Nghệ sỹ Quý Dương: Tình ca dài theo đất nước

(PL&XH) - Nghệ sỹ nhân dân Quý Dương từ trần lúc 13g45 ngày 28-6 sau nhiều năm chống chọi với bệnh thận, hưởng thọ 75 tuổi. Trong tâm trí nhiều thế hệ, ông được coi như nghệ sĩ tài năng của âm nhạc Việt…

Tiếng hát át tiếng bom NSND Quý Dương tên thật là Phạm Quý Dương, sinh năm Đinh Sửu 1937, quê gốc của ông tại Thượng Cát - Gia Lâm - Hà Nội, nhưng ông lại được sinh ra ở Hải Dương. Đương thời, Quý Dương cùng Trần Hiếu, Trung Kiên nhanh chóng tạo thành ba giọng ca vàng sau tam ca "Quốc Hương - Trần Khánh - Trần Thụ". Bằng chất giọng nam trung đầy truyền cảm theo dòng Belcanto, Quý Dương đã là giọng ca cho những vai diễn chính trong các nhạc kịch, với diễn xuất rất cuốn hút ở thời "vàng son" của sân khấu Opera Việt Nam những năm 1960-1970 của thế kỉ trước như: "Épghênhi Ônhêghin" của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Traicôpxki do các đạo diễn Liên Xô dàn dựng; "Núi rừng hãy lên tiếng" của Triều Tiên, tiếp đó là những vở "Ruồi Trâu", " La vie Parisiene" (Đời sống người Pari )… Nghệ sĩ Quý Dương được gắn nhiều với hai tiếng "đầu tiên" đáng tự hào: Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát Opera đầu tiên của Việt Nam, người đầu tiên hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam,… NSND Quý Dương và vợ. Ngày đó, lớp nghệ sĩ đầu tiên trong các vở diễn trên như Quý Dương, Trần Chất, Trần Hiếu, Ngọc Dậu… đều là những người chưa được học tập, đào tạo về Opera một cách bài bản mà chỉ được truyền thụ trực tiếp qua các chuyên gia Liên Xô, Triều Tiên... Vậy mà, các chuyên gia nghệ thuật nước ngoài đã phải thốt lên khâm phục sự thông minh, tài hoa của các nghệ sĩ Việt Nam khi Quý Dương và các đồng nghiệp của ông thể hiện thành công những vở Opera kinh điển của thế giới trên sân khấu Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quý Dương như một người lính xung trận, cất lên bao giai điệu hào hùng thúc giục người lính qua: Hành khúc "Mỗi bước ta đi", "Đàn chim Việt", "Bắc Sơn", "Tình ca", "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng", "Cùng anh tiến quân trên đường dài",… Trong những ngày giặc Mỹ ném bom Hà Nội, NSND Quý Dương là người thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam, thậm chí ngay tại trận địa pháo hát phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Mỗi khi tiếng bom vừa ngớt, tiếng hát lại vang lên như minh chứng sinh động nhất về sức sống của người Hà Nội. Người hát Opera đầu tiên Từ năm 1979 đến 1983, nghệ sĩ Quý Dương được Nhà nước cử đi học Thanh nhạc ở Bungari. Đây là thời gian giúp ông trang bị phương pháp Belcanto, tức phương pháp thanh nhạc cổ điển của thế giới một cách bài bản và hệ thống, ông đã tạo ra một phong cách kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam bằng trí tuệ và trái tim của một nghệ sĩ mà cuộc sống luôn gắn bó với nhân dân và dân tộc. Trở về quê hương, nghệ sĩ Quý Dương đảm trách Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Ở cương vị này, ông cùng với nghệ sĩ piano Hoàng My và những người bạn âm nhạc đề xướng tổ chức "Đêm nhạc Văn Cao" - giới thiệu những ca khúc cách mạng và trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao tới đông đảo công chúng. Chỉ trong hai năm 1986-1987, hơn 60 đêm nhạc Văn Cao được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thành công vang dội này đã góp phần khẳng định lại giá trị âm nhạc của Văn Cao qua những tác phẩm sống mãi với thời gian như: Tiến Quân ca, Trường ca sông Lô, Ngày mùa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi… Những nghệ sĩ thế hệ nối tiếp, được công chúng biết đến và ngưỡng mộ như: Trung Đức, Thùy Mỵ, Bích Việt... đều là học trò của Quý Dương. Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân mà Nhà nước phong, tặng cho ông vào đầu những năm 1993, khẳng định những cống hiến nghệ thuật đáng trân trọng của ông. Là người hát và biểu diễn Opera đầu tiên của Việt Nam, ước muốn phục hồi Nhà hát Opera, đào tạo lớp nghệ sĩ Opera trẻ tuổi, sáng tác những vở Opera phù hợp với đời sống và cảm xúc của con người Việt Nam cho hiện tại và tương lai luôn là nỗi đau đáu của NSND Quý Dương và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ với ông. Mối tình đầu Dù gặt hái được nhiều thành công trong nghề nghiệp nhưng khi nói về cuộc sống gia đình, và nhất là người vợ đầu tiên của mình, nghệ sỹ Quý Dương luôn có đôi chút ngập ngừng: "Bà ấy là học sinh Trưng Vương, còn tôi học Chu Văn An và chỉ huy dàn hợp xướng. Chúng tôi yêu nhau từ thời ấy, lấy nhau rất sớm, năm bà ấy mới 17 tuổi, rồi sinh hai con. Đến năm Chí Trung lên 8 tuổi thì bà ấy không còn yêu tôi nữa. Bà ấy đi học violon trên trường nhạc, rồi về dàn nhạc thanh thiếu niên Nhà hát Tuổi Trẻ. Và bà ấy yêu người khác. Còn tôi đi dạy đoàn văn công CA vũ trang, gặp được bà hai này, yêu rồi cưới năm 1971, sinh được hai người con". Nghệ sỹ Quý Dương cũng cho biết: "Bà vợ cũ của tôi có những lập luận rất lạ, ghen bóng ghen gió. Bà ấy không muốn tôi nổi tiếng, muốn giữ tôi cho riêng bà ấy, không muốn những người phụ nữ khác cũng yêu mến chồng mình. Ngày đó tôi phấn đấu nghiêm túc lắm, biết rất nhiều người yêu mình nhưng không tơ hào đến ai. Giờ nhiều bà ngoài 60, 65 tuổi rồi, làm bà nội bà ngoại cả rồi, nói hồi đó thầm yêu, hâm mộ lắm, tôi mới biết. Nhưng bà vợ tôi hiếu thắng, bà ấy luôn sợ tôi có người khác. Rồi bà ấy cũng có người khác. Thế là chúng tôi chia tay...". Việc hai vợ chồng nghệ sỹ Quý Dương chia tay ở vào thập kỷ 60 là điều “cực chẳng đã” vì sẽ kéo theo một "rừng" điều tiếng. Chính điều này đã khiến cho ông phải nghĩ rất nhiều, nhưng bà vợ ông kiên quyết lắm. Theo nghệ sỹ Quý Dương thì: "Bà ấy nghĩ là tôi cặp bồ với một diễn viên múa của Nhà hát Giao hưởng vũ kịch. Ngày chúng tôi ra tòa, một lãnh đạo nhà hát đến bảo lãnh: "Quý Dương là một chiến sĩ thi đua của chúng tôi, không có chuyện bồ bịch đâu". Bà chánh án cũng nói với vợ tôi rằng, nếu chị nhất quyết chia tay thì mai sau chị sẽ ân hận. Nhưng bà ấy hiếu thắng nên nhất quyết. Giờ thì bà ấy trách tôi sao ngày đó tôi đi lấy vợ sớm quá, nếu không đã có thể hàn gắn được". Sau khi chia tay, bà đi bước nữa, rồi về ở với vợ chồng nghệ sỹ Chí Trung một thời gian. Người bạn lớn Cuộc sống gia đình là vậy, nhưng với các đồng nghiệp NSND Quý Dương luôn nhận được những lời tri ân chân thành nhất, bởi một điều rất đơn giản, ông là một người tài năng, nhưng lại hết sức giản dị và chu đáo với bạn bè, đồng nghiệp. "Anh Quý Dương hơn tôi 1 tuổi và thực sự là người có cống hiến rất lớn cho nền ca hát Việt Nam. Ngày còn trẻ, chàng trai Hà Nội gốc Quý Dương khá tài giỏi, đẹp trai đào hoa, có nhiều cô gái theo đuổi nhưng anh sống rất đàng hoàng, đúng mực", NSND Trung Kiên kể. Ông cho biết thêm, ngay từ năm thứ 2 tại Trường Âm nhạc Việt Nam, NSND Quý Dương đã được chọn đóng vai chính trong "Épghênhi Ônhêghin"… Năm 1959, sau khi tốt nghiệp, NSND Quý Dương được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc của trường. Tôi, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu hát với nhau rất ăn ý. Nhiều năm về trước, có tam ca 3A, nên chúng tôi gọi vui nhóm của mình là tam ca 3C, tức là… nhóm nhạc 3 cụ hát với nhau. Nhóm tam ca 3C của chúng tôi được khán giả yêu mến nhiều lắm. Sau này, anh Quý Dương ốm, không đi hát nhiều nữa, thì NSND Quang Thọ thế vào chỗ đó. Với tôi, NSND Quý Dương là người bạn tâm giao gắn bó từ kháng chiến chống Mỹ tới giờ". Theo lời kể của NSND Trung Kiên, thời bao cấp, NSND Quý Dương thường hay dành thời gian dạy nhạc cho công nhân và người lao động nghèo tại nhà riêng. Ông giản dị đến mức vừa ngồi nhặt rau muống, vừa dạy nhạc một cách thoải mái vui vẻ. Thậm chí, sau khi trở thành Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, dù không đi hát nhiều nữa, nhưng NSND Quý Dương vẫn miệt mài dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho rất nhiều thế hệ học trò. "NSND Quý Dương còn sở hữu một tiếng hát "địch vận" (tiếng hát vận động binh lính địch rời bỏ hàng ngũ) quý hiếm từng nổi danh một thời. Tiếng hát của ông đẹp, tình cảm, quyến rũ khiến cho không ít binh lính địch phải xao lòng", NSND Trung Kiên nói. Còn với NSND Quang Thọ, ông may mắn gặp được NSND Quý Dương vào cuối năm 1964. Chính sự gặp gỡ tình cờ này là bước chuyển lớn nhất trong cuộc đời ca hát của ông. "Tôi gặp NSND Quý Dương vào thời điểm vẫn còn là một anh công nhân mỏ - một ca sỹ nghiệp dư ở Quảng Ninh. Lần đó, NSND Quý Dương cùng đoàn nghệ thuật Trung ương về Quảng Ninh biểu diễn. Sau khi nghe tôi hát, NSND Quý Dương tỏ ra thích thú và khuyên nên đi học chuyên nghiệp tại trường nhạc. Nhưng, vào thời điểm đó, tôi chưa đủ điều kiện để đi học, nên vẫn tiếp tục là một anh công nhân mỏ, một ca sỹ nghiệp dư suốt 8 năm ở Quảng Ninh. Rồi sau đó, tôi vào chiến trường, dĩ nhiên, vẫn luôn nghe giọng hát của NSND Quý Dương. Tôi luôn đau đáu một điều rằng, nếu có cơ hội học thanh nhạc, sẽ cố gắng hát được như NSND Quý Dương". Năm 1972, sau khi đi chiến trường về, NSND Quang Thọ bắt đầu học nhạc chuyên nghiệp tại Học Viện Âm nhạc. Đây là khoảng thời gian ông được gần gũi, nhận sự giúp đỡ từ phía NSND Quý Dương - mặc dù không trực tiếp học NSND Quý Dương. Và, khi NSND Quang Thọ có chỗ đứng trong làng nhạc, khá nhiều lần ông được NSND Quý Dương mời cộng tác. "Dù tôi sinh sau hàng chục năm, nhưng NSND Quý Dương vẫn cho tôi quyền được là đồng nghiệp ngang hàng. Tôi thực sự biết ơn NSND Quý Dương đã dạy bảo, truyền đạt những kinh nghiệm để đời. Trong những ngày tháng ốm đau, tôi biết, anh vẫn đi dạy. Đó thực sự là 1 điều đáng quý. Với tôi, NSND Quý Dương không chỉ là người phát hiện ra giọng hát, mà còn là đồng nghiệp, người bạn, người thầy đáng kính". Sự ra đi của NSND Quý Dương sẽ mang lại không ít niềm tiếc thương cho những ai yêu mến tiếng hát của ông. Âu đó cũng là lẽ nhân sinh tạo hóa, có sinh có tử, nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa thì tiếng hát của Quý Dương vẫn còn bay mãi, vang mãi trong lòng những người yêu nhạc Việt Nam. Thái Yên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110701090558837p1004c1031/nghe-sy-quy-duong-tinh-ca-dai-theo-dat-nuoc.htm