Ngành Tòa án với nhiều giải pháp tích cực sẽ được triển khai trong năm 2014

Báo cáo công tác năm 2013 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của ngành TAND được Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trình bày tại phiên họp thứ 21 UBTVQH hôm nay 17/9...

Nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao

Tại phiên họp, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC trình bày báo cáo công tác ngành TAND đã đạt được trong năm 2013. Theo đó, toàn ngành đã giải quyết được 270.100 vụ án các loại trong tổng số 356.650 vụ án đã thụ lý; số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn luật định. Số vụ án thụ lý và giải quyết đều tăng so với năm 2012.

Mặc dù số lượng các loại vụ án tăng trên 30.000 vụ nhưng với việc chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và tổ chức thực hiện quyết liệt trong toàn ngành nên công tác xét xử, giải quyết các loại vụ án trong thời gian qua tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết các vụ án đều được giải quyết, xét xử trong thời hạn luật định, các vụ án hình sự cơ bản được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Tòa án cũng đã tiến hành rà soát và phối hợp với VKS, cơ quan thi hành án để có biện pháp xử lý ngay đối với các trường hợp án tuyên không rõ ràng đã thành nền nếp trong toàn ngành... Với 7.361 phiên tòa lưu động được các Tòa án xét xử tại các địa phương trong năm 2013 đã thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo ngành TAND, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tặng bằng khen cho các cá nhân và đơn vị có thành tích xuất sắc

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác tư pháp, ông Nguyễn Sơn cho biết, hoạt động của ngành TAND đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác. Về cơ bản đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết đã đề ra như: Tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đẩy mạnh việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; làm tốt công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức.

Một số chỉ tiêu mặc dù chưa đạt 100% so với yêu cầu của Nghị quyết số 37 nhưng những lĩnh vực công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực về cơ bản so với năm 2012 như: Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm 0,3% (chỉ tiêu là 1%); tỷ lệ trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra bổ sung được chấp nhận là 91% (yêu cầu là khắc phục triệt để việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ)… Vậy nên, trong thời gian tới, ngành TAND sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CCTP nói chung và Nghị quyết số 37 của Quốc hội nói riêng.

Nhiều mục tiêu quan trọng được đặt ra

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cũng cho biết, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của ngành trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 37 của Quốc hội đã đề ra, năm 2014, các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành TAND sẽ tập trung vào các lĩnh vực. Cụ thể là: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và CCTP, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành với việc thực hiện các yêu cầu của CCTP, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 37 của Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội; xây dựng cơ chế và thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại về tố tụng, đơn tố cáo cán bộ và đặc biệt là các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; khắc phục triệt để tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đặc biệt, ngành TAND sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp về tổ chức cán bộ để bổ sung cán bộ, Thẩm phán cho các đơn vị trong toàn ngành, nhất là các TAND cấp huyện và các đơn vị có số lượng lớn các vụ án phải giải quyết. Cùng với đó, ngành TAND làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án trong sạch, vững mạnh; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp nhằm đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án. Ngành TAND cũng cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành ở Tòa án các cấp theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm công tác đối với từng cấp Tòa án, từng bộ phận, cá nhân trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành TAND” theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng…

Thẩm tra báo cáo của TANDTC, Chủ nhiệm UBTPQH Nguyễn Văn Hiện đã đồng tình với những kết quả mà ngành Tòa án đã nỗ lực đạt được trong năm 2013. Báo cáo đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, phản ánh đầy đủ, trung thực các mặt công tác, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và xử lý tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, sự phát triển kinh tế của đất nước. Các vụ án đều được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.

Chủ nhiệm UBTPQH cũng đã lưu ý thêm, ngành Tòa án cần tập trung cao hơn nữa vào công tác chuyên môn, xây dựng ngành và các công tác khác, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội và công tác CCTP trong thời gian tới.

Quốc Huy

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/thoi-su/thoi-cuoc/nganh-toa-an-voi-nhieu-giai-phap-tich-cuc-se-duoc-trien-khai-trong-nam-2014-30566.html