Ngày xuân, xem chèo "Lưu Bình - Dương Lễ"

Truyện thơ nôm khuyết danh Lưu Bình- Dương Lễ (dài gần 800 câu), rất ít người đọc, nhưng vở chèo (cũng khuyết danh) cùng tên thì kể từ khi nó ra đời đến nay, không biết bao nhiêu là thế hệ người Việt Nam, hầu như không người nào không biết, không xem, nhiều người thuộc lòng, nhiều người thậm chí không nhớ được trong đời, mình đã xem vở chèo ấy bao nhiêu lần, nhưng hễ có dịp là vẫn xem một cách say mê…

Với nội dung rất đơn giản: Lưu và Dương là đôi bạn “đã mười năm hai sách một đèn”. Đến kỳ, cả hai đều ứng thí. Kết quả là Dương đỗ, được bổ làm quan, còn Lưu thì đã dẵm phải vỏ chuối lại còn bị “giặc đốt mất nhà”, đói nghèo cùng cực, nên “đành muối mặt tìm sang nhờ bạn”. Nhưng đến nơi, không những không được tiếp mà còn bị Dương cho bọn lính hầu sỉ nhục đủ điều, chỉ thí cho lưng cơm hẩm với nửa quả cà thâm. Cực thân quá, Lưu nuốt nước mắt, lủi thủi về, đến quán Nghinh Hương thì gặp một người con gái xinh đẹp tuyệt trần tên là Châu Long. Biết hoàn cảnh của Lưu, nàng xin theo về làm vợ chàng để “giúp cơm áo nuôi chàng ăn học”. Về đến quê chàng, nàng dựng một căn lều, ngăn đôi, mỗi bên ở một nửa, và giao hẹn: “anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”, rồi nàng bỏ vốn riêng sắm khung cửi, dệt vải mưu sinh. Từ đó, Lưu chỉ có mỗi một việc “nấu sử xôi kinh"…Tuy nhiều lần Lưu gạ gẫm nhưng lần nào nàng cũng khéo léo từ chối. Càng ngày, Lưu càng yêu, càng trọng, càng phục nàng, càng quyết chí học hành, mong thi đỗ để được gần người đẹp. Ba năm sau, Lưu lại ra ứng thí và đỗ cao. Đỗ rồi, Lưu vội vã về nhà để báo: “công anh đèn sách, ngẫm ra công nàng”. Nhưng về, thì nàng đã đi đâu mất, chỉ để lại bức trướng thêu 4 chữ “Kỳ Ngộ Thiên Duyên” và một bài thơ, nhắn chàng “người cũ xin ai đừng vướng bận…”. Đang đứt từng khúc ruột thì Dương cho người mang lễ sang mừng. Nhớ đến mối hận cũ, Lưu sang nhà Dương định mắng cho cái thằng bạc nghĩa kia một mẻ. Sang đến nơi mới biết Châu Long chính là vợ bạn, Lưu bừng tỉnh, vội quỳ sụp xuống: “Trăm lạy anh, lượng bể khôn dò, trăm lạy chị nuôi em ăn học”. Vở chèo là một bài ca bất hủ về nghĩa bạn bè cao cả, về tình vợ chồng thắm thiết, son sắt, thủy chung… Chuyện khinh bỉ, sỉ nhục bạn trong lúc bạn gặp bước long đong, khiến bạn phẫn chí, rồi bí mật cử người đi theo giúp đỡ, khích lệ bạn hãy quyết chí lập công danh để “trả thù” kẻ đã khinh bỉ, xúc phạm đến mình, thì ở Trung Quốc, câu chuyện Tô Tần - Trương Nghi, từ rất lâu đã trở nên nổi tiếng. Lúc đó họ Tô đang làm tể tướng 6 nước, kết thành trục “liên hoành” để chống nước Tần. Lo sợ nước Tần sẽ tấn công thì “liên hoành” hỏng bét, nên Tô nghĩ phải tìm được một người sang cầm quyền chính nước Tần để rồi khống chế, ràng buộc được người đó, mà việc đó không ai có thể làm nổi trừ Trương Nghi, bạn cùng học với mình, lại gặp đúng lúc Nghi đang không ai biết tài mà dùng, trở nên túng quẫn. Thế là Tô Tần lập mưu, cho người giả làm lái buôn đến xui Nghi tìm gặp Tô nhờ “giúp đỡ”. Nhưng khi Nghi đến, thì bị Tô xỉ vả đủ điều rồi đuổi đi. Phẫn chí, Nghi thề sẽ lập nên sự nghiệp để báo thù. Nhưng tiền không, gạo hết, biết đi đâu? Đúng lúc đó anh lái buôn kia lại xuất hiện, khuyên Nghi sang nước Tần lập nghiệp, anh ta tình nguyện đi theo, cung đốn cho Nghi tất cả. Cầm được quyền ở nước Tần rồi, biết sự thật rồi, Trương Nghi đã “trả ơn” Tô Tần bằng cách suốt 15 năm không cho quân đánh bất cứ nước nào trong 6 nước. Tô Tần - Trương Nghi là hai nhân vật có thật ở Tàu đời Chiến Quốc, được sử sách ghi lại rất kỹ lưỡng chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng như Dương Lễ - Lưu Bình… Xét về tuổi tác, thì vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ chắc chắn ra đời sau Tô Tần - Trương Nghi hàng ngàn năm. Nhiều người đoan chắc rằng khi sáng tác vở chèo trên, nhà viết chèo đã lấy cốt chuyện Trương Nghi - Tô Tần rồi Việt hóa nó đi. Rất có thể là như vậy, bởi những nhà sáng tác dân gian đều là nhà nho (mà nhà nho nào chả biết chuyện Trương Nghi - Tô Tần?). Nhưng xét về tầm vóc, thì Dương Lễ - Lưu Bình hơn hẳn Tô Tần - Trương Nghi. Vì thứ nhất, Tô Tần giúp Trương Nghi là để phục vụ cho một mưu đồ chính trị. Nói thẳng ra, là Tần giúp Nghi vì cái ghế tể tướng 6 nước của Tần, và vì nó mà Tần đã biến Nghi thành một con cờ trên bàn cờ chính trị của mình, chứ không hề vì tình bạn, không hề vô tư, trong sáng như Dương Lễ giúp Lưu Bình. Và thứ hai, người mà Tần cho đi theo giúp đỡ Nghi là một tên đầy tớ, mang theo vàng bạc đầy mình (chỉ riêng việc “nhờ” những người hầu cận vua Tần để họ nói tốt về Nghi với vua, cũng đã tốn hàng ngàn lạng vàng rồi) vì lúc đó Tô Tần đang là tể tướng 6 nước, vàng bạc như đất bùn. Còn người được Dương Lễ ủy nhiệm đi nuôi bạn lại là vợ mình. Phải tin tưởng ở nhau lắm, phải hiểu nhau lắm thì cả người được giao đi nuôi bạn và người nhận đi nuôi bạn thay chồng mới có được quyết định ấy. Vì cả Lưu Bình và Châu Long đều đang ở tuổi thanh xuân, cùng sống với nhau trong một căn lều nhỏ, ai dám chắc chuyện gì sẽ xẩy ra khi “lửa gần rơm”, mà ai đã dám chắc 3 năm sau Lưu sẽ đỗ? “Học tài, thi phận”, nhỡ sáu năm, hay chín năm sau (khoảng cách thời gian giữa các kỳ thi ngày xưa) Lưu mới đỗ, mà cũng có thể chẳng bao giờ đỗ, thì sao? Khác hẳn với Tô Tần, vàng bạc vãi ra không cần đếm để “kỳ cho Nghi cầm được quyền chính nước Tần mới thôi” là tiền của nhà nước, còn Dương Lễ cho vợ mang theo ba nén vàng đi nuôi bạn là “của truyền gia”, tức là thứ của truyền từ đời này đến đời khác, ngoài giá trị vật chất, nó còn mang giá trị tinh thần rất lớn. Nhiều người dù túng đói đến đâu cũng không bao giờ dùng đến thứ của này là vì thế. Ngay cả thứ “của truyền gia” mà Dương cũng không tiếc Lưu. Ngay cả người vợ đầu gối tay ấp mà Dương cũng cho đến ở cùng Lưu để chăm lo, nuôi nấng bạn. Cao cả biết bao, vô tư biết bao. Chính cái nghĩa bạn bè cao cả, chính cái tình vợ chồng thắm thiết, son sắt, thủy chung cứ ngời ngợi toát ra trong tác phẩm này đã trở thành một thứ “nam châm” hút hồn người xem hàng bao nhiêu đời… Người Việt Nam nói xem chèo chứ không nói nghe chèo. Nhưng với vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ thì cả xem lẫn nghe đều “mãn”: mãn mục và mãn nhĩ. Bằng cách truyền nghề, các thế hệ diễn viên đã chuẩn hóa diễn xuất đến mức tuyệt hảo. Lời của vở chèo cổ đã hay, lời của vở đã được các nhà cách tân chèo chỉnh lý lại càng hay hơn. Chưa cần xem, nghe, chỉ cần đọc lời thoại của chèo, cũng đã thấy tuyệt vời rồi. Xin hãy đọc một vài câu thoại trong đoạn Lưu Bình gặp Châu Long ở quán Nghinh Hương thì sẽ thấy: Châu Long: - Gặp quân tử đang cơn lỡ bước/ Thiếp muốn theo về sửa bấc khêu đèn/ Cảnh trần ai không hẹn mà nên/ Giúp cơm áo nuôi chàng ăn học. Lưu Bình: - Tôi đang cơn quẫn nhục/ Ai ngờ nàng lại có lòng thương/ Ơn này xin tạc dạ ghi xương/ Nhưng đâu dám sánh nghi gia nghi thất. Châu Long: - Tuy hạnh ngộ mà nên cầm sắt/ Thiếp gặp chàng tự bởi thiên duyên/ Những mong chàng bẻ quế cung tiên/ Cho bõ lúc đắng cay vì bạn. Lưu Bình: - Cảnh hàn nho công danh còn lận đận/ Chỉ e rằng để hận cho nhau. Châu Long: - Rồng còn cuộn khúc sông sâu/ Tài này, sức ấy, nhẽ đâu kém người. … Còn rất nhiều chuyện có thể nói xung quanh vở chèo “kinh điển” này, nhưng trang báo có hạn, tôi phải tạm dừng chờ dịp khác.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/12/12/12/64173/default.aspx