Nghề hạnh phúc nhất nước Mỹ

TTO - Trang web việc làm trực tuyến Careerbliss.com đã đưa ra bảng xếp hạng 20 công việc hạnh phúc nhất nước Mỹ, dựa trên phân tích hơn 100.400 ý kiến phản hồi của nhân viên từ tháng 2-2011 đến tháng 1-2012.

Theo kết quả, công việc hạnh phúc nhất không phải là giáo viên mẫu giáo hay nha sĩ, mà là kỹ sư phần mềm với số điểm 4,24. Các chuyên gia lĩnh vực này thường tham gia toàn bộ quá trình phát triển phần mềm, cả việc bảo đảm chất lượng sản phẩm cuối cùng. Lương trung bình của họ khoảng 85.000-100.000 USD/năm, theo giám đốc kỹ thuật Matt Miller của CareerBliss.

Xếp thứ hai là nghề bếp trưởng và quản lý tài sản với cùng số điểm 4,15. Bếp trưởng “bao” từ nhiệm vụ nấu ăn, đào tạo nhân viên gọi món cho khách đến mua nguyên liệu. Nghề quản lý tài sản có nhiệm vụ lên kế hoạch trực tiếp hoặc phối hợp bán hàng, mua hàng, cho thuê và quản lý các hoạt động bất động sản.

Nhân viên ngân hàng và quản lý kho lọt vào tốp 5 với số điểm tương ứng 4,14 và 4,13. Một số công việc hỗ trợ như nhân viên phục vụ khách hàng và trợ lý hành chính cũng góp mặt trong danh sách.

Nhân viên được yêu cầu đánh giá 10 yếu tố ảnh hưởng đến cảm xúc hài lòng nơi công sở theo thang điểm 5, bao gồm mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp, môi trường làm việc, nguồn lực, bồi thường, cơ hội thăng tiến, văn hóa, danh tiếng công ty, nhiệm vụ công việc và kiểm soát hiệu quả công việc hằng ngày. Họ cũng được yêu cầu chỉ ra tầm quan trọng của các yếu tố trên.

"Vì chúng ta có xu hướng dùng thời gian trong ngày để làm việc hơn làm những chuyện khác, nên niềm vui công việc là một nhân tố to lớn trong hạnh phúc tổng thể của cuộc sống" - giám đốc điều hành CareerBliss Heidi Golledge chia sẻ.

Bà Golledge nhận định đa số công việc hạnh phúc nhất đều là việc được tiếp xúc với nhiều người. "Hạnh phúc chắc chắn không đi kèm với mức lương một khi nhu cầu cơ bản của một người được đáp ứng. Tiền chỉ làm thêm vui nhưng không phải là yếu tố thúc đẩy nhân viên hạnh phúc".

CareerBliss cũng phát hiện nhiều người đánh giá cao công việc mình hơn trong thời buổi kinh tế khó khăn. "Khi thị trường lao động đang dần được cải thiện, nhân viên đánh giá công việc thông qua cảm xúc vui vẻ của họ ở vị trí hiện tại hay văn hóa công ty. Năm nay sẽ là năm rất quan trọng đối với người sử dụng lao động vì nhân viên có thể tìm cách nhảy việc để cải thiện mức độ hài lòng trong công việc" - bà Golledge nói.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=499157&ChannelID=269