Quyền Thiện Đắc lại được chính cha mình chỉ dạy từ khi còn là tấm bé và sau này được học tập tại những trường đào tạo âm nhạc hàng đầu thế giới. Anh cũng chính là nghệ sĩ saxophone đầu tiên của Việt Nam sở hữu bằng cấp quốc tế.

Khi đó, anh suy nghĩ lắm vì thực sự cũng muốn đi học bài bản để mở mang kiến thức ở một trong những quốc gia vốn là khởi nguồn của Jazz. Nhưng điều anh làm anh trăn trở hơn cả là tiền học quá đắt so với khả năng của gia đình.

Ngoài việc ăn ở, riêng tiền học mỗi học kì cũng lên tới gần 5000 USD. Cha anh, NSƯT Quyền Văn Minh đã phải bán 5 trong số 7 cây kèn tốt nhất của mình để đủ tiền cho con trai theo học đủ ba năm. Sauk khi tốt nghiệp ở Mỹ, Quyền Thiện Đắc tiếp tục theo học Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển).

Sau này, khi đã có ít nhiều thành công, Quyền Thiện Đắc vẫn không thể nào quên kỉ niệm về 5 chiếc kèn của bố. Đắc tâm sự:

“Tôi không biết đến bao giờ mới mua đền lại được cho bố tôi 5 cây kèn mà ông đã bán. Có lẽ tôi chỉ còn biết chơi nhạc thật hay, thật giỏi để bù đắp lại những gì ông đã hy sinh cho tôi. Điều mà ông luôn nói với tôi là “Con hãy chơi hết mình!”. Tôi cũng học được ở ông rất nhiều, đặc biệt là sự nhẫn nại trong âm nhạc và cuộc sống”.

Quyền Thiện Đắc vẫn nhớ những ngày đi học đầy khó khăn: “Theo thống kê thì mỗi năm có tới 17-18 nghìn sinh viên của gần 100 quốc gia đến học tại Berklee và tỷ lệ bỏ cuộc là 80%. Không hẳn vì khó mà còn bởi nhiều lý do khác, chẳng hạn sức cám dỗ của những hợp đồng biểu diễn bên ngoài”.

Nhưng Đắc nhớ đến 5 chiếc kèn và sự kì vọng của cha mình. Anh cố gắng bám trụ để làm hài lòng ông, cũng là để tốt cho chính mình sau này.

Cha, con, Jazz và chặng đường dài

Nếu không có tình yêu lớn cho Jazz thì khó lòng mà theo đuổi nó. Nhất là ở một quốc gia mà số người hiểu khái niệm về Jazz đã ít, số người nghe Jazz lại càng ít hơn.

Trở về sau một thời gian theo học nhạc Jazz ở chính quê của thể loại này, với một nền tảng kỹ thuật nhuần nhuyễn Quyền Thiện Đắc đã mạnh dạn sáng tạo, vẫy vùng với thứ âm nhạc mà anh yêu thích. Anh muốn thổi vào Jazz một tâm hồn Việt, một thứ đặc sản mà chỉ cần nghe một thanh âm cất lên, người ta đã biết đó là Jazz Việt Nam.

Quyền Thiện Đắc muốn bằng nỗ lực của bản thân và các cộng sự của mình, biến Jazz thành niềm tự hào của nhạc Việt và dĩ nhiên, sánh cùng với âm nhạc của các nước khác trên thế giới. Quả là một chặng đường xa ẩn chứa nhiều nhọc nhằn nhưng với Đắc, đó là sứ mệnh, là trách nhiệm anh phải làm cho mình, cho nhạc Việt.

Những năm học ở nước ngoài, Quyền Thiện Đắc ngoài việc học trình diễn còn được hướng dẫn kĩ thuật sáng tác. Nếu như người Mỹ dạy cho anh cách chơi nhạc nồng nhiệt phóng khoáng thì người Châu Âu dạy anh cách thổi vào đó sự mềm mại, uyển chuyển, phiêu linh.

Cuối cùng, anh quyết định trở về Việt Nam bởi: “Mình chơi nhạc Jazz của Mỹ thì không bao giờ hay bằng người Mỹ nên tôi quyết định về Việt Nam làm. Tôi muốn đẩy mạnh phong trào nhạc Jazz ở Việt Nam hơn.

Dù nhu cầu của người dân đã nâng cao nhưng chưa khả quan và việc đào tạo thế hệ sau có những người có thể chơi Jazz hay hơn thế hệ trước thì chúng tôi vẫn đang tìm các cá nhân có thể tạo điều kiện chơi nhạc và tập luyện với nhau”.

Bên cạnh việc biểu diễn, Quyền Thiện Đắc đảm nhiệm vai trò giảng viên khoa Accordeon - Guitar - Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Mặc dù có nhiều lời mời, cơ hội sống và làm việc ở châu Âu, châu Mỹ, nhưng chưa khi nào Đắc rơi vào cảnh “đấu tranh, giằng xé” tâm lý, vì đã xác định: sẽ quyết tâm theo đuổi nhạc Jazz ở Việt Nam và tiếp tục giảng dạy theo ý nguyện của cha mình.

Hăm hở là vậy nhưng đôi khi Quyền Thiện Đắc vẫn cảm thấy nặng nề vì công việc phát triển nhạc Jazz và tạo ra được thế hệ tiếp cận của nhạc Jazz là gánh nặng rất mệt mỏi mà điều này cần thời gian và làm việc một cách nghiêm túc. Hầu như tối nào Đắc cũng chơi nhạc ở các Jazz club.

“Không phải vì thêm thu nhập mà với nhạc Jazz, khi tôi không tập, không chơi trong 2-3 ngày thì những kỹ thuật, động tác của tôi giảm sút rất nhiều…”- anh chia sẻ.

Với Quyền Thiện Đắc, Quyền Văn Minh vừa là cha, vừa là thầy, cũng lại là đồng nghiệp. “Tôi và cha cùng giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia nhưng trái ngược với ông cụ, tôi không có đủ kiên trì và nhẫn nại để giảng dạy các em học sinh từ abc.

Tôi có giao kèo với ông cụ là: bố dạy từ abc còn khi nào kha khá thì con dạy tiếp. Tôi học biểu diễn chứ không học sư phạm nên có lẽ đấy là điểm yếu khi đứng trên giảng đường để dìu dắt các em.” – anh chia sẻ.

Hai cha con anh vẫn đứng cùng nhau trong rất nhiều show diễn hoành tráng, Quyền Thiện Đắc tâm sự: “Cha tôi cầm kèn 40 năm và đi lên từ bản nhạc tiền chiến còn tôi lại học ở nước ngoài, nhưng tôi sẽ cũng thổi cùng ông những bản nhạc đó.

Điều đó có nghĩa là tôi dùng thứ vũ khí lợi hại của ông bao nhiêu năm nay. Ông thổi Trịnh hay Phú Quang thì tôi không nghĩ có thể nhưng tôi thì có để đối tác để so sánh với ông. Qua đó tôi cũng muốn nghiên cứu đi thêm vào âm nhạc Việt Nam của mình để có thể hòa âm theo một phong cách mới.”

Quyền Thiện Đắc thừa nhận mình được học hành bài bản hơn cha nhưng mỗi người đều có một thế mạnh riêng. Có điều, cái thế mạnh của người đi sau được bồi đắp bởi người đi trước nên dày dặn hơn rất nhiều.

Vì thế, hẳn là cha anh đã hoàn toàn có thể yên tâm về con mình, về một sự tiếp nối trên con đường âm nhạc ông đang đi sẽ tiếp tục được nối dài và thăng hoa ở chặng đường phía trước.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/nguoi-noi-tieng/201210/Nghe-sy-Saxophone-Quyen-Thien-dac-Cuoc-song-la-mot-ban-nhac-2189250/