Ngành rượu bia nước giải khát: Tăng năng lực hội nhập

(VEN) - Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, DN trong ngành rượu bia nước giải khát vẫn nỗ lực vượt qua và dự báo sẽ đạt kết quả khả quan trong năm 2011. Hơn nữa, nhiều thương hiệu lớn của ngành còn có kế hoạch mở rộng thị trường trong nước, tăng hoạt động xuất khẩu và phấn đấu lọt vào top cao trong các nước khu vực cũng như thế giới về lĩnh vực rượu bia, nước giải khát.

Những kết quả khả quan Trong 6 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn như tình hình thời tiết bất lợi, mưa rét kéo dài, lạm phát, giá cả tăng, kinh tế trong nước nhiều bất ổn… đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, nên nhu cầu tiêu thụ bia nói riêng, các mặt hàng đồ uống nói chung giảm so cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực phấn đấu, DN trong ngành rượu bia nước giải khát đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong các tháng đầu năm. Theo số liệu thống kê, 7 tháng đầu năm sản lượng các loại bia ước đạt gần 1,5 tỷ lít (tăng 8,7% so cùng kỳ), dự kiến sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong năm 2011 sẽ đạt gần 3 tỷ lít (tăng khoảng 20% so năm 2010). Habeco (Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Hà Nội), trong 6 tháng đầu năm tiêu thụ bia mang thương hiệu Hà Nội đạt 177 triệu lít (tương đương cùng kỳ năm 2010), bia chai 450 đạt 120,8 triệu lít, bia lon, bia chai 330 và bia hơi đều đạt cao hơn so cùng kỳ 2010 lần lượt là 12,8%, 5,1% và 8,9%. Sabeco (Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn) dự kiến sẽ tiêu thụ sản phẩm trong năm 2011 là 1,3 tỷ lít, năm 2015 sẽ là 2 tỷ lít. Tân Hiệp Phát luôn có sản lượng nước giải khát các loại tăng trưởng bình quân từ năm 2007 đến nay là 10%/năm. Sản lượng sữa các loại của Vinamilk dự kiến có doanh số là 1 tỷ USD trong năm 2011… Theo các chuyên gia, sẽ có nhiều thuận lợi cho DN trong ngành vào những tháng cuối năm và đây được xem là mùa vụ của ngành đồ uống nhờ thời tiết nắng nóng của những tháng cuối hè, nhu cầu tăng cao từ các lễ hội lớn, tết trung thu, tết nguyên đán… Dự báo các sản phẩm đồ uống sẽ được tiêu thụ mạnh trong các tháng tới là đồ uống có lợi cho sức khỏe, sản phẩm bia cao cấp, sản phẩm rượu vang, rượu công nghiệp chất lượng cao thay thế rượu thủ công chất lượng thấp. Bên cạnh đó, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cũng đang là cơ hội cho DN ngành đồ uống phát triển thị trường trong nước. Nhiều thương hiệu trong ngành đã tận dụng cơ hội này để quảng bá, nâng cao thương hiệu, đạt doanh thu cao. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, đây là cơ hội mà DN phải biết tận dụng và là cơ hội lớn chưa từng có làm thay đổi nếp nghĩ người tiêu dùng trong nước chuyển sang dùng hàng Việt Nam. Ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nhận định, cuộc vận động là một sức mạnh lớn, giúp DN yên tâm, không cảm thấy đơn độc trong chiếm lại thị trường trong nước. Theo nhận định của các DN, với năng lực sản xuất hiện nay, ngành đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2011 và cả cho các năm tiếp theo. Đạt top cao khu vực và thế giới Một sự kiện đáng được chú ý trong ngành là thời gian gần đây có nhiều thương hiệu lớn gấp rút xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường trong lẫn ngoài nước và đạt top cao trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực rượu bia, nước giải khát Sabeco với thương hiệu bia 333, Saigon Special, Saigon Export, Saigon Lager..., bên cạnh việc tiếp tục giữ vững thị phần trong nước, sẽ nỗ lực tăng thêm sự có mặt của sản phẩm ở nhiều nước trên thế giới. Do đã xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14001:2004, HACCP RvA, đầu tư mạnh vào các chương trình marketing hiện đại, nên thương hiệu Sabeco đã vươn lên thứ 21 trong số các nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới và nằm trong top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Giám đốc Sabeco, ông Nguyễn Quang Minh cho biết, Sabeco hoàn toàn tin tưởng trong tương lai không xa, các dòng sản phẩm bia Saigon sẽ tăng có mặt ở nhiều quốc gia, đến năm 2015 Sabeco sẽ nằm trong top 2 tại khu vực Đông Nam Á và đến năm 2025 sẽ trở thành tập đoàn công nghiệp đồ uống hàng đầu quốc gia. Habeco cũng khẳng định vị thế và lớn mạnh của một DN ngành đồ uống trong top hàng đầu Việt Nam qua việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ như nâng cao, khuếch trương thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, triển khai các dự án đã được khởi công từ những năm trước. Vinamilk với trên 200 mặt hàng sữa, sản phẩm từ sữa như sữa đặc, sữa bột cho trẻ em và người lớn, sữa tươi, sữa chua uống , sữa chua ăn, sữa đậu nành… qua công nghệ sản xuất, chế biến không thua bất cứ một DN nào trên thế giới, có kế hoạch đến năm 2017 lọt vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD/năm. Vinamilk còn từng bước thực hiện việc mở rộng thị trường nước ngoài, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Campuchia, Lào, Philippines, khu vực Trung Đông... Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát với nhãn hiệu number one, trà xanh không độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nhãn hiệu sữa đậu nành cao cấp number one soya... tiếp tục khẳng định vị thế và phát triển mạnh hơn ở thị trường trong nước. Ngoài ra, theo Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương, một trong những quan điểm phát triển của ngành là huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế dưới mọi hình thức để đẩy mạnh sản xuất bia, rượu, nước giải khát đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội; đồng thời kêu gọi các đối tác nước ngoài đến Việt Nam hợp tác - liên kết - liên doanh mở rộng hoạt động và thu lợi nhuận. Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương cho rằng, thông qua các liên kết, DN trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm quản lý, sản xuất, tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiếp cận được nguồn vốn bổ sung cho nguồn vốn trong nước. Việc hợp tác với các thương hiệu lớn trên thế giới còn giúp DN ngành đồ uống Việt Nam nâng cao vị thế và thương hiệu trên trường quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ năm 2012, khi thuế các loại bia nhập khẩu còn dưới 35% theo cam kết WTO, DN trong ngành sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mới, đó là cạnh tranh về giá. Vì thế ngay từ bây giờ DN cần chủ động rà soát lại mọi hoạt động để giảm chi phí sản xuất, từng bước hạ giá thành nhằm nâng sức cạnh tranh về giá cho sản phẩm; đồng thời bớt cạnh tranh với nhau và nên hợp tác, đoàn kết để hình thành một tập đoàn vững mạnh đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài./. Ngọc Long

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/nganh-ruou-bia-nuoc-giai-khat-tang-nang-luc-hoi-nhap_t77c440n24119tn.aspx