Ngày sách Việt Nam: Hy vọng vực dậy nền văn hóa đọc…

NDĐT- Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, hàng loạt công việc đang được gấp rút thực hiện. Nhiều chuyên gia, học giả đã cho ý kiến về cách thức, mục đích thực hiện ngày này, và mong muốn chung đều là hy vọng nền văn hóa đọc đang ngày càng suy yếu hiện nay sẽ được vực dậy.

Học sinh tham quan một triển lãm sách quý tại Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Mỗi người 0,8 quyển sách/năm

Đây là con số đáng giật mình mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố trong bản Đề án Ngày sách Việt Nam, tại cuộc hội thảo chuẩn bị cho Ngày sách Việt Nam tổ chức tại Thư viện Quốc gia.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến năm 3013, mức hưởng thụ bình quân của người dân Việt Nam mới chỉ đạt 3,2 bản sách/người (kể cả sách giáo khoa). Còn theo thống kê của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản sách/người. Khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam cho thấy, bạn đọc của Thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số. Có khoảng 30 nghìn bạn đọc thường xuyên đăng ký đọc tại trụ sở, còn thư viện cấp tỉnh chỉ khoảng 1.000-2.000 bạn đọc, con số đó tại các thư viện cấp huyện, xã còn thấp hơn nhiều: 5-600 và 1-200. Ở nông thôn, miền núi, thậm chí còn thấp hơn.

GS, nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu tại Hội thảo.

GS sử học Lê Văn Lan cho rằng, Ngày Sách Việt Nam sẽ góp phần cứu văn hóa đọc của Việt Nam hiện nay.

Chung suy nghĩ đó, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái lưu ý, cần phải chú ý đến việc đọc sách của sinh viên, sách công cụ chứ không phải sách giải trí. Sách công cụ ở trong các trường đại học hiện nay đang loạn, mà chúng ta lại thiếu vắng cách tổ chức cho sinh viên, đối tượng chính của việc đọc sách.

Bà Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, thực trạng hiện nay là sinh viên ra trường rất kém và không thể thực hiện được công việc. Phần lớn thiếu vắng nền tảng về văn hóa nói chung. Bà Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh, phải chú ý đến các đối tượng của lễ hội sách, bởi sinh viên mới là lực lượng quan trọng giúp cứu nền văn hóa đọc.

Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người viết kịch bản cho Ngày Sách bức xúc: “Ngày nay chúng ta báo động rất nhiều vấn đề trong xã hội: thực phẩm nhiễm bẩn, trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng… Tuy nhiên điều đáng báo động là tình trạng suy dinh dưỡng trong tâm hồn vì thiếu đọc sách thì chưa được báo động. Lễ hội sách này chính là để kéo còi báo động cho điều đó”.

Hy vọng sẽ là “quả đấm thép” vực dậy văn hóa đọc

Ngày hội sách, chính vì thế, đã trở thành mong muốn chung của nhiều học giả tại cuộc hội thảo nhằm thúc đẩy thói quen ham đọc sách đối với người Việt, sau bao năm trầm lắng. “Quả đấm thép” là từ mà nhiều học giả đưa ra để ví von tác dụng của Ngày Sách Việt Nam mà họ hy vọng sẽ làm thay đổi thực trạng hiện nay.

Có hai luồng ý kiến, một cho rằng cần đi vào thực chất, giới thiệu thật nhiều chủng loại sách, từ những cuốn sách quý chỉ còn trong bảo tàng, cho đến những tác phẩm bán chạy và được đông đảo bạn đọc ưa chuộng hiện nay, bên cạnh việc giới thiệu cả cách đọc cho độc giả. Luồng ý kiến khác cho rằng, cần gây tiếng vang, thậm chí “cờ đèn kèn trống” để thu hút sự chú ý nhiều hơn, chính điều đó mới góp phần tạo ra “quả đấm thép”. Cách trưng bày, giới thiệu sách phải hấp dẫn, đột phá, với quy mô lớn. Đại diện cho luồng ý kiến này, ông Vũ Tuấn Anh (Viện Văn học) nhận định, sẽ không tránh được phần hội, bởi vì phải “cờ đèn kèn trống” thì mới thu hút được sự tò mò, rồi từ đó mới đi vào thực chất.

Thậm chí, ông Võ Tử Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý xuất bản còn đưa ra ý kiến mời các quan chức dự lễ tham quan phần trưng bày sách và mua sách. Ông Thành nói, nếu mỗi quan chức chỉ cần mua một quyển thôi, cũng đã tác động rất nhiều đến bạn đọc và làm nên không khí “hội sách” thực sự.

Về đối tượng đọc sách, các ý kiến đều thống nhất rằng thanh thiếu niên là những đối tượngq uan trọng nhất, có khả năng tiếp cận nhanh nhất, dễ hấp thu sách nhất, tiếp đó là các bậc phụ huynh… Bên cạnh đó, còn những đối tượng khác như người cao tuổi, với vốn sống và kinh nghiệm dày dặn, hay lực lượng bộ đội biên phòng, những người cung cấp, truyền đạt thông tin vô cùng quan trọng tới người dân địa phương ở các vùng biên giới, hải đảo, nơi vô cùng thiếu thốn sách báo.

Ông Nguyễn Kiểm, Phó Giám đốc thường trực Hội Xuất bản nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhắm tới các trường học đầu tiên”. Còn ông Phạm Thế Khanh, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam khẳng định: “Cần thiết phải phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ cần ở mỗi trường học treo một băng rôn hoặc áp phích là đã có tác dụng rất lớn rồi”.

Tuy nhiên, đại diện Ban tổ chức cho biết, trong cuộc hội thảo không có hiện diện của đại diện nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về mặt tổ chức, phần lớn các ý kiến đều cho rằng khuôn viên Thư viện Quốc gia là phù hợp với trưng bày và tổ chức Ngày Sách Việt Nam. Một số ý kiến khác bổ sung: thành lập phố sách dựa trên cơ sở phố Nguyễn Xí và Đinh Lễ hiện nay, kết hợp với việc mời các tác giả đến giao lưu, ký tặng sách cho bạn đọc, các nhà văn đến giới thiệu sách… Nhiều học giả cho rằng, Ngày Sách không chỉ tôn vinh sách và các tác giả, mà còn nên đề cao vai trò của những người liên quan đến việc làm ra một cuốn sách, như biên tập, họa sĩ thiết kế, kỹ thuật, những người làm công tác xuất bản, phát hành… Các NXB cũng nên lựa chọn sách, vừa trưng bày sách sao cho người xem có thể hình dung phần nào về công việc của mình, vừa đưa ra một số lượng sách lớn để phục vụ độc giả tại chỗ.

Ông Vũ Tuấn Anh, Viện Văn học nói: “Hãy coi ngày hội sách là ngày mà tất cả mọi người được mua sách giảm giá đặc biệt. Các NXB hãy chuẩn bị để làm sao ai nấy đều hỉ hả và sung sướng mang thật nhiều sách về. Đó mới là “quả đấm thép”.

ĐỖ QUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/22630702-ngay-sach-viet-nam-hy-vong-vuc-day-nen-van-hoa-doc%e2%80%a6.html