Ngành y tế không ngừng nâng cao trình độ, học tập, rèn luyện theo gương Bác Hồ (*)

LTS: Sáng 1/9, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức Lễ mit-tinh kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2/9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, nhớ lời dặn của Bác "Lương y phải như từ mẫu" và phải "Xây dựng nền y học nước ta: khoa học, dân tộc, đại chúng"... ngành y tế đã không ngừng nâng cao trình độ của y, bác sĩ, triển khai nhiều kỹ thuật mới... để nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó... Nhân dịp này, báo Sức khỏe & Đời sống xin trân trọng trích đăng bài phát biểu quan trọng của TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế tại lễ mit-tinh.

40 năm qua, cán bộ đảng viên ngành y tế đã luôn luôn thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời dạy quý báu của Người. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 64 năm Quốc khánh 2/9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhớ lời Bác dặn: "Lương y phải như từ mẫu", phải "Xây dựng nền y học nước ta: khoa học, dân tộc, đại chúng", trong 40 năm qua, ngành y tế đã khắc phục mọi khó khăn, không ngừng phấn đấu, thu được những thành tựu to lớn rất đáng tự hào, làm biến đổi một cách sâu sắc từ nhận thức tư tưởng cho đến tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động; từ chuyên môn, khoa học kỹ thuật cho đến nâng cao y đức; tạo niềm tin to lớn cho nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ coi trọng sức khỏe con người; xây dựng mối quan hệ thấm đẫm tính nhân văn cao cả giữa thầy thuốc và người bệnh. Sau khi Bác đi xa, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vẫn đang vô cùng khó khăn, quyết liệt. Với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, tăng cường nhân lực, vật lực, đào tạo cán bộ trong thời chiến dưới mọi hình thức, chăm lo sức khỏe cho nhân dân, phát triển hệ thống y tế phục vụ chiến trường miền Nam, cùng với cả nước, đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Mặc dù đã giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc, nhưng trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận về kinh tế của các thế lực thù địch, cùng với cả nước, ngành y tế lại tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả tàn dư của bao năm chiến tranh để lại như phòng chống dịch bệnh, xây dựng, phát triển các cơ sở y tế ở cả 2 miền, chăm lo sức khỏe cho thương binh, bệnh binh, cho nhân dân. Với quyết tâm và nỗ lực của cả ngành, chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả. Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những tác động của nền kinh tế thị trường, ngành y tế đã từng bước tháo gỡ khó khăn, đáp ứng được mong muốn ngày càng cao của người dân về chăm sóc sức khỏe. Xác định phương châm: Đa dạng hóa các hoạt động của ngành, xã hội hóa công tác y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, bao gồm một hệ thống các cơ sở y tế nhà nước, y tế tư nhân, hướng tới việc phục vụ nhân dân với số lượng nhiều hơn và chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn, công bằng hơn. Hệ thống bảo hiểm y tế được xây dựng; xã hội hóa công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua việc mở rộng hệ thống bệnh viện tư, phòng khám tư, nhà thuốc tư. Nhiều tổ chức cá nhân đứng ra thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, Nhà nước cấp thuốc miễn phí và thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo... Các chỉ tiêu sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá của cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nước ta đứng vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Công tác y tế dự phòng đạt được những kỳ tích: thanh toán, loại trừ nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước đây như bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, chặn đứng đại dịch bệnh SARS, H5N1 và đang kết hợp với các ngành triển khai phòng chống dịch cúm A/H1N1 có hiệu quả. Sức khỏe bà mẹ, trẻ em tiến bộ rõ rệt. Theo số liệu thống kê năm 2007, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi là 16%o, tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500g là 5,1%, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng ngày càng giảm. Tuổi thọ người dân tăng đáng kể, bình quân là 72,84 tuổi. Đến năm 2007, cả nước đã có 1.003 bệnh viện, 39 cơ sở điều dưỡng phục hồi chức năng, 825 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực, số giường bệnh công lập là 18,1 giường cho 10.000 dân. Điều đáng ghi nhận là chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không ngừng được nâng cao ở các tỉnh, thành phố. Các bệnh viện đều được trang bị các loại máy móc dùng trong chẩn đoán và điều trị hiện đại như máy cộng hưởng từ, máy CT Scanner, máy chụp mạch máu, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy cô-ban, máy siêu âm màu, máy xét nghiệm nhanh... Các công nghệ mũi nhọn của y học thế giới đang từng bước được ứng dụng ở nước ta như ghép tạng, mổ nội soi, mổ tim, mổ tách trẻ song sinh, thụ tinh nhân tạo... Bên cạnh các cơ sở y tế Nhà nước, một hệ thống y tế tư nhân đã bắt đầu hình thành, nhiều bệnh viện tư có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần làm giảm bớt sự quá tải ở các bệnh viện Nhà nước. Về đào tạo, chúng ta đã có một hệ thống các trường đại học y, dược phân bổ trên cả nước; mở nhiều trường đào tạo cán bộ y tế trung học y, dược, nha, đào tạo cán bộ có trình độ cử nhân, chuyên khoa I và II, bác sĩ nội trú bệnh viện, thạc sĩ và tiến sĩ y học. Từ chỗ chỉ có số ít cán bộ y tế vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, đến năm 2007 đã có trên 28 vạn cán bộ y tế, trong đó có 62.242 cán bộ đại học các loại và có trên 5.800 cán bộ sau đại học. Nếu như năm 1945, số bác sĩ tính theo dân số mới có 1 bác sĩ cho 220.000 dân thì đến năm 2007, đã có 1 bác sĩ cho 1.551 dân. Điều đáng khích lệ là đến cuối năm 2007, đã có 67,38% số xã có bác sĩ. Các cán bộ xã đều được hưởng trợ cấp hằng tháng do Nhà nước đài thọ, điều mà trước đây chúng ta hằng mơ ước. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Kế thừa và phát huy hiệu quả nhiều bài thuốc, phương thuốc dân gian; thành lập Học viện Y dược học cổ truyền, 57 viện và bệnh viện Y học cổ truyền, cả nước khám và chữa bệnh bằng Y học cổ truyền cho trên 30% bệnh nhân đến bệnh viện; đào tạo hàng nghìn bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, từng bước hiện đại hóa y học cổ truyền; trồng và di thực được nhiều cây thuốc quý, đóng góp nhiều kinh nghiệm cho các nước trên thế giới. Ngành dược và ngành trang thiết bị đã trở thành ngành kinh tế kỹ thuật. Chúng ta đã có 95 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, thị phần thuốc trong nước tăng nhanh, sản xuất được 50,2% giá trị sử dụng thuốc, góp phần ổn định thị trường. Các nhà máy của Việt Nam đã liên doanh liên kết với các nước sản xuất dụng cụ y tế thông thường, lắp ráp một số máy móc hiện đại. Mạng lưới y tế cơ sở đã được xây dựng rộng khắp cả nước, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã; từ đồng bằng trung du, các vùng xa xôi hẻo lánh đến tận biên giới hải đảo và đang mở rộng khắp thôn xóm bản làng với 11.544 trạm y tế xã, y tế cơ quan xí nghiệp. Nhờ mạng lưới đó, nước ta đã thực hiện được nhiều mục tiêu về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân của Tổ chức Y tế Thế giới đề ra. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban cán sự Đảng, Đảng bộ Bộ Y tế đã đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và giáo dục y đức cho cán bộ trong toàn ngành. Hầu hết các tổ chức cơ sở đảng trong ngành những năm qua đều đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém, vi phạm kỷ luật đảng. Các cán bộ y tế đã mang hết tâm trí nghị lực để chăm lo sức khỏe cho người dân, thương yêu quý trọng người bệnh và sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì sức khỏe nhân dân. Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức y tế và 12 Điều y đức do Bộ Y tế ban hành đã thực sự trở thành những chuẩn mực văn hóa và là tiêu chuẩn đạo đức cho mỗi cán bộ làm công tác y tế. Triển khai Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế đã cử hàng loạt cán bộ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là quan tâm đến các đối tượng nhân dân nghèo, vùng sâu, vùng xa; Vừa từng bước tạo sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước, vừa đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân địa phương. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện những lời dạy thiêng liêng của Bác, ngành y tế đã xác định rõ nhiệm vụ chiến lược của ngành trong từng thời kỳ và hướng đi phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước. Trong giai đoạn cách mạng mới, ngành y tế tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động phong trào thi đua toàn ngành học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, đưa sự nghiệp y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân lên tầm cao mới; Tăng cường hợp tác quốc tế về y tế, đón đầu những thành tựu về khoa học công nghệ của thế kỷ XXI, phấn đấu tiến kịp các nước trong khu vực, hội nhập với nền y tế của thời đại, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân đã dành cho ngành y tế cách mạng Việt Nam. Thông qua Đề án 1816 bác sĩ tuyến dưới được tiếp cận với nhiều kỹ thuật cao do bác sĩ tuyến trên chuyển giao. Thực hiện lời dạy của Bác và những di huấn trong bản Di chúc thiêng liêng, triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận, chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát triển đội ngũ cán bộ y tế "vừa hồng vừa chuyên", có khả năng đảm đương các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới. Ban cán sự Đảng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy trong toàn ngành tăng cường công tác xây dựng Đảng, triển khai có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và giáo dục y đức, thực hiện nghiêm túc phê bình và tự phê bình trong cán bộ đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra Đảng, xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng, quyết tâm xây dựng 100% cấp ủy Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, phương thức lãnh đạo khoa học, đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân bằng những việc làm thiết thực, hằng ngày; tập trung giải quyết dứt điểm những khiếu nại, thắc mắc chính đáng của nhân dân; kiên quyết loại bỏ căn bệnh vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch gây khó dễ cho người dân. Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ y tế, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp như: thực hiện cải cách hành chính, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa trong ngành y tế, phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong toàn ngành... TS. Nguyễn Quốc Triệu Bộ trưởng Bộ Y tế Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của ngành y tế (*) Đầu đề do tòa soạn đặt

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20090903041427432p0c61/nganh-y-te-khong-ngung-nang-cao-trinh-do-hoc-tap-ren-luyen-theo-guong-bac-ho-.htm