Ngày đầu cân xe quá tải trên QL5: Nhà xe mong được công bằng

Sáng ngày 9/4, lực lượng liên ngành đã tiến hành xử lý xe quá khổ, quá tải trên QL5. Do được thông báo, tuyên truyền từ trước nên các xe container từ cảng Hải Phòng đang nằm im nghe ngóng. Thay vào đó, chủ các doanh nghiệp và lái xe kéo đến chốt kiểm tra tải trọng, yêu cầu giải thích. Ghi nhận của nhóm phóng viên Báo GTVT.

Ít vi phạm vì sợ phạt

Sáng sớm ngày 9/4, QL5 chiều xe từ Hải Phòng về Hà Nội tình hình khác so với thường ngày. Xe thưa thớt. Trên đường, thỉnh thoảng một vài xe đầu kéo kéo container đang chạy “rỗng” hoặc chỉ chạy đúng tải, kéo một container thay vì hai như trước. Tại vị trí chốt trạm của Tổ công tác liên ngành tại Km80, thuộc địa phận xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng, các chiến sỹ CSGT và các lực lượng phối hợp chăm chú quan sát xe lưu thông trên đường, sẵn sàng phát hiện những trường hợp có dấu hiệu quá tải để hướng dẫn đưa vào cân kiểm tra. Trong khi cách trạm khoảng 2km về phía TP Hải Phòng, hàng chục chiếc xe chở container đang dừng lại bên vệ đường. Thay vì cho xe chạy tiếp, các lái xe cùng nhau kéo tới vị trí đặt cân điện tử bàn tán râm ran.

Kiểm tra tải trọng 1 trong 3 xe vi phạm sáng 9/4 trên QL5 Hải Phòng - Hà Nội.

Đến gần 10h, chiếc xe vi phạm tải trọng đầu tiên được xác định bằng cân xách tay và sau đó được kiểm tra lại bằng cân điện tử. Đó là một xe tải 2 trục chở thép mang BKS 16K - 9125. Chiếc xe quá tải đến 54% so với tổng tải trọng thiết kế. Ngay sau khi lập biên bản xử lý vi phạm, lái xe đã được yêu cầu liên lạc với doanh nghiệp để hạ tải theo đúng qui định. Đến 12h30’, lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện, xử lý 3 trường hợp xe quá tải và tất cả đều không phải là xe container. Điều này cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp vận tải chuyên chở container đang “găm hàng” để nghe ngóng hoặc tìm hướng “di chuyển” phù hợp để không bị phạt nặng.

Tới 18h, thêm 3 xe quá tải và 1 xe quá khổ bị kiểm tra, xử lý. Lưu lượng xe trên đường tới lúc này vẫn khá thưa thớt, diễn biến khác hẳn so với chiều hôm trước ngày chiến dịch.

Xử phạt nghiêm, kết hợp tuyên truyền

Tại hiện trường, Phó Chánh thanh tra Tổng cục ĐBVN Đặng Văn Chung cho biết: “Mục tiêu chính của đợt ra quân lần này là kiểm tra các xe tải xuất phát từ Cảng Hải Phòng. Vì thế, vị trí đặt trạm kiểm soát được bố trí cách Cảng chỉ khoảng hơn 20km. Ngoài việc lập tổ kiểm soát trên tuyến QL5, trên các tuyến quốc lộ gần khu vực cửa ngõ ra vào Cảng, CSGT các tỉnh như: Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên đều bố trí lực lượng ngăn chặn xe quá tải né trạm đi qua các tuyến QL18, QL10 hoặc tuyến đường tỉnh qua Hải Dương”.

Trong khi đó, Đại tá Lưu Thanh Hiệp - Đội phó Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ số 2 thuộc Phòng 6, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67) cho biết: “Xe quá tải đang né trạm kiểm soát, nằm im nghe ngóng. Điều này cho thấy, các lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải biết chắc nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nên đã tạm thời không lưu thông hoặc phải chở đúng tải. Diễn biến này nằm trong kế hoạch dự kiến của Tổ công tác”.

Theo Đại tá Lưu Thanh Hiệp, điểm khác cơ bản của đợt ra quân xử phạt vi phạm quá tải, quá khổ lần này là sẽ “không cho tồn tại”. Nghĩa là khi bị phát hiện quá tải thì nhà xe sẽ phải hạ tải rồi mới được lưu thông tiếp. Điều này hoàn toàn khác với trước đây, là xử phạt xong rồi lại cho xe chạy tiếp. “Việc tháo dỡ hàng hóa để hạ tải sẽ hoàn toàn do doanh nghiệp có hàng hóa thực hiện. Họ sẽ phải tự bố trí kinh phí và thuê đơn vị tháo - lắp lại kẹp chì. Sau đó họ cũng phải tự thuê phương tiện để sang tải nếu muốn được lưu hành tiếp. Đối với một số trường hợp cá biệt như container chở hàng đông lạnh, lần đầu phát hiện, chúng tôi sẽ lập biên bản xử phạt, yêu cầu lái xe ký cam kết và gửi về doanh nghiệp vận tải. Nếu tiếp tục vi phạm lần sau chúng tôi cũng sẽ yêu cầu hạ tải rồi mới cho đi tiếp...”, ông Hiệp nói.

Rất ít xe container chạy trên QL5 khi đặt trạm cân lưu động trên QL này.

Dân mong “làm đến nơi đến chốn”

Đến 10h sáng, số lượng các lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải và hàng hóa kéo đến chất vấn ngày càng đông. Một số cá nhân yêu cầu Tổ công tác giải thích rõ qui định về giới hạn vi phạm tải trọng xe, thắc mắc về khác biệt tải trọng cho phép giữa giấy phép lưu hành xe và sổ kiểm định...

Trao đổi với PV, nhiều lái xe và doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng cho biết họ muốn chạy đúng tải để bảo đảm ATGT, ít khấu hao phương tiện nhưng nếu chỉ làm theo kiểu phát động đợt cao điểm hoặc cục bộ ở một số tuyến thì sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải phải chấp hành với doanh nghiệp chưa bị kiểm soát chặt.

Một chủ doanh nghiệp có mặt tại trạm cân bày tỏ: Lái xe và doanh nghiệp vận tải không phản đối việc kiểm tra tải trọng xe. Chỉ mong cơ quan chức năng phải làm mạnh, làm nghiêm, đồng loạt và dài hơi trên cả những tuyến khác để bảo đảm sự công bằng. Đã làm thì phải xử phạt đồng đều, trên nhiều tuyến. Nếu tất cả đều như nhau thì thị trường vận tải sẽ có một giá cước mới công bằng. Nếu chỉ làm trong vài ngày, trên 1 tuyến, thì sau chiến dịch tất cả lại trở về như cũ.

T.M - P.A

Sẽ mở rộng cân xe ở nhiều tuyến đường

Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Lê Đình Thọ, khi trao đổi với Phóng viên Báo GTVT.

Không “Đánh trống bỏ dùi“

P.V: Thưa ông, việc đưa một trạm cân lưu động kiểm soát xe quá tải trên QL5 hướng tới những mục tiêu gì? Việc kiểm soát này có nằm trong một kế hoạch lâu dài không, hay mang tính chiến dịch nhất thời?

Ông Lê Đình Thọ:

Ông Lê Đình Thọ

Cần nói rõ rằng kiểm soát tải trọng xe lâu nay vẫn được thực hiện, song hiệu quả chưa cao, kỷ cương chưa nghiêm.

Lâu nay doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vận tải rất coi nhẹ việc bảo vệ đường sá, đảm bảo ATGT, dẫn đến việc xe chở quá tải phá hoại đường sá nghiêm trọng đang trở nên phổ biến. Trước tình hình này, Bộ GTVT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống trạm cân xe. Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 95 yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương cùng phối hợp, khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ đối với các doanh nghiệp vận tải; xử lý quyết liệt các phương tiện vận tải vi phạm...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hai Bộ GTVT, Bộ Công an, Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đang tích cực triển khai kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Việc lập trạm cân lưu động kiểm soát xe quá tải tại QL5 qua Hải Phòng là hồi còi đầu, khởi động lại việc kiểm soát chặt tải trọng xe. Chiến dịch này hướng mạnh tới việc cảnh báo các chủ hàng, chủ xe và người lái xe thực hiện các quy định của pháp luật về tải trọng xe trên đường bộ. Việc xử phạt xe quá tải làm thật nghiêm cũng là một cách tuyên truyền rõ quyết tâm lập lại trật tự vận tải của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo kế hoạch của Bộ GTVT, tiếp theo lập 3 trạm cân lưu động, ngay trong năm 2013 sẽ tiếp tục đầu tư thêm 3 trạm cân lưu động nữa. Hai năm tới sẽ có 11 trạm cân cố định hiện đại và 67 trạm cân lưu động được thiết lập trên các tuyến QL. Kế hoạch dài hạn đến 2020 tầm nhìn đến 2030 về kiểm soát tải trọng xe cũng đã được Thủ tướng phê duyệt.

Xe vi phạm trên QL5 phải hạ tải mới được tiếp tục lưu hành.

P.V: Lưu lượng xe trên QL5 tại Hải Phòng rất lớn, khoảng 18.000 xe/ngày đêm, xe chở container cũng tới trên 6.000 xe/ngày đêm. Một cân lưu động hoạt động hết công suất muốn kiểm soát xe quá tải tại khu vực trọng điểm này làm sao tránh khỏi gây ùn tắc trên đường, thưa ông?

Ông Lê Đình Thọ:

Mục đích của chiến dịch trên QL5 là cảnh báo doanh nghiệp vận tải phải chuyên chở hàng hóa đúng với tải trọng quy định. Do đó chúng tôi đã thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về kiểm soát tải trọng trên QL5. Công văn cũng đã được Tổng cục Đường bộ VN gửi tới tất cả các doanh nghiệp XNK hàng hóa, các hiệp hội vận tải ô tô, thông báo về kế hoạch kiểm tra tải trọng xe và yêu cầu các đơn vị nắm rõ, thông báo tới các hội viên để thực hiện. Các cơ quan nhà nước đã nỗ lực thực thi chức trách, về phía các doanh nghiệp chúng tôi cũng yêu cầu có sự đáp ứng phù hợp. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng ùn tắc trên QL5.

Nâng cao ý thức chủ phương tiện

P.V: Trạm cân QL5 xử lý như thế nào với xe quá tải có kẹp chì của Hải quan? Hàng hóa đặc biệt dễ hư hỏng như hàng đông lạnh có buộc phải dỡ tải không? Hiện giới vận tải đang có kiến nghị chỉ xử phạt với quá tải tổng tải trọng, không phạt quá tải trục xe, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Đình Thọ:

Xe chở container kẹp chì, xe chở hàng đông lạnh quá tải lần đầu sẽ bị xử phạt và gửi thông báo cảnh cáo bằng văn bản ngay cuối mỗi ngày tới chủ hàng, chủ xe, lái xe. Tiếp tục vi phạm sẽ kiên quyết yêu cầu dỡ tải. Chủ hàng, chủ xe phải chịu chi phí dỡ tải. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm soát trọng tải ngay từ đầu nguồn hàng, nhà máy, từ cảng biển.

Tôi xin nhắc lại, đây là bước đầu chiến dịch kiểm soát tải trọng, chúng tôi sẽ tập trung kiểm soát tổng tải trọng với mục đích chính là làm cho chủ xe, chủ hàng và lái xe có ý thức về việc phải chở đúng tải. Quá tải trọng trục là một yếu tố rất cơ bản làm cho đường hư hỏng, song vấn đề này mang nhiều yếu tố kỹ thuật, cần làm rõ hơn trước khi đưa vào quy định.

P.V: Xin cảm ơn ông.

Phương Anh (Thực hiện)

Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH: Làm quyết liệt, nhân ra toàn tuyến

Trung tướng Đỗ Đình Nghị

Vì cần có kinh nghiệm thực tiễn để triển khai trên diện rộng, chúng tôi trước mắt thí điểm 1 trạm trên QL5.

Cuối chiến dịch này sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn tuyến và nhân rộng trên các tuyến đường bộ.

Rất nhiều tuyến đường bộ hiện nay như: QL1, 5, 8, 70... nếu không quyết liệt triển khai kiểm soát tải trọng, ngăn chặn xe quá tải thì đường vừa đầu tư sẽ hỏng sau chỉ 1 - 2 năm, TTATGT cũng rất nghiêm trọng.

P.A (Ghi)

Lạng Sơn: Yêu cầu xe quay đầu hạ tải

Chánh Thanh tra GTVT, Sở GTVT Lạng Sơn Nguyễn Ngọc Thiều cho biết, xe quá tải qua địa bàn tỉnh chủ yếu chở nông, lâm sản từ các cửa khẩu về các tỉnh dưới xuôi và ngược lại. Chính vì vậy trong khi các tỉnh khác chưa kiên quyết chặn xe quá tải thì Lạng Sơn bố trí cân tải trọng gần các bến bãi của tư nhân tại đường nối từ QL1A vào và từ cửa khẩu ra QL4A, Đường tỉnh 235. Nếu xác định các xe quá tải so với đường, Lạng Sơn yêu cầu lái xe quay đầu để hạ tải hoặc hạ tải vào các bến của tư nhân ngay cạnh nơi kiểm tra. Thống kê từ tháng 2/2012 đến nay, TTGT đã yêu cầu hơn 200 lượt xe quay đầu, gần 100 lượt xe hạ tải tại chỗ và xử lý phạt gần 30 trường hợp cố tình không chấp hành ở mức phạt cao nhất.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thiều cũng cho rằng quân số TTGT của địa phương còn mỏng, kết hợp với các lực lượng khác còn gặp nhiều hạn chế nên cũng chưa ngăn chặn triệt để tình trạng xe quá tải phá đường.

A.Đ

Bắc Giang: Thiếu phương tiện hạ tải

Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang Hoàng Văn Nguyên cho biết, hàng loạt tuyến đường tỉnh và quốc lộ qua địa bàn đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là các tuyến có nhiều xe chở quặng, đất đá như Tỉnh lộ 295, 292, 294. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các phương tiện chở quá tải gấp nhiều lần phá vỡ kết cấu nền, mặt đường. Trước thực trạng này, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với các lực lượng công an, chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tuần tra kiểm soát 24/24h.

Tuy nhiên, qua thực tế bộc lộ nhiều bất cập như thiếu bãi hạ tải, lực lượng mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng xe vi phạm trốn tránh và có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Bắc Giang cho biết cả năm ngoái, các lực lượng chức năng mới phát hiện, xử lý 4.300 trường hợp quá tải trọng quy định, tạm giữ 225 trường hợp và giữ GPLX hơn 3.000 trường hợp vi phạm...

V.A

Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng:
Ủng hộ nhưng xin lộ trình

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng ủng hộ việc kiểm soát tải trọng xe và kiến nghị đã làm phải làm thường xuyên liên tục, kiên quyết, tránh để hiện tượng xe chạy quá tải lặp lại và đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo trật tự ATGT.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải đã ký hợp đồng vận chuyển năm 2013 với khách hàng và để tránh ứ đọng hàng hóa tại Cảng Hải Phòng, ông Lê Văn Tiến đề xuất cơ quan quản lý xem xét cho phép có lộ trình xử phạt để tuyên truyền nhắc nhở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị phương tiện và các phương thức vận tải khác nhằm giải quyết hàng hóa với chủ hàng. Ông Tiến cũng đề nghị không xử lý các xe chở đúng tải trọng thiết kế cho phép của xe. Do đặc thù hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về đóng trong container có tải trọng phân bố không đều nên đề nghị không cân đầu trục và xử lý với các xe chở container hàng nhập nguyên chiếc mà chỉ cân và xử lý quá tổng tải trọng cho phép của xe.

T.M

Quảng Ninh: Xe vi phạm qua trạm cân giảm

Đại diện Trạm cân Quảng Ninh cho biết từ năm 2012, số lượng xe quá tải qua trạm cân giảm do nhiều lý do chủ quan và khách quan. Đầu tiên là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lượng hàng từ biên giới, từ cảng giảm mạnh do đó lượng xe qua QL18 cũng giảm theo.

Bên cạnh đó, ngay từ thời điểm đặt trạm cân, tỉnh Quảng Ninh nói chung, Sở GTVT nói riêng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền và phạt tiền nên chủ xe phải qua địa bàn đã có ý thức về việc xếp hàng đủ tải để khỏi bị phạt, hiện tượng san hàng ở hai đầu trạm cân để tránh bị phạt cũng đã giảm.

H.L

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/kinh-te/chuyen-quan-ly/201304/Ngay-dau-can-xe-qua-tai-tren-QL5-Nha-xe-mong-duoc-cong-bang-278186/