Ngày càng nhiều người trẻ không ưa Tết

Tết đến là khoảng thời gian người người đoàn tụ bên gia đình nhưng ngày nay, khi xã hội ngày càng hiện đại, liệu giới trẻ có đang quay lưng lại với những giá trị truyền thống vốn có?

Giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với Tết

Có thể bạn quan tâm

Cuộc sống hiện đại, đón Tết hiện đại

Nhiều bạn trẻ cho rằng, sinh ra và lớn lên trong thời bình đặc biệt là lúc đất nước ngày một hiện đại hơn thì người trẻ cũng nên bắt đầu thích ứng với một cái Tết hiện đại, nhẹ nhàng, không quá nhiều nghi lễ cầu kỳ.

Nguyễn Phương Anh (phố Thái Hà) chia sẻ: “Hiện giờ, ngày nào cũng có những thực phẩm truyền thống phục vụ cho Tết, không cần chờ đến Tết mới được thưởng thức, nên mình chơi Tết nhiều hơn ăn Tết”.

“Vì là năm đầu đi làm nên mình cũng không phụ giúp được nhiều cho gia đình trong khâu chuẩn bị, chủ yếu đã có mẹ lo hết. Trong Tết mình tranh thủ đi uống nước, tụ tập bạn bè, đồng nghiệp. Cả năm làm rồi, nên mấy ngày này chỉ muốn dành thời gian vui chơi’, Phương Anh nói thêm.

Cuộc sống của nhiều người dần bị cuốn vào vòng xoáy công việc nên dịp Tết thường là lúc nghỉ ngơi, vui chơi cùng bạn bè nhiều hơn gia đình. Theo Mạnh Hùng (quận Tây Hồ), người Việt đón Tết hiện đại là cách tiếp cận gần hơn với những giá trị thiết yếu của thời cuộc nhưng không có nghĩa là giới trẻ đang quay lưng với những giá trị truyền thống.

Tiếp lời Hùng, một bạn trẻ khác cũng cho rằng, gia đình, họ hàng có thể gặp mặt quanh năm vào các dịp cưới hỏi, ngày giỗ; còn những ngày Tết mọi người dành thời gian đi chơi, tụ tập cùng bạn bè chứ không nhất thiết phải đi gặp gỡ họ hàng.

Phố Tạ Hiện trong những ngày Tết. (Ảnh: Zing)

Đây là một hiện thực hết sức phổ biến ở các thành phố lớn, trong đêm giao thừa có rất nhiều bạn trẻ ra đường, hòa mình vào dòng người nhộn nhịp, thưởng thức màn bắn pháo hoa lung linh. Trong khi đó, rất ít người lại chọn cho mình cách đón giao thừa trọn vẹn bên gia đình.

Với cuộc sống hiện đại đầy đủ tiện nghi, vật chất, những bạn trẻ có nhiều sự lựa chọn cách đón Tết hơn. Có người chọn cách đi phượt cùng bạn bè, có người lại chọn vui chơi thâu đêm cùng đám bạn lâu ngày không gặp trên những con phố vốn sống về đêm.

Điển hình như trên con phố Tạ Hiện được mệnh danh là “phố đêm” của Hà Nội cũng phục vụ xuyên đêm trong những ngày Tết cổ truyền. Không lúc nào ngớt người qua lại, những chiếc ghế chật kín người, cả đêm rôm rả tiếng nói chuyện, cười nói của các bạn trẻ.

Theo như chia sẻ của một chủ cửa hàng trên con phố Tây này, lượng khách đến trong mấy ngày Tết thậm chí còn đông hơn ngày thường, đa số là các bạn trẻ, có những đám bạn còn ngồi đến tận sáng vì chưa dứt được câu chuyện dang dở.

Ngại gặp họ hàng vì hay bị hỏi

Khi giới trẻ ngày nay chọn cho mình cách đón Tết thâu đêm bên bạn bè hay đón Tết ngay trên những chuyến du lịch xa nhà, chắc hẳn phải có lý do!

“Năm nay công việc thế nào? Bao giờ lấy chồng, lấy vợ? Khi nào mới được lên lương?...” và rất nhiều câu hỏi khác nữa mà các cụ đặt ra khi gia đình xum vầy, gặp gỡ họ hàng khiến nhiều bạn trẻ đang dần “ngại” và trốn tránh những buổi đoàn tụ vốn rất đầm ấm.

Mai Linh (phố Nguyễn Trãi) - cô sinh viên vừa mới ra trường vẫn đang loay hoay tìm kiếm một công việc ổn định chia sẻ: “Tết đến, mình rất muốn được gặp gỡ họ hàng nhưng cứ hễ nghĩ tới là lại thấy ngại. Lúc đang học thì các cụ hỏi bao giờ học xong, ra trường định làm gì với cái ngành này; bây giờ học xong rồi các cụ lại nhắc khéo: con bé hàng xóm bằng tuổi đã có việc làm ổn định rồi đấy! Mới nghe thôi cũng thấy tủi thân!”.

Đây không phải là câu chuyện quá xa lạ với mỗi người trẻ mà có lẽ đó là thực trạng chung của rất nhiều người ngày nay khi chịu quá nhiều áp lực từ phía gia đình. Vì thế hiện nay, cứ mỗi dịp Tết các tour du lịch lại tăng lên đáng kể, chưa kể những chuyến du lịch phượt của không ít các bạn trẻ.

Lí giải về điều này, một bạn trẻ khác đưa ra quan điểm, họ ngại thực hiện việc thăm viếng nhau trong ngày đầu năm vì sợ nhắc tới những chuyện trong năm chưa làm tốt hoặc làm sai vì ái ngại, tự ti.

Hay như Phương Thảo (sinh viên Đại học Thăng Long) cho hay: “Chúng mình không bỏ những thứ thuộc về truyền thống nhưng nếu truyền thống mà không hợp thời, không hợp lý thì cũng khó thực hiện một cách trọn vẹn”.

“Tết là thời gian sum họp bên người thân nhưng cũng là lúc được nghỉ ngơi, tụ tập bạn bè. Vì vậy, mình rất mong các cụ hiểu cho lớp trẻ ngày nay”, Phương Thảo mong muốn.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/xa-hoi/ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-khong-ua-tet-287976.html