Ngành Xây dựng hội nhập

LTS: Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc quá trình đàm phán và sẽ được các nước thông qua trong thời gian tới, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực… Chưa khi nào Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Việt Nam sẽ có những cơ hội như nào cũng như đứng trước các thách thức ra sao, Báo Xây dựng xin giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Ngành xây dựng hội nhập” với các phân tích ở nhiều khía cạnh.

Việt Nam hiện mới chỉ có 9 KTS được công nhận là KTS ASEAN trong khi toàn khu vực đã có trên 1.000 KTS ASEAN.

Giới tư vấn kiến trúc: Cơ hội tuyệt vời

Trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nghề kiến trúc là 1 trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển. Với Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ đối với các dịch vụ kiến trúc, tư vấn kỹ thuật, quy hoạch và kiến trúc cảnh quan đô thị, xây dựng… Và cùng với 11 nước khác, Việt Nam cũng đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vậy là giới KTS Việt Nam đang và sẽ phải đứng trước sự cạnh tranh gay gắt. Trong “cuộc chơi” này, đâu là cơ hội, đâu là thách thức?

“Cơ hội tuyệt vời”

Trả lời câu hỏi trên, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia (VIUP) Ngô Trung Hải cho rằng: “Hội nhập là một cơ hội tuyệt vời”. Bằng chứng là qua các dự án hợp tác nước ngoài, các cán bộ của VIUP đã dần dần nâng cao trình độ. Cách suy nghĩ, vẽ, đặt vấn đề… trong các đồ án quy hoạch của cán bộ VIUP đã nâng lên được một bước.

KTS Ngô Trung Hải cho biết: Trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, thiết kế công trình, thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan thì VIUP là thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Các đối tác quốc tế khi muốn thực hiện các loại hình đồ án nói trên ở Việt Nam, đều tìm đến VIUP hợp tác. VIUP đã ký biên bản ghi nhớ với nhiều đối tác quốc tế. Và trên thực tế triển khai, đến 2015, VIUP đã hợp tác với tư vấn Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore, Hà Lan, Thụy Sỹ… thực hiện hơn 10 đồ án đô thị chung đô thị, quy hoạch vùng, quy hoạch đặc thù. Ngoài ra, VIUP cũng “chiến đấu ác liệt” và giành được thành công trong nhiều đồ án, dự án nghiên cứu quốc tế…

Điều đặc biệt là trong các dự án hợp tác quốc tế, tư thế và đẳng cấp của VIUP đã khác. VIUP sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ, không còn đóng vai trò người làm thuê, vẽ lại ý tưởng của tư vấn quốc tế. Giờ đây, VIUP đã ngang hàng cùng chuyên gia quốc tế trong công tác xây dựng ý tưởng, triển khai đồ án…

Cũng với tinh thần sẵn sàng hội nhập, KTS Lê Trương - Giám đốc Cty Tư vấn Kiến trúc Xây dựng TT - As (TT - Associates) - nhận định: Hiệp định TPP không hẳn là một cơ hội hay cái gì đó đột phá cả. Bởi từ nhiều năm nay, trong quá trình phát triển đất nước, với nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều nhà tư vấn ở nước ngoài. Đó là cơ hội rất tốt cho các tư vấn Việt Nam. Chỉ có điều, lúc đó, sự nhạy bén của đơn vị tư vấn Việt Nam chưa nắm bắt được. Nhưng đây là thời điểm rõ nét, chúng ta thấy sự thúc đẩy mạnh mẽ trong việc hội nhập giữa các nước trong khu vực.

Theo KTS Lê Trương, đất nước hội nhập đem lại nhiều thời cơ phát triển. Nhiều dự án về xây dựng, đô thị được mở ra. Các đơn vị tư vấn có thêm cơ hội việc làm tốt. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đi cùng họ các đơn vị tư vấn quốc tế để làm các sản phẩm thiết kế. Đó là cơ hội tốt để các tư vấn nước ngoài và tư vấn trong nước hợp tác với nhau...

KTS Hoàng Thúc Hào - KTS trưởng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 cũng cho rằng hội nhập đem đến sức cạnh tranh lớn nhưng cơ hội cũng lớn hơn. Trong ngôn ngữ kiến trúc thế giới nói chung, các KTS Việt Nam có thể mạnh ở những công trình nhỏ, công trình về nông thôn, công trình có tính văn hóa của Việt Nam.

“Chơi” theo luật quốc tế nếu không sẽ bị lấn át

Cùng với cơ hội, hội nhập cũng đem đến cho giới tư vấn kiến trúc Việt Nam những thách thức. Theo KTS Hoàng Thúc Hào, khác trước đây, giờ đây giới làm nghề chịu sự cọ sát, đối diện với thách thức sát sườn và mạnh. Trong quá trình cọ sát, các KTS sẽ bộc lộ các yếu điểm nhưng cũng như phát hiện ra những cơ hội nào đó. Do vậy, những đơn vị tư vấn, KTS có năng lực, tỉnh táo cố gắng có những hành động nhanh, kịp thời và cũng phải chuẩn bị những kế hoạch dài hạn để hội nhập hiệu quả.

KTS Hoàng Thúc Hào phân tích: Khi hội nhập, tư vấn Việt Nam sẽ phải đối diện với một số vấn đề. Thứ nhất, nội lực, năng lực của đơn vị tư vấn. Thứ hai là phương thức làm việc chuyên nghiệp. Thứ ba, chính là khía cạnh kỹ thuật và công nghệ. Trong kiến trúc, vai trò của kỹ thuật, công nghệ rất lớn. KTS Việt Nam cần phải nghiên cứu, đổi mới, áp dụng công nghệ mới vào sản phẩm của kiến trúc. “Tôi cũng phải đối diện với những thách thức đó và cũng phải cố gắng” - KTS Hào nói.

KTS Lê Trương cũng cho rằng với Hiệp định TPP, chúng ta phải theo luật chơi chung, luật quốc tế mà ở đó tất cả mọi người cùng bình đẳng. Đây là thách thức vô cùng lớn. Nếu các tư vấn của Việt Nam không hiểu được sự quan trọng của cuộc “cách mạng” hội nhập để mà thay đổi chính mình thì sẽ không tồn tại được. Các đơn vị tư vấn nước ngoài sẽ lấn át tư vấn nội và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường…

Tự tin vươn ra quốc tế

Cơ hội và thách thức rõ ràng như vậy nhưng câu hỏi đặt ra là KTS sẽ phải làm gì? KTS Lê Trương tỏ ra rất tự tin: Khoảng 15 năm nay, chúng tôi đã có cơ hội được làm việc với các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư nước ngoài. Chúng tôi hình thành phương thức hợp tác hiệu quả từ rất lâu. Chúng tôi cũng đã nhận ra điểm yếu và những lợi thế của chúng tôi là gì để kịp thời điều chỉnh. Đến thời điểm này, chúng tôi hiểu rõ cần làm những gì.

1 trong 9 KTS Việt Nam được công nhận là KTS ASEAN, Giám đốc TT- Associates Lê Trương chia sẻ: Điều thuận lợi là khi đi ra các nước trong khu vực, các KTS ASEAN Việt Nam sẽ được hoạt động, hành nghề công bằng như các KTS trong khu vực. Chúng tôi được bình đẳng trao đổi, được ký các bản vẽ công trình thiết kế sẽ được xây dựng trong khu vực. Chứng nhận KTS ASEAN cũng tạo điều kiện cho chúng tôi khi đi ra các nước trong khu vực mở văn phòng, làm việc, kết nối và liên doanh với các đơn vị tư vấn trong khu vực...

KTS Lê Trương cho biết: Trong khoảng 2 năm tới, TT- Associates sẽ nghiên cứu, chuẩn bị và có thể vươn tới những thị trường có tính khả thi cao như Myanma, Lào, Campuchia…

KTS Hoàng Thúc Hào thì chia sẻ kinh nghiệm: Tham gia các giải thưởng quốc tế là một cách vươn ra, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả. Đồng thời đây cũng là một cách PR cho chính các KTS. “Tôi tin rằng sau những giải thưởng, KTS sẽ nhận được nhiều việc, ít nhất là ở phần ý tưởng công trình”. Còn đối với các KTS dự thi bằng những công trình đã xây dựng thì sau các cuộc thi, họ sẽ có một “lever” (trình độ) quốc tế. Bởi họ đã được rèn luyện thói quen, tầm nhìn, nhận thức… ở trình độ quốc tế.

KTS Hoàng Thúc Hào cho biết: Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ vươn ra thị trường tư vấn ở nước ngoài. Mới đây, tháng 10/2015, chúng tôi vừa khánh thành công trình Trung tâm Hạnh phúc ở Butan.

Còn KTS Ngô Trung Hải thì cho rằng: Phương pháp quy hoạch của Việt Nam chưa hoàn toàn phù hợp với tư duy quốc tế, với phương pháp làm quy hoạch trên thế giới. Do vậy, VIUP đang nỗ lực đổi mới và đề xuất đổi mới phương pháp, quy trình quy hoạch theo hướng đơn giản, hiệu quả, linh hoạt hơn, rút ngắn thời gian và tiết kiệm kinh phí lập quy hoạch hơn…

Hòa Bình

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/nganh-xay-dung-hoi-nhap.html