Nghề “ca sĩ bàn tiệc” và những tâm sự buồn lòng

M.A bắt đầu hát. Khuôn mặt được trang điểm kĩ càng vẫn không giấu nổi những vết sạm sương gió của cái nghề chuyên góp vui tại những bữa tiệc ồn ã với đủ hạng người. Công tác tại một đơn vị nghệ thuật ở đất thủ đô, với thu nhập “bèo bọt”, để kiếm thêm tiền nuôi con, M.A làm thêm nghề tay trái là “phục vụ văn nghệ” tại các nhà hàng khi có mối quen “a lô”. Dường như, cô đã vô cảm trước những ánh mắt của khách nhậu vung tiền mua cái thú mà họ tự cho là “mốt chơi thời thượng” này.

Những ca sĩ bàn tiệc đang “tác nghiệp” tại nhà hàng.

“Nghề hợp thời”

Buổi trưa một ngày cuối tuần, tôi cùng mấy người bạn hẹn nhau đến “xả hơi” tại một nhà hàng khá nổi tiếng với các món nhậu “đặc sản ba miền” trên đường Lê Văn Hưu (Hà Nội). Đến bàn đặt sẵn, ngồi chưa ấm chỗ, đã nghe ở bàn bên một giọng hát cao vút cất lên một bài “tỉnh ca” đã trở nên nổi tiếng: “Nghệ Tĩnh mình ơi, sông Lam rọi núi Hồng!...”.

“Thẩm” chất giọng xứ Nghệ đặc trưng qua lời bài hát, đang thầm nghĩ, hẳn trong bàn tiệc này có người quê gốc Hà Tĩnh hoặc Nghệ An đang góp vui với đồng hương bằng ca khúc thân thuộc của xứ sở nơi mình sinh ra, thì lại tiếp tục được thưởng thức tiếp bài “Nắng ấm quê hương” mà hầu như người Thái Bình nào cũng thuộc nằm lòng: “Anh đến quê em một chiều nắng ấm/ Tiếng hát quê hương du dài theo sóng/ Thái Bình ơi Thái Bình…”. Tò mò liếc sang, tôi thấy một cô gái có phom người khá chuẩn, vừa hát vừa lắc lư thân mình theo nhịp điệu ca từ. Cô ngồi bên cạnh, một tay điệu nghệ sử dụng hai chiếc ly làm phách, tay kia đưa lên, đưa xuống như bắt nhịp cho một đám dăm, bảy thực khách là đàn ông, đang nghi ngút khói thuốc, sặc mùi rượu mạnh, mồm lẩm nhẩm hát theo hưởng ứng.

Thấy tôi “mắt chữ o, mồm chữ a”, Hùng - anh bạn đi cùng - bảo, những bữa nhậu có sự góp mặt của các “ca sĩ bàn tiệc” như thế này không còn là điều lạ ở các nhà hàng, quán nhậu đất Hà thành. “Những cuộc giao lưu bên bàn rượu của giới mày râu bây giờ, nếu không có một vài ca sĩ đến góp vui thì rất “lạc hậu”. Đặc biệt, tiếp đối tác làm ăn mà thiếu bóng dáng một vài chị em đang làm trong các ngành nghệ thuật “châm tửu” thì kém sang. “Ca sĩ bàn tiệc” - cái nghề nghe rất lạ, không nói không ai biết nhưng thực ra đang rất hợp thời...”, Hùng chốt lại.

Cũng theo Hùng, trên đất thủ đô bây giờ, hễ có cuộc tiếp khách làm ăn nào là “chủ xị”, thông qua các mối quan hệ, lại gọi cho các “ca sĩ bàn tiệc” đến phục vụ. Có lẽ, sự đa dạng của nhu cầu thưởng thức văn hóa phong phú tới mức các “thượng đế” sẵn sàng chi tiền để có tất cả. Do “không gian biểu diễn” không đến nỗi nào, lại thường xuyên được hưởng sự “chăm sóc” rất có “gu” của “thượng đế” nên các ca sĩ đến phục vụ chủ yếu là những người “có chân chính thức” trong các đơn vị nghệ thuật - tất nhiên, không thuộc hàng nổi tiếng đến mức không phải lo lắng về thu nhập. Họ thường “hát thoải mái” những ca khúc theo yêu cầu để làm hài lòng “đối tác” của mình.

Mua vui cũng được một vài trống canh…

Cụm từ “hát thoải mái” mà Hùng nhấn mạnh đầy ẩn ý khi nói đến nghiệp cầm ca nơi nhà hàng, quán nhậu đã được kiểm chứng ngay trong bữa tiệc của đám thực khách cùng phòng ở nhà hàng nơi chúng tôi ngồi. Thôi thì đủ cả, từ những bài hát “nghiêm chỉnh” đang thịnh hành được các “ca sĩ bàn tiệc” thể hiện khi thực khách chưa đến độ ngà ngà, đến những khúc nhạc chế mà bất cứ người “tử tế với nghệ thuật” nào cũng phải cau mày, kiểu như: “Ngày lấy chồng em đi Toyota/ Mười hai chỗ ngồi/ Có chú bướm vàng đi theo em” (chế bài “Sao em nỡ vội lấy chồng” của nhạc sĩ Trần Tiến) cho đến: “Đêm bên đèn ngồi nhớ rượu/ Buộc cái cẳng phải đi/ Dù vợ có khuyên chi/ Ta phải đi cho bằng được…” (chế bài “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Thậm chí, khi cuộc nhậu đã đến độ cao trào, dường như muốn “lấy hứng” cho khách nhậu, hai nữ ca sĩ thay nhau trình bày những đoản khúc mà ca từ đã bị “độ” đến mức khó chấp nhận, như: “Ba thương con vì con uống rượu/ Mẹ thương con vì con uống bia/ Cả nhà ta rượu bia như nhau/ Xa là nhớ gần nhau nhậu liền…” (chế từ bài “Cả nhà thương nhau” của nhạc sĩ Phan Văn Minh). Hay: “Có một loài chim không bao giờ bay/ Là loài chim quý không đậu trên cành cây…” (chế từ bài “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn)… Điều đáng nói là sau mỗi đoản khúc “đệ nhất chế” này, các thực khách lại vỗ tay rào rào hưởng ứng kèm theo những tiếng “dô, dô” ra chiều thích thú lắm!

Tiết lộ với chúng tôi về giá cả cho một “sâu diễn” dạng này, bà L.T.H - chủ nhà hàng (đề nghị được giấu tên) - tiết lộ: “Tiền nong không thành vấn đề! Khi chấp nhận đến hát giúp vui cho bữa tiệc có nghĩa là chấp nhận tất cả, đắt rẻ không sao, chủ yếu là thỏa mãn lòng “yêu nghệ thuật” của khách thôi. Nhưng cũng rất khổ vì có nhiều anh em, khi “trong rượu có một ít máu”, nổi hứng lên biểu diễn cùng ca sĩ, hát không ra hát mà là… hét, gây không ít khó chịu cho thực khách nhà hàng. Đã thế, có nhiều trường hợp chỉ vì “lấy le” với các người đẹp mà đỏ mặt tía tai cãi nhau ỏm tỏi…”.

Theo bà chủ L.T.H, ở Hà Nội, đội ngũ “ca sĩ bàn tiệc” bây giờ khá đông đảo và hoạt động khá chuyên nghiệp. Họ thường là những người có việc làm cố định tại các đơn vị nghệ thuật, có mặt tại các cuộc nhậu khi có điện thoại của khách yêu cầu hoặc khi nhân viên quản lý của các quán gọi đến. Đi cùng họ là những đàn em “nghiệp dư”, có thể có năng khiếu ca hát nhất định cùng chút dung nhan dễ nhìn.

Qua quan sát các bữa tiệc có sự góp vui của “ca sĩ bàn tiệc”, bà L.T.H khẳng định, đây là một “nghề” thuộc dạng thu nhập cao, bởi đa số khách đến nhà hàng đều thuộc hạng phong lưu, trong túi rủng rỉnh tiền. “Cũng do “ca sĩ bàn tiệc” chủ yếu là người “có trình độ”, lại có cả nhan sắc nên đàn ông thường “chiều chuộng”. Nhưng cái nghề này không đơn giản đâu nhé! Muốn làm “ca sĩ bàn tiệc”, phải có tửu lượng khá và nhanh nhẹn trong ứng xử. Vậy mới giúp buổi tiệc thêm phần vui vẻ, thoải mái. Mà kể cũng cay đắng thật, được ăn học tử tế, lại làm việc ở ngành danh giá mà họ vẫn phải chìm nổi trong cuộc mưu sinh đầy khốc liệt nơi thị thành. Tôi nghe nói, lương bổng trong “ngành ca hát”, nếu không nổi tiếng cũng bọt bèo lắm. Để có thêm thu nhập giữa thời “gạo châu, củi quế” này, họ phải làm nghề “mua vui cũng được một vài trống canh” cũng là lẽ đương nhiên. Thật là cám cảnh…”, bà chủ nhà hàng chép miệng.

Những tâm sự “buồn lòng”

Đám nhậu tàn, thực khách lục tục ra về, riêng M.A - “ca sĩ bàn tiệc” ở bàn bên - ngồi lại với chúng tôi vì cô vốn là bạn của một ca sĩ cải lương, nhà cùng khu tập thể với Hùng - bạn tôi, nên hai người quen biết nhau. Một cách rất tự nhiên, cô dốc cạn ly rượu chúng tôi mời và tâm sự chân thành về “nghề tay trái” mà cô đang theo đuổi để kiếm thêm thu nhập. M.A cho biết, sinh ra ở một làng chèo cổ ở Thái Bình, cô theo đuổi môn nghệ thuật này từ khi còn rất trẻ và đang công tác tại một nhà hát chèo tại Hà Nội. Ngoài công việc ở nhà hát, mỗi tháng cô có thêm chục “sô” đi hát phục vụ ở nhà hàng như thế. Cũng vì môn nghệ thuật chèo thì làm gì có “sô” lớn mà diễn, nên cô và không ít đồng nghiệp thường làm thêm để bù phụ cùng chồng nuôi hai con nhỏ.

Lẽ dĩ nhiên, sau những cuộc hát hò cùng “thượng đế”, cô cùng đồng nghiệp được nhận một khoản thù lao khá hậu hĩnh. “Tuy môi trường làm việc cũng hơi phức tạp vì đàn ông, khi có bia rượu vào thường cợt đùa, đôi khi có phần quá đà, nhưng chỉ cần khéo léo ứng xử thì mọi thứ cũng êm xuôi. Em cũng biết mang danh nghệ sĩ mà đi phục vụ khách nhậu ở nhà hàng với “phong cách rẻ tiền” nghe không ổn lắm, nhưng trót mang duyên kiếp cầm ca rồi, thì biết làm sao?...”, M.A chia sẻ với chúng tôi rồi cho biết, cô làm thêm nghề tay trái này đã được gần 3 năm, kiếm được bao nhiêu tiền đều chi chút vào khoản tiết kiệm cùng chồng để mua cho được một căn hộ nhỏ, thay vì phải thuê nhà như hiện nay.

Nghe M.A nói vậy, tôi tò mò hỏi, chồng cô có biết cô làm thêm nghề “ca sĩ bàn tiệc” hay không, lập tức, cô truy vấn ngược lại: “Vợ chồng với nhau, việc gì phải giấu? Nhiều khi, chồng em còn đưa em đi chạy sô ở các nhà hàng, quán nhậu. Nói thật, lúc đầu, anh ấy cũng ghen nhưng hiểu ra thì thoải mái lắm. Suy cho cùng cũng là kế mưu sinh. Hơn nữa, một sô của em có khi bằng cả tuần chạy taxi của anh ấy...”.

Nói đoạn, như muốn thay lời tâm sự với chúng tôi, cũng rất tự nhiên, M.A bắt đầu hát một đoạn ca khúc “Tình đời” của nhạc sĩ Minh Kỳ: “Khi biết em mang kiếp cầm ca/ Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người đời…”. Giữa leng keng tiếng đũa của ai đó trong bàn nhậu làm “phách” cho lời bài hát của cô, tôi chợt nhận ra ánh mắt của nữ nghệ sĩ không còn vô cảm như khi đang “phục vụ văn nghệ” cho những khách nhậu xa lạ lúc đầu…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/nghe-ca-si-ban-tiec-va-nhung-tam-su-buon-long-410324.bld