Nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan: Đã trót ăn phải bùa mê

Nghệ sĩ Thanh Ngoan chia sẻ ngay từ khi còn nhỏ, chị đã gắn với chèo nhưng một cái duyên thiên định. Và rồi, như ăn phải “bùa mê”, trải qua bao biến cố, thăng trầm thì đến nay chị vẫn một mực kiên chì theo đuổi loại hình nghệ thuật này.

Hẹn gặp nghệ sĩ Thanh Ngoan thời gian này thật khó. Luôn bận rộn với công việc: vừa đi dạy, vừa biểu diễn lại kiêm luôn chức danh PGĐ nhà hát Chèo Việt Nam…cảm tưởng như chị không còn thời gian cho riêng mình. Ấy vậy mà, luôn thấy chị cười, cái cười sảng khoái khiến người đối diện càng thêm cảm phục chị. Từ ngày công đầu tiên được tính điểm... Dường Như Thanh Ngoan sinh ra là để dành cho nghệ thuật. Ngay từ khi còn rất nhỏ, chị đã bén duyên với những loại hình nghệ thuật dân gian trên chính quê hương mình. Chị sinh ra ở miền quê Thái Thụy- Thái Bình, nơi được coi là cái nôi về văn hóa, văn nghệ, không chỉ chèo, mà các loại hình văn hóa dân gian như cải lương, xẩm…cũng là hoạt động thường xuyên của các nghệ sĩ làng. Chính những con người ấy đã châm ngòi cho dòng máu nghệ thuật trong chị. Và rồi, Thanh Ngoan tập hát chèo từ khi mới 9 tuổi. Hát chèo không phải dễ, mặc dù chị được thừa nhận là có năng khiếu nhưng việc luyện tập khá nhọc nhằn. Chị học chèo theo đài tiếng nói. Khi nghe xong mỗi làn điệu chèo chị lại tự luyện tập. Mặc dù ngay trong gia đình các cụ thân sinh cũng biết về chèo nhưng chị phải tự luyện là chủ yếu. Nghe xong những làn điệu hay, chị hay chép lại, học thuộc lòng rồi bắt đầu luyện. Cách luyện giọng duy nhất là “hét” vào bể nước, chum hoặc vại…để nghe tiếng mình vọng lên thành rồi chỉnh theo lời bài hát, chỗ nào cảm thấy chưa đúng thì luyện lại. Có làn điệu phải luyện cả ngày trời cũng không được như mình mong muốn. Cổ họng đau và rát, có khi nói không thành tiếng nhưng rồi mãi cũng quen. Thế rồi, khi chị đã tập luyện được kha khá thì được cậu ruột cho đi diễn cùng. Còn bé nhưng Thanh Ngoan lại là một trong những nghệ sĩ nhí tích cực nhất. Chị hay tham gia vào các phong trào đoàn xã và đi diễn ở các làng chung quanh. Cứ buổi sáng học xong, ra đến cổng trường là có cậu đón đi diễn hoặc đọc tin làm phát thanh viên cho xã. Điều thú vị nhất là, những ngày công làm phát thanh viên hoặc biểu diễn trên các hội nghị làng xã ấy, Thanh Ngoan được trả bằng bảng công điểm. Như vậy là vừa đi diễn vừa được tính công điểm như người lớn. Giờ nghĩ lại chị vẫn thấy tự hào về điều đó. ... Và những khán giả làng Mặc dù đã hơn 30 năm gắn bó với nghề nhưng để nhớ lại thì chị vẫn cứ ấn tượng nhất với những khán giả chính là những khán giả làng. Còn nhớ quê của chị vốn là vùng quê phát triển về các hoạt động văn hóa, nên đám cưới nào cũng có đội văn nghệ đến diễn. Và chị là một trong những show thu hút được nhiều khán giả nhất. Những câu hát đầu tiên của một con bé chưa đầy mười tuổi là “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Khán giả mắt tròn, mắt dẹp nhìn cô ca sĩ nhí với giọng ca lanh lảnh. Những tràng pháo tay cổ vũ, những bông hoa ngắt vội trong vườn là phần thưởng vô giá mà Thanh Ngoan vẫn còn nhớ sau những lần diễn ở “sân nhà” như thế. Tiếng lành đồn xa, chị hay được mời đi diễn ở các Hội nghị, chương trình Đại hội Đảng…được nhiều người trong làng xã biết đến. Suốt 5 năm, chị đã rong ruổi cùng cậu đi tổ chức đám cưới và phục vụ những sân chèo từ làng này sang làng khác. Thành công bước đầu của nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan là khi đi diễn ở tỉnh, chị được UBND tỉnh Thái Bình tặng thưởng cho thanh thiếu niên xuất sắc vào năm 1979. Vừa tròn 13 tuổi, cái duyên Chèo thực sự đến khi Nhà hát Chèo Việt Nam tuyển diễn viên. Chị đã trốn nhà đi thi một mình khăn gói lên đường và không ngờ mình đã đỗ. Từ đó, ước mơ đến với chèo, được học tập bài bản của chị trở thành hiện thực. Truân chuyên cũng bởi vì chèo Hơn 30 năm, nghệ sĩ Thanh Ngoan đã gắn bó với những thịnh suy của chèo. Đến ngày hôm nay, chị khẳng định mình đi đúng con đường đã chọn và không hề hối hận. Khi nói về mình, Thanh Ngoan luôn cho rằng mình có duyên và khá may mắn với chèo. Không phải mất nhiều thời gian để khán giả biết đến cái tên Thanh Ngoan. Ngay từ khi vào trường đến năm 1981, chị đã đi và diễn khá nhiều. Mỗi lần được đứng trên sân khấu là chị quên mất mình là ai để hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật. Say mê lắm, như thể lên đồng vì được diễn, được sống với niềm đam mê của mình. Chính điều đó đã tạo nên thành công cho chị. Điều làm chị lo lắng là khi thời đại công nghệ thông tin càng phát triển thì chiếu chèo càng bị đe dọa. Bởi chỉ cần một cái kích chuột là người xem tiếp cận được với nhiều loại hình giải trí. Có mấy ai mặn mà với những làn điệu í, a của chèo nữa. Làm sao cho nhà hát chèo, sân khấu chèo luôn đỏ đèn là mong muốn của chị. Chính vì thế, đã nhiều lần chị lần tìm sân diễn cho chèo, rồi khi chung tay cùng với đồng nghiệp gây dựng Trung Tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được xem là nơi sinh hoạt, biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian chị mới tạm bằng lòng. Chị tâm sự, nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng, bởi còn nhiều lắm những nghệ sĩ tâm huyết với nghề nhưng đất diễn dành cho chèo không có. Rồi mối lo cơm áo gạo tiền cũng cuốn người ta đi. Có lúc chị và đồng nghiệp đã phải “chường mặt” đi diễn ở chợ Đồng Xuân. “Là một nghệ sĩ ít nhiều cũng đã có một chút danh, vậy mà đi diễn ở chợ thì thật khó coi”. Nhưng ít ai biết rằng, họ tự bỏ tiền túi ra để diễn, với niềm mong mỏi là đưa được thông điệp của chèo đến với khán giả. Chị vẫn tin rằng, chèo không thể mất đi, chỉ có điều chèo kén khán giả. Rồi đến một lúc nào đó, người ta vẫn cần những tiếng í a đó để tìm về với phần sâu thẳm nhất của tâm hồn. Chính vì thế, bằng nhiều cách, chị cùng với các cộng sự của mình đưa chèo đến với khán giả, không có sân khấu lớn thì có chiếu chèo nhỏ. Chị hay đưa đoàn lưu diễn đến các địa phương để thúc đẩy tình yêu nghệ thuật dân gian trên chính những làng quê sản sinh ra nó. Đó là cách chị có thể làm để người dân hiểu về nghệ thuật dân tộc và đó cũng là cách duy nhất đưa chèo, xẩm …đến được với công chúng. Giờ đây, khi được tín nhiệm bầu làm PGĐ nhà hát chèo Việt Nam, chị lại có tham vọng đưa chèo đến các nước trên thế giới. Chị đã cất công liên hệ và đi lưu diễn ở nước ngoài không chỉ phục vụ kiều bào, mà còn để khán giả biết đến loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam. Cùng với đó thời gian học và diễn ở nước ngoài, chị tiếp thu được nhiều kiến thức phục vụ cho việc giảng dạy ở quê nhà. Đến nay, cũng đã nửa cuộc đời nghệ sĩ Thanh Ngoan gắn bó với chèo. Theo chị thì, “đất” dành cho chèo không phải ít, ngoài những sân khấu lớn thì những miền quê Đồng bằng Bắc Bộ, mỗi ngôi làng đều có một sân đình, nơi ấy chính là những sân khấu chèo nhỏ. Như vậy thử nghĩ xem, có loại hình nghệ thuật nào được ưu ái đến thế. Điều chị lo nhất lúc này không phải việc chèo có đứng được hay không mà chị quan tâm đến thế hệ trẻ theo chèo. Chị sợ sự ngộ nhận. Bởi với chèo thì yêu thích thôi chưa đủ mà chèo thực sự cần những người có tài năng và đặc biệt tâm huyết với nghề. Huyền Anh

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/chandungcuasao/Nghe-si-cheo-Thanh-Ngoan-Da-chot-an-phai-bua-me/20112/130220.datviet