Ngày cuối năm, giá đào quất tụt thê thảm, thực phẩm tăng 'phi mã'

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, vào ngày 30 Tết, giá đào quất tại tại chợ hoa Quảng Bá, đường Hoàng Quốc Việt, đường Lạc Long Quân… đã giảm khoảng 30 – 40%, thậm chí có nơi còn “bán tống bán tháo” với giá giảm hơn một nửa. Tuy nhiên, trái với đào quất, các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là rau xanh lại tăng “chóng mặt” xuất phát từ tâm lý muốn tích trữ hàng hóa đủ đầy cho 3 ngày Tết Nguyên đán.

Ngày 30 Tết, giá đào quất tiếp tục giảm mạnh do lượng người mua không nhiều. (Ảnh: Khánh Linh)

Hàng năm, càng gần đến Mùng 1 Tết Nguyên Đán, giá đào, mai, quất lại hạ giá mạnh. Nhiều người bán còn cố bán đến đêm 30 để vớt được đồng nào hay đồng đó. Thậm chí chấp nhận chịu lỗ để bán thống, bán tháo “hàng tồn kho”.

Ghi nhận của phóng viên tại chợ hoa trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), số lượng người bán đào, quất còn rất nhiều, trong khi chỉ lác đác người ghé xem và mua. Đường phố khá thông thoáng và không xảy ra cảnh chen chúc, tắc nghẽn vì mua hàng.

Chị Thương – người bán đào ở khu vực này - cho biết: “Giá đào hôm qua đã rẻ hôm nay còn rẻ hơn. Cành đào cao hơn 1m mấy hôm trước còn được 150.000 đồng, hôm nay chỉ còn 70.000 đồng. Từ giờ đến chiều giá lại tụt nữa vì gấp rút quá rồi”.

Không những vậy, nhiều người mua còn lợi dụng điều này tranh thủ “ép giá” để tranh thủ sắm sửa chơi Tết. Anh Chiến Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Năm nào tôi cũng đợi đến sát Tết mới đi mua đào quất vì càng gần Tết càng rẻ. Tôi vừa mua một cây quất cỡ vừa chỉ với giá 50.000 đồng/cây”.

Trong khi giá đào quất tụt giảm mạnh thì giá rau quả, thực phẩm lại tăng “chóng mặt”. Ghi nhận của PV tại một số chợ trên địa bàn quận Cầu Giấy, giá rau xanh đắt gấp rưỡi so với ngày thường. Cụ thể, rau cần có giá 50.000 đồng/kg; một củ su hào cũng lên tới 15.000 – 20.000 đồng; bắp cải 30.000 đồng/cây khoảng 1kg, hoa lơ 20.000/cây cỡ nhỏ…

Tại nhiều khu chợ, giá rau quả, thực phẩm lại tăng “chóng mặt” .

Chị Phạm Thúy (Xuân Thủy, Cầu Giấy) nhẩm tính: “Để có một nồi lẩu tất niên, riêng tiền rau đã mất 200.000 – 250.000 đồng. Rau mùi, rau thơm hôm nay có khi phải đắt gấp 3 – 4 lần so với ngày thường”.

Các mặt hàng thịt giá cả cũng “nhích” mạnh. Cụ thể, giá thịt bò đắt hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg so với ngày thường. Giá thịt lợn cũng tăng dần đều. Đơn cử như ngày thường thịt nạc vai chỉ có giá 100.000 đồng/kg, nay tăng lên 150.000 đồng/kg. Móng giò ngày 30 Tết cũng lên tới 110.000 – 120.000 đồng/kg, tăng gấp đôi, thậm chí là gấp rưỡi ngày thường. Xương cục bình thường chỉ có giá 50.000/kg thì hôm nay người mua phải chấp nhận “rút ví” 140.000 đồng/kg. Sườn lợn cũng có chung mức giá này.

Tại các chợ dân sinh, giá cá chép tăng từ 50.000 – 60.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg, cá quả cũng tăng cao tới 120.000 – 130.000/kg. Một nải chuối đẹp để bày Tết cũng được người bán “hét giá” 200.000 – 250.000 đồng nhưng người mua đều phải chấp nhận. Theo ghi nhận, chỉ riêng có mặt hàng giò chả là giá cả không có sự thay đổi.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/ngay-cuoi-nam-gia-dao-quat-tut-the-tham-thuc-pham-tang-phi-ma-515856.bld