Nghệ sĩ Tấn Tài – giọng ca bất tử lay động nhân gian

SGTT.VN - Nói về ông, người ta thường nhắc đến giọng ca quyến rũ gắn trong 400 tuồng cải lương và hơn ngàn bài tân cổ khiến ông được người đời phong tặng “Hoàng đế dĩa nhựa”.

Lts. Đúng mười ngày sau sự ra đi của nghệ sĩ Kim Ngọc, làng cải lương chịu thêm một mất mát khi nghệ sĩ Tấn Tài qua đời vì bạo bệnh vào ngày 26.1, hưởng thọ 73 tuổi. Có nhiều khán thính giả mê đắm ông đến độ thuộc gần hết bao nhiêu vai tuồng của ông. Những Alikha, Đường Minh Hoàng, Hàn Mặc Tử, Trương Vô Kỵ, Hạng Võ, Anh Gù, An Lộc Sơn... dường như được sống động hơn, da diết tình cảm hơn, ngọt ngào ray rứt hơn, qua làn hơi phong phú truyền cảm của nghệ sĩ Tấn Tài. Nói về ông, người ta còn nhắc đến quá khứ làm thầy giáo của ông. Bỏ bục giảng rồi ba chìm bảy nổi, vài cái lênh đênh, đường đến chiếc ngai vàng đầy vinh quang của ông không nhiều trắc trở kéo dài như bao nhiêu đồng nghiệp khác. Trời cho ông chất giọng truyền cảm bất hủ khác người. Đời người nghệ sĩ sân khấu ca kịch cần sắc, thanh, tài, tướng, mà trong đó thanh đứng hàng đầu. Vốn tri thức của người thầy truyền thêm cho ông cách biết cảm thấu nhân vật để dày thêm chữ tài. Còn sắc, tướng chỉ cần không thất thế với các bạn cùng sàn diễn là đủ. Cũng quá khứ người thầy khiến ông không nặng việc ganh đua. Bạn diễn vẫn tả về ông như một nhân cách hiền từ. Thời hoàng đế dĩa nhựa hát chung với Minh Cảnh – vua hơi dài ở đoàn Sông Hậu, cách ứng xử chăm sóc nhau như ruột thịt của hai vua ngự chung ngai là tấm gương sáng cho trong giới trông vào, đến độ ông bầu Út Quắn phải kêu lên: “Phải chi “cặp sao” nào cũng thương quý nhau như vậy, cải lương đỡ lắm”. Trong giới còn quý trọng ông vì lòng hiếu thảo khó tôn giữ trong kiếp cầm ca lang bạt. Có những đào kép nổi danh nhưng lo kiếp phù du chóng tàn, vội vơ đắp những của cải vật chất cho xứng tầm đẳng cấp, ký được hợp đồng lương cao vội kiếm xe đời mới, gắn kim cương chấp chóa khắp người, vội quên nhanh những chiếc bóng mờ mà nếu không có những chiếc bóng ấy, chưa chắc mình đã ra dạng ra hình. Năm 1961, ký hợp đồng mới được một trăm ngàn đồng, anh chàng cựu giáo làng nay là kép chánh vừa 21 tuổi, mang ngay sáu mươi ngàn thối cho đoàn cũ, phần còn lại chia đôi gởi hết về cho phụ mẫu mình cùng cha mẹ vợ. Bốn năm theo nghề hát, đạt được giải thưởng trong mơ của đồng nghiệp là giải Thanh Tâm năm 1963 (cùng với Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Kim Loan (Mộng Tuyền) và Trương Ánh Loan), trong đêm lãnh giải, Tấn Tài mời cha mẹ mình, cha mẹ vợ ngồi hàng danh dự, kế đó là Hai Tỉnh, Út Thôi, hai thầy dạy ca cùng bà con quê mình. Anh còn dùng năm ngày nghỉ để cùng cha mẹ về quê, mở tiệc đãi bà con láng giềng khán giả ái mộ xa gần của xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, tỉnh Long Xuyên, nơi mà năm 1940, người con mang tên Lê Tấn Tài đã được sanh ra. Trên dưới 70 tuổi, ông còn tự nguyện vắt kiệt sức mình trên những chuyến lưu diễn khinh khoái xa gần để tạ tình tri âm của khán giả, vẫn còn cố còng chiếc lưng thẳng để tạo hình giống hơn nhân vật Anh Gù được yêu thích trong vở Khi rừng mới sang thu. Như Ngọc, người vợ từng đứng tên chung trên bảng hiệu đoàn hát ngày xưa đã đi sớm hơn ông mươi năm, vẫn còn để lại bóng dáng người xưa trong hai cậu danh hài Tấn Beo – Tấn Bo. “Cải lương đỡ lắm” nếu có những nghệ sĩ được giọng ca độc đáo trời cho, cộng thêm cái tâm cái tầm của người luôn ý thức trau dồi tri thức cùng nghề nghiệp như ông. Ông luôn khuyên thế hệ đi sau nên tìm nét riêng để có những giọng ca không lẫn vào ai như thế hệ vàng, thời của ông. Kinh nghiệm quản lý thành công trong quá khứ cũng cho ông nhìn ra môi trường hoạt động hiện tại không là bệ phóng tốt cho nghiệp tổ mà ông đã chọn. So với chuyện lớn đó, những ai thắc mắc giùm sao ông chưa được chính thức phong tặng chỉ là chuyện nhỏ, quá nhỏ!

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/van-hoa/136775/nghe-si-tan-tai-%e2%80%93-giong-ca-bat-tu-lay-dong-nhan-gian.html