Ngày xuân ấm áp với phong tục mừng thọ

(HQ Online)- Cùng với hoạt động chúc Tết mừng Xuân mới, những ngày này, ở các vùng quê Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, diễn ra tưng bừng, trang trọng lễ mừng thọ các bậc cao niên. Truyền thống tốt đẹp này của dân tộc càng làm cho những ngày Xuân thêm phần ấm cúng.

Từ 90 tuổi trở lên, các cụ được mặc áo đỏ. Ảnh: H.Nụ

Những ngày này trong không khí rộn ràng ngày xuân, các thôn trong toàn xã Quảng Vọng (huyện Quảng Xương- tỉnh Thanh Hóa) nơi nào cũng tưng bừng trống hội, múa hát và các hoạt động chào mừng xuân mới. Lễ mừng thọ cho các bậc cao niêm cũng được UBND xã tổ chức thường niên vào 28 tết hàng năm (tháng thiếu tổ chức vào 27 tết).

Các thôn trong xã đều diễn ra các hoạt động mua hát trước buổi chúc thọ.

Vì được lên kế hoạch, thời gian cụ thể nên con cháu của các bậc cao niên đến tuổi chúc thọ dù làm ăn xa quê cũng đều quây quần về quê đông đủ để chúc thọ bố mẹ, ông bà. Chưa tết năm nào, nhà cụ Bùi Ngọc Tấn ở xã Quảng Vọng (Quảng Xương, Thanh Hóa) lại hội tụ đông đủ con cái, cháu chắt như năm nay. Không chỉ vì mong muốn được về quê sum họp trong ba ngày Tết, mà còn bởi Xuân Bính Thân này, các con cháu cụ Tấn từ Hồ Chí Minh, Bình Phước, Hà Nội cố gắng thu xếp công việc về quê là để mừng cụ Tấn thượng thọ 70 tuổi.

Gia đình cụ Tấn quây quần bên nhau

Không chỉ được thôn, xã tổ chức tặng quà, cụ còn được con cháu quây quần về chúc thọ đầu năm nên cụ Tấn rất phấn khởi. “Tôi được mừng thọ rất vui vẻ. Con, cháu đầy đủ cả. Ai cũng chúc cho khỏe mạnh, sống lâu. Tôi cũng chỉ mong khỏe mạnh, con cháu đề huề chứ không ao ước gì cả”- cụ Tấn vui vẻ nói.

Trong truyền thống dân gian, lễ chúc thọ được bắt đầu từ 60 tuổi. Ngày nay, đời sống ngày một cải thiện, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn nên độ tuổi mừng thọ được bắt đầu từ 70 tuổi trở lên và việc mừng thọ cũng không chỉ còn trong quy mô gia đình, dòng họ mà được cả xã hội quan tâm.

Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà; thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chúc thọ; ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 được UBND xã, phường và hội người cao tuổi tổ chức chúc thọ.

Các cụ đến tuổi nhận chứng nhận, được các thôn tổ chức và trao giấy chừng nhận, quà của Hội người cao tuổi với mong muốn "tuổi cao chí càng cao".

Cụ Lê Huy Thuộc năm nay đã 92 tuổi tâm sự: "Người xưa cho rằng những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà. Cho nên ở cái tuổi gần đất xa trời, chúng tôi chỉ mong sao khỏe mạnh để con cháu, chắt yên tâm làm ăn. Khi tết đến các con cháu chắt về thăm là vui rồi" .

Lễ mừng thọ là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và để xã hội thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người cao tuổi. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Soi vào truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, con cháu lại nhận ra những giá trị tinh thần quý giá. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc, phụng dưỡng người già ngày càng được nhận thức sâu sắc, mà lễ mừng thọ chỉ là một dịp để con cháu, cũng như toàn xã hội tỏ bày sự quan tâm thiết thực đến các bậc cao niên. Truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, là một nét văn hóa làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngay-xuan-them-am-ap-voi-phong-tuc-mung-tho.aspx