Nghệ An: Bất cập trong giáo dục tại các huyện miền núi

Theo ghi nhận, tại các huyện miền núi Nghệ An các bậc tiểu học và trung học cơ sở thiếu sách giáo khoa cho học sinh. Đồng thời, điểm đầu vào trường trung học phổ rất thấp. Đó là một trong những vấn đề lớn đang tồn tại trong hệ thống giáo dục các huyện miền núi tỉnh Nghệ An.

Học sinh tiểu học, THCS thiếu sách giáo khoa
Mặc dù năm học mới đã bắt đầu được gần 2 tháng nhưng đến nay nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở tại huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An vẫn đang thiếu sách giáo khoa trầm trọng cho học sinh.

Điển hình như trường Tiểu học xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An có 235 em nhưng nay số lượng sách giáo khoa chỉ đủ cho khoảng 50 học sinh; thậm chí số sách này còn bị nhàu, rách nát.

Thiếu sách giáo khoa trầm trọng tại các trường tiểu học và THCS miền núi Nghệ An .

Thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng trường tiểu học Tam Hợp, vào đầu năm học có khoảng 60% học sinh thiếu sách giáo khoa và vở. Chung cảnh ngộ, tại Trường tiểu học xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An cũng cho biết: Hiện trường có 268 em học sinh nhưng thiếu 180 bộ sách giáo khoa chủ yếu cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 4. Nhiều sách do cũng sử dụng đã lâu bị rách nhiều.

Không chỉ riêng bậc tiểu học mà hiện nay nhiều trường bậc trung học cơ sở tại các huyện miền núi cũng rơi vào tình cảnh thiếu sách giáo khoa cho học sinh. Trường THCS xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết, bước vào năm học 2015 - 2016 trường có 154 học sinh nhưng số lượng sách giáo khoa chỉ đủ phục vụ cho hơn 10% học sinh. Còn gần 90% số học sinh còn lại vẫn chưa có sách giáo khoa để học.

Theo số liệu khảo sát của Trường THCS Yên Thắng, huyện Tương Dương vào đầu năm học 2015 – 2016 trường có 209 học sinh thiếu sách giáo khoa để học. Tỷ lệ học sinh không có sách giáo khoa để học của trường này lên đến gần 90%. Nhiều trường khác cũng chung cảnh ngộ tương tự.

Không chỉ huyện Tương Dương, hiện các huyện miền núi khác của tỉnh Nghệ An như: Quế Phong, Kỳ Sơn … cũng đang xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa cho học sinh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu sách giáo khoa một phần do kinh phí hỗ trợ mua bổ sung sách giáo khoa hàng năm cho các trường quá ít so với thực tế nên không bù đắp được số lượng sách thiếu và đã hư hỏng.

Để khắc phục tình trạng thiếu sách giáo khoa giáo viên tại các trường cũng tìm cách kêu gọi các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ quyên góp sách để bổ sung lượng sách đang thiếu tại trường mình.

Cùng với đó các đoàn từ thiện và các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã tìm cách hỗ trợ sách cho các trường tiểu học và trung học cơ sở miền núi nhưng do số lượng sách giáo khoa thiếu quá nhiều nên nên số lượng sách giáo khoa vẫn đang thiếu hụt.

Trao đổi về vấn đề nan giải trên bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An thừa nhận: “Chúng tôi cũng đã làm văn bản báo cáo, tham mưu UBND tỉnh và cũng đã nêu ra giữa cuộc họp hội đồng để các cấp chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn hiện tại”.

Điểm đầu vào bậc học THPT thấp đến khó tin
Trong khi các bậc học tiểu học và trung học cơ sở tại các huyện miền núi tỉnh Nghệ An học sinh thiếu sách giáo khoa để học thì điểm đầu vào của bậc học THPT cũng là điều đáng lo ngại.

Trong kỳ tuyển sinh năm học 2015 – 2016, các trường THPT tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông … rơi vào tình trạng thiếu học sinh đăng ký dự thi. Các trường may mắn thì số hồ sơ học sinh dự thi nộp vừa đúng bằng số chỉ tiêu học sinh cần tuyển cho năm học mới.

Các trường tại các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn cần được đáp ứng đầy đủ điều kiện vật chất cho học sinh.

Như trường THPT Tương Dương 1 chỉ tiêu tuyển sinh là 400, thời gian đầu số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi vừa đủ số lượng trên. Tuy nhiên, sau đó một số thí sinh bỏ thi, một số đậu vào trường dân tộc nội trú nên đến nay trường chỉ mới 310 học sinh.

Còn hầu hết các trường THPT miền núi khác đều rơi vào tình cảnh thiếu chỉ tiêu học sinh tuyển sinh mới để đào tạo trong năm học mới. Trước tình cảnh đó nên các thí sinh dự thi vào các trường này chỉ không bị điểm chết các môn thi sẽ được đậu vào học.

Như vậy, với 3 môn thi tuyển sinh, trong đó có 2 môn nhân đôi điểm vào các trường THPT thì các thí sinh chỉ cần đạt 1.25 điểm là đậu. Có nghĩa mỗi môn các thí sinh chỉ cần đạt 0.25 điểm mỗi môn sẽ đạt yêu cầu tuyển sinh.

Một số trường tình hình điểm dự thi đầu vào có khả quan hơn như trường THPT Kỳ Sơn điểm trúng tuyển là 3.5 điểm/3 môn. Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông 5.5 điểm/ 3 môn. Tuy nhiên, hầu hết các trường vẫn chưa đủ số lượng học sinh trúng tuyển theo chỉ tiêu đặt ra hoặc đủ nhưng học sinh đi học vẫn chưa đầy đủ.

Chia sẻ vấn đề trên thầy Nguyễn Văn Hạnh – Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 1 cho biết: “Năm nay trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 200 học sinh mới. Nhưng do số lượng học sinh quá ít nên mặc dù trường chỉ xét tuyển qua kết quả học tập và học bạ, có nghĩa các em đậu tốt nghiệp bậc trung học cơ sở là đậu. Nhưng cho đến tận bây giờ trường mới chỉ tuyển sinh được 165 em đạt 85% chỉ tiêu đặt ra”.

Để cố gắng đạt được số lượng tuyển sinh xấp xỉ chỉ tiêu đặt ra các trường THPT tại các huyện miền núi Nghệ An đang ra soát lại các hồ sơ học sinh đậu các năm trước nhưng vì hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố khách quan khác để vận động các em đi học trở lại.

Đến khi nào thực trạng đáng buồn và lo ngại này của các trường học tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An mới được giải quyết? Mong rằng các ngành chức năng liên quan và các địa phương tại tỉnh Nghệ An sớm có giải pháp đồng bộ để đáp ứng đầy đủ điều kiện và nâng cao chất lượng dạy, học tại các huyện miền núi.

Lam Giang

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/nghe-an-bat-cap-trong-giao-duc-tai-cac-huyen-mien-nui-d57370.html