Ngày Tết, coi chừng ngộ độc do say xỉn

Rượu bia là món không thể thiếu trong các ngày vui như lễ tết… Tuy nhiên có nhiều người vui hết mình mà quá chén, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Bia rượu ngày tết - Ảnh: T.T.D.

Rượu bia gây nhiều ảnh hưởng trên cơ thể chúng ta.

Ngộ độc ethanol

+ Giai đoạn đầu của say rượu: vỏ não bị mất kiểm soát nên các biểu hiện sẽ là kích thích thần kinh như sảng khoái, phấn chấn, thích nói cười, thích la lối, dễ bị kích động, hung hăng... Và đây chính là nguồn gốc của những xung đột cãi vã không đáng có khi “rượu vào lời ra”.

+ Giai đoạn 2: rượu bắt đầu gây rối loạn thị giác (nhìn mờ, nhìn đôi), mất khả năng điều hòa, phối hợp các động tác của cơ thể làm đi đứng không vững, run tay chân. Đây là tiền đề cho những tai nạn tại nhà (tự té ngã gây chấn thương) hoặc tai nạn giao thông.

+ Giai đoạn 3: rượu có tác dụng như thuốc mê, gây hôn mê, rối loạn các chức năng tự động của cơ thể (giãn các mạch máu, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, tiêu tiểu không tự chủ).

+ Giai đoạn cuối: chết do suy hô hấp, trụy tim mạch.

Rượu bia gây viêm tụy cấp tính, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử tuyến tụy, gây xuất huyết trong ổ bụng hoặc gây nhiễm độc toàn thân dẫn đến suy nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể tử vong. Ngoài ra, rượu bia gây viêm gan cấp tính, làm vàng da trên những người khỏe mạnh gan hoàn toàn bình thường trước đó hoặc làm bùng phát viêm gan trên những người đã có bệnh gan tiềm ẩn trước đó mà không biết, dễ gây chết người.

Một chứng ngộ độc khác rất nguy hiểm là gây viêm loét dạ dày cấp tính. Dạng nặng gây viêm dạ dày thể xuất huyết làm xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn ra máu và đi cầu phân đen.

Các triệu chứng chính của ngộ độc rượu bia cấp tính: nôn ói, buồn nôn, không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài. Nói líu lưỡi, líu nhíu, gọi nhầm tên người. Nặng hơn là không thể đi lại được, không tự ngồi được, hôn mê, mất ý thức, gọi hỏi không biết, hạ thân nhiệt (người lạnh, tím tái), thở chậm, thở yếu, thậm chí ngưng thở.

Ngộ độc chất cồn methanol

Methanol là cồn công nghiệp được sử dụng nhiều trong đời sống như chất tẩy rửa, pha với sơn, pha với nước hoa, xăng dầu, dùng nấu bếp... Chất này là rượu được sinh ra trong quá trình chưng cất rượu với nguyên liệu có lẫn bã (gỗ) hoặc rượu không rõ nguồn gốc, rượu lậu có pha thêm cồn công nghiệp. Khi hấp thu vào cơ thể, chất này được biến chuyển thành hai chất rất độc là formaldehyde và acid formic (chính là phócmôn dùng để ướp xác và tẩy uế).

Độc tính của methanol chủ yếu trên thần kinh, nhất là thần kinh điều khiển thị giác.

Triệu chứng của ngộ độc methanol: biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện trễ sau 12 - 24 giờ uống rượu, dù uống không quá nhiều, với triệu chứng loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu. Tuy nhiên người bệnh rất thường rối loạn thị lực như: thị lực kém đi đột ngột, nhìn thấy các chấm sáng nhảy trước mặt hay thấy toàn tuyết trắng như mùa đông.

Nếu để lâu, bệnh nhân rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn các chất điện giải, tụt huyết áp và tử vong.

Sơ cứu

Trong trường hợp có người thân bị ngộ độc rượu, chúng ta cần nhanh chóng thực hiện một số thao tác sau:

- Cho bệnh nhân nằm ở phòng ấm, thoáng, tránh gió lạnh để tránh bị viêm phổi do lạnh. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt bệnh nhân nằm đầu thấp (nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái) để có thể nôn ra hết chất độc của rượu.

- Uống nhiều nước lọc để tránh mất nước và pha loãng nồng độ cồn trong cơ thể, giúp quá trình đào thải rượu được nhanh chóng: nên dùng nước ấm tốt hơn nước lạnh. Nên cho uống nước gừng tươi, nước trà xanh, nước cà chua, nước chanh, nước bưởi ép vì làm giảm bớt lượng cồn trong máu, đồng thời cung cấp thêm các khoáng chất có lợi cho cơ thể.

- Mỗi 2-3 giờ đánh thức người bệnh dậy cho ăn cháo loãng.

* Đặc biệt không nên: uống các loại nước giải khát hay nước tăng lực thông thường, đặc biệt nước có ga, vì làm tăng tốc độ hấp thụ rượu vào máu làm ngộ độc rượu nặng hơn. Dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, mật ong. Không để bệnh nhân tắm ngay vì dễ gây đột quỵ.

Chúng ta không nên uống bia rượu lúc đói vì rượu bia hấp thu vào máu rất nhanh khi dạ dày trống rỗng. Cần uống nhiều nước lọc trước, trong và sau khi uống rượu bia sẽ giúp pha loãng lượng rượu bia trong cơ thể của bạn. Không uống rượu bia chung với nước có ga vì sẽ làm rượu bia hấp thu vào cơ thể nhanh hơn và nhiều hơn. Ăn thêm các loại rau xanh và trái cây (cam, quýt, bưởi...) giúp giảm bớt nồng độ rượu trong máu.

Để hạn chế tối đa tác hại của rượu bia, chỉ nên uống 1 lần/ngày và giới hạn trong một lần uống chung vui tối đa là 4 đơn vị rượu đối với nam và 2 đơn vị rượu đối với nữ (1 đơn vị rượu chứa 10-12g ethanol tương đương với 1 lon bia hoặc một ly rượu mạnh khoảng 40ml, hoặc 1 ly rượu vang to khoảng 120ml). Một tuần chỉ nên uống tối đa 3 lần như thế.

Đừng để khổ do viêm tụy cấp

Căn bệnh viêm tụy cấp với một số biến chứng trầm trọng luôn âm thầm gia tăng trong những dịp lễ tết tại khoa tiêu hóa gan mật ở các bệnh viện.

Nguy hiểm không?

Tuyến tụy, hay theo dân gian gọi là “lá mía”, là cơ quan nội tạng nằm trong bụng của chúng ta ở phía sau dạ dày. Tuyến tụy có hai chức năng quan trọng đối với cơ thể: một là tiết ra chất insulin vào máu làm điều hòa lượng đường trong máu, giúp chúng ta không bị bệnh đái tháo đường; hai là tiết ra dịch tụy chứa nhiều loại men tiêu hóa xử lý các loại thức ăn chúng ta ăn vào biến thành những chất dinh dưỡng đơn giản nhất, từ đó ruột non mới hấp thu được những chất dinh dưỡng này vào máu.

Viêm tụy cấp xảy ra khi tuyến tụy bị tấn công bởi các nguyên nhân khác nhau, làm dịch tụy bị tiết ra ào ạt tràn ngập toàn bộ tuyến tụy và làm tuyến tụy bị hư hại. Bệnh thường gặp ở quý ông vì nguyên nhân chủ yếu do rượu bia (viêm tụy cấp do rượu). Tuy nhiên vẫn có thể gặp ở các quý bà và quý cô nếu béo phì và tăng mỡ máu. Bệnh viêm tụy cấp ở thể nhẹ không quá nguy hiểm, nhất là khi được chẩn đoán và điều trị sớm, nhưng ở thể nặng bệnh dễ gây chết người.

Thực tế làm việc chúng tôi ghi nhận ở những thể bệnh viêm tụy cấp nặng giai đoạn đầu thường bệnh nhân không đau nhiều, nên bệnh nhân có xu hướng nhập viện trễ lúc đã đau nhiều hoặc biến chứng nặng.

Rượu bia là nguyên nhân chủ yếu

Ngoài rượu bia, sỏi mật cũng là một nguyên nhân thường gặp gây bệnh viêm tụy cấp. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến là tăng mỡ máu (tăng chất triglyceride trong máu); bị tác dụng phụ của một số loại thuốc như: thuốc giảm đau kháng viêm, một số thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc có chứa chất estrogen (có trong thành phần một số loại thuốc ngừa thai); do nhiễm siêu vi trùng như quai bị.

Triệu chứng:

Thường bệnh xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn (đi ăn tiệc) hay sau một chầu nhậu. Đau bụng luôn là triệu chứng chính và nổi bật. Đau rất nhiều ở vùng bụng trên rốn, lan ra sau lưng, có khi đau lan khắp bụng. Đau tăng lên khi ho, vận động mạnh, thở sâu. Ngoài ra, bệnh nhân thường bị nôn ói kèm theo nhưng nôn ói xong bệnh nhân cũng đau như cũ, thậm chí còn đau nhiều hơn. Cảm giác sình chướng hơi khắp bụng, có sốt nhẹ.

Các triệu chứng báo hiệu bệnh ở thể nặng hoặc có biến chứng: sốt cao, khó thở, thở nhanh. Da mặt, da tay, da chân trở nên nhợt nhạt hoặc có màu tím. Tiểu ít, thậm chí không có nước tiểu...

Khi khám bệnh, nếu nghi ngờ bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu, nước tiểu và phát hiện nồng độ men tụy tăng cao. Ngoài ra các xét nghiệm về hình ảnh như siêu âm bụng và chụp CT bụng giúp chẩn đoán chính xác hơn.

Biến chứng nguy hiểm nhất là biến chứng suy đa cơ quan nội tạng trong thể viêm tụy cấp nặng, với tỉ lệ tử vong khá cao dù được điều trị tích cực: xuất huyết nội, suy hô hấp cấp, tràn dịch màng phổi, suy thận cấp, suy gan cấp, nhiễm độc toàn thân, tụt huyết áp, trụy tim mạch...

Để phòng ngừa bệnh, dù là tết nhất, mọi người cần ăn uống điều độ. Không nên ăn quá nhiều, ăn quá no. Không nên ăn quá nhiều thức ăn béo, chiên xào liên tục, nhất là ở những người mập phì, người có tiền sử sỏi mật. Và hạn chế uống rượu bia.

BÁC SĨ CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160203/ngay-tet-coi-chung-ngo-doc-do-say-xin/1048639.html