Ngân hàng người

Hơn nửa thế kỷ qua, y học có những bước tiến bộ vượt bậc. Sau khi tìm ra những chất khống chế được hệ miễn dịch để ngăn chặn hiện tượng đào thải các "vật thể lạ" ra khỏi cơ thể, người ta đã cấy ghép được cơ quan còn lành mạnh của người này sang thay thế cho cơ quan đã hư hỏng phải thải bỏ của người khác.

Lịch sử y học đã ghi nhận những mốc quan trọng: năm 1905 - ghép giác mạc, 1954 - ghép thận, 1966 - ghép tụy, 1967 - ghép tim, 1987 - ghép phổi, 1998 - ghép tay, 2005 - ghép mặt, 2008 - ghép buồng trứng. Truyền máu và ghép tủy sống là những trường hợp đặc biệt, sau đó "vật được ghép" (hiểu theo nghĩa rộng là cả máu) tự sinh sôi. Các nhà phẫu thuật có thể chỉ lấy mô (giác mạc, van tim, da, xương...), một phần tạng ở những người đang sống (thận, gan...) mà sau khi cho đi họ vẫn sống bình thường, hoặc toàn bộ tạng (tim, phổi...) ở những người chết đột ngột hoặc những người đã chết tình nguyện hiến xác từ trước để ghép cho những người bị bệnh. Nhờ vậy đã cứu được mạng sống cho rất nhiều người. Những "ngân hàng cơ thể" ra đời Nhu cầu những mô và cơ quan nội tạng thay thế của người bệnh là rất lớn, buộc phải ra đời những cơ sở cung cấp, cứ tạm gọi là những "ngân hàng cơ thể". Gọi chung như vậy vì chúng không chỉ là những cơ quan nội tạng như ta thường hiểu. Có thể là máu, là tinh trùng, là một đoạn cuống rốn, là một vạt da, một mẩu giác mạc... Nói chung những thứ gửi vào "ngân hàng" đều có xuất xứ từ cơ thể người. Nhu cầu những "mặt hàng" (lại một lần nữa thuật ngữ là thiếu chính xác) rất lớn. Trong gần 7 tỉ "bộ máy người" trên trái đất này luôn có những bộ phận rệu rã, hư hỏng cần phải thay thế. Ở Mỹ hiện có hơn 100.000 bệnh nhân cần được ghép tạng, hơn 80.000 người trong số này cần ghép thận, hơn 15.000 người cần ghép gan, gần 3.000 người cần ghép tim, gần 2.000 người cần ghép phổi... Thế nhưng chỉ gần 3.000 người được thỏa mãn, và 3.000 đến 4.000 người bị chết trong sự chờ đợi khắc khoải mà không nhận được người nào có lòng tốt cho mình thứ quý giá đối với cuộc sống của mình. Có những thứ người hảo tâm có thể cho một cách dễ dàng (nhưng thường chỉ giữa những người thân thiết trong gia đình) nhưng có những bộ phận chỉ lấy được từ người chết đột tử hoặc chết não như tim, phổi... Đó là chưa kể người ta có thể cho nhau một ít máu, vài phân khối tinh trùng hoặc một vài quả trứng. Ngân hàng đảm nhận vai trò trung gian giữa người cho và người nhận. Nếu không có ràng buộc nào, ngân hàng sẽ "phân phối" sao cho hợp lý và thỏa đáng nhất. Theo luật pháp, những "ngân hàng cơ thể" tuyệt đối không được phép dính dáng đến kinh doanh mà thường là những tổ chức từ thiện hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học hoặc các bệnh viện - nơi có chuyên môn và hiểu hơn ai hết người nào có tạng hợp với người nào, ai cần ghép trước, ai có thể chờ đợi thêm chút nữa. "Ngân hàng người" làm những gì? Việc làm của "Ngân hàng người" hết sức phức tạp, đòi hỏi chuyên môn rất sâu. Khâu đầu tiên - "đầu vào" - là làm thế nào có "hàng". Khâu này thường do một tổ chức từ thiện thực hiện. Người ta vận động kêu gọi mọi người, vì từ tâm của mình, vì tình thương yêu đồng loại có thể cho một bộ phận nào đó mà việc hiến tặng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ở nước ta ai chẳng chứng kiến "Ngày hội hiến máu nhân đạo" do Đoàn Thanh niên làm nòng cốt. Người cho và người nhận hoàn toàn không quen biết nhau - đó là điều đặc trưng nhất của những "ngân hàng người". Những tổ chức từ thiện này còn vận động mọi người tình nguyên hiến xác và nội tạng sau khi qua đời hoặc chết đột ngột như một nghĩa cử từ thiện, tặng lại món quà sống cho những người không quen đang lâm trọng bệnh. Tiếp đó là những việc hoàn toàn chuyên môn của ngành y học. Làm thế nào để "nuôi dưỡng", bảo quản "món quà tặng" ấy, nhiều khi trực tiếp từ người cho đến người nhận. Khi người tình nguyện hiến xác bị chết hoặc đột tử do tai nạn, nhân viên ngân hàng phải có mặt trong vòng 2 giờ để tiếp nhận (gọi là chết não, máu không lưu thông lên não, tim ngừng đập). Nếu có điều kiện họ bơm máu và oxi vào các nội tạng để được "tươi" lâu hơn, xét nghiệm cấp tốc bệnh tật (nếu có), tách sơ bộ từng bộ phận, ướp nước đá khô rồi đưa bằng máy bay về nơi bảo quản (ngân hàng tạng). Tại đây người ta sẽ phân loại tỉ mỉ, tiệt trùng cẩn thận sau đó theo kế hoạch phân phối cho những người có nhu cầu với chi phí vừa đủ để xử lý, gìn giữ. Tuy nhiên vì công việc ấy quá phức tạp, liên quan đến sức khỏe con người nên chi phí khá cao. Ví dụ một sợi gân đầu gối 2.500 đôla, khớp gối 4.000 đôla, van tim 7.000 đôla. Có những công ty công nghệ sinh học còn chế biến tiếp để việc sử dụng được thuận lợi, chẳng hạn từ da người vừa chết, họ làm thành những mảnh da tiêu chuẩn 3x3cm, giá 4.000 đôla để cấy ghép lên mặt cho những người bị bỏng axit. Song nên nhớ rằng hầu như các nước đều nghiêm cấm việc cho - nhận tạng vì mục đích thương mại. "Ngân hàng cơ thể người" tuyệt đối không có mục đích kinh doanh như các ngân hàng tiền tệ. Người hiến tạng, họ là ai? Những người hiến một phần cơ thể (thí dụ hiến một phần lá gan, một quả thận...) thường chỉ xảy ra giữa những người thân trong gia đình như giữa cha mẹ, con cái, bạn bè với tình cảm sâu đậm. Nhiều trường hợp những nhân vật quan trọng, những nhà lãnh đạo, những nghệ sĩ được ái mộ có những fan thân thiết cũng có thể nhận được nội tạng của nhiều người. Luật pháp nhiều nước không chấp nhận nội tạng của những người tự sát, bị giết hoặc những tử tù. Ở những nước trình độ dân trí cao, lại không bị ràng buộc bởi những quan điểm mê tín dị đoan về linh hồn, tiền kiếp, hậu kiếp, số người tự nguyện hiến xác rất đông. Chẳng hạn ở Anh luôn có 1.450.000 người, Đức có 1.500.000 người, riêng bang illinoise (Mỹ) 4.500.000 người, bang Florida 2.700.000 người. Nhiều nước châu Ây tỷ lệ người tình nguyện hiến xác là trên 20 người trong 1 triệu người, ví dụ Tây Ban Nha là 24, Áo - 24.8, Pháp 22.2... Hàng năm ở Mỹ có 10.000 đến 14.000 người chết đủ điều kiện hiến xác nhưng chỉ khoảng 4.000 - 5.000 tình nguyện. Việc hiến xác ở những nước này, sau khi đăng kí và được chấp nhận sẽ dược ghi ngay lên tấm bằng lái xe mang theo người của họ (vì hầu hết ai cũng có bằng lái xe, thay cho chứng minh thư) để rủi có chết vì tai nạn giữa đường thì tạng của họ vẫn được sử dụng kịp thời và có hiệu quả. Để được hiến xác và tạng cũng cần có giới hạn tuổi nhất định. Hiến tim, phổi, tối đa 65 tuổi, tụy 45 tuổi, gan và thận 80 tuổi, giác mạc 85 tuổi. Tuy nhiên, nếu tạng của chính người hiến xác đã rệu rã thì việc làm này vẫn có ý nghĩa, chẳng những nêu một tấm gương chết vẫn có ích mà di sản để lại vẫn là giáo cụ trực quan để cho sinh viên học về cơ thể học, thực tập giải phẫu và nghiên cứu bệnh lý học. Tuy nhiên bất cứ "mặt hàng" nào của cơ thể cũng "cung" không đủ "cầu" nên các ngân hàng thường phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh, tương trợ cho nhau, có những ngân hàng liên quốc gia, thậm chí liên lục địa. Nhờ việc cho tạng và hiến xác, nhờ kĩ thuật tuyệt vời của khoa học hiện đại, biết bao nhiêu người được kéo dài cuộc sống của mình. Người ta tính trung bình 70% số người ghép phổi sống được thêm một năm, hầu như tất cả những người ghép gan sống được trên 10 năm và người cho một phần gan không gặp nguy hiểm gì vì gan có thể tái tạo, khoảng 50% quả thận "lạ" chung sống với người được ghép 10 - 15 năm và một người mắc bệnh thận có thể được ghép đến 3 lần. Trong số những cơ phận được ghép, người ta chưa hề đề cập đến ghép não vì cơ quan "quý tộc" này quá phức tạp, tuy việc ghép não tiếp nối công việc của những người xuất chúng là mơ ước ngàn đời của nhân loại. Những loại hình "ngân hàng người" Các "ngân hàng" sẽ chuyên môn hóa, chỉ tiếp nhận và phân phối một loại cơ phận nào đó, tương ứng với một chuyên khoa của y học. Phổ biến nhất là ngân hàng máu. Đó là loại ngân hàng ra đời sớm nhất, từ năm 1915 và hầu như nước nào cũng có. Máu hết sức cần thiết, đặc biệt trong thời chiến. Khi chấn thương, chảy máu dạ dày hoặc mất máu trong quá trình phẫu thuật, nếu không được tiếp máu kịp thời đủ một lượng nào đó, bệnh nhân có thể tử vong. Bất cứ bệnh viện nào cũng phải tiếp cận với ngân hàng máu để được cung cấp ngay khi cần thiết. Nếu được bảo quản tốt bằng cách đông lạnh, máu có thể giữ được 10 năm mà không hỏng, song cầu luôn lớn hơn cung rất nhiều lần nên chẳng bao giờ "đọng" lại tại ngân hàng lâu đến vậy. Ngân hàng máu có đầu vào rầt rộng vì ở đâu cũng tổ chức các phong trào hiến máu nhân đạo để có được nguồn máu cứu người. Ngân hàng mô được hiểu là nơi chịu trách nhiệm về một nhóm tế bào của một cơ quan chứ chưa phải là một cơ quan hoàn chỉnh ví dụ xương, gân, giác mạc, van tim, da... Ngân hàng da tương đối đơn giản. Da nhận về từ một người vừa chết được giữ trong dung dịch làm đông lạnh. Thường những mảng da được ghép trên các vết thương để bảo vệ tạm thời cho bệnh nhân (chủ yếu là các bệnh nhân bị bỏng) chống lại sự nhiễm trùng, giảm đau, giảm mất nước, cho phép mô bên dưới chóng lành. Tuy nhiên do hệ miễn dịch của cơ thể không chấp nhận nên sau 3 tuần, nó loại trừ "kẻ ngoại lai", mảng da ghép sẽ bong ra khi vết thương đã hồi phục. Ngân hàng giác mạc (còn gọi là ngân hàng mắt) khó hoạt động vì tuy một mắt cũng đủ dùng nhưng chẳng ai muốn cho. Ngân hàng tạng phức tạp và rất quý vì "mặt hàng" là một cơ quan khá hoàn chỉnh: thận, gan, phổi, tụy, tim... Các cơ quan không để dành được lâu mà phải dùng ngay. Chẳng hạn thận có thể cất giữ trong 72 giờ, gan - 18 giờ, tim - 5 giờ, tụy - 20 giờ, giác mạc - 10 ngày, da, xương và van tim giữ được đến 5 năm. Với một người hiến xác khỏe mạnh, thì hầu hết các cơ phận, mô bào đều có thể dùng được. Nói chung, nếu tận dụng thì "lục phủ ngũ tạng" và các mô của người đó có thể ghép cho 50 người. Có hai loại ngân hàng đặc biệt không phục vụ người bệnh mà phục vụ cho ý muốn có con của những người không thích lập gia đình nhưng thích có người nối dõi mang dòng máu của chính mình chứ không phải con nuôi, những người vô sinh, kể cả những người đồng tính. Đó là ngân hàng tinh trùng và ngân hàng trứng. Ngân hàng tinh trùng được thành lập tại Mỹ và Nhật từ năm 1965, sau khi người ta thành công trong việc thụ tinh trong ống nghiệm. Tinh trùng được kiểm nghiệm rất thận trọng, làm sạch, bảo quản trong nitơ lỏng, đánh ký hiệu, có ghi lại vài đặc điểm ngoại hình, như màu da, màu mắt, chiều cao... của người hiến tinh nhưng tuyệt đối giấu tên để tránh sự phiền phức nào đó có thể xảy ra. Với những nét đặc trưng ấy, những "khách hàng" có thể hy vọng nhờ sự di truyền từ người bố vô danh, cô (bà) ta có thể có một đứa con với ngoại hình phần nào như mình mong muốn. Tinh trùng sẽ được thụ tinh với trứng của khách hàng để cô (bà) ta mang thai và sinh con. Ngân hàng tinh trùng đã giúp hàng nghìn người phụ nữ trên thế giới có hạnh phúc được làm mẹ. Đã có trường hợp một ngân hàng loại này thu thập được tinh trùng của hàng chục nhà bác học được giải Nobel để nghiên cứu và thí nghiệm việc tạo ra những thần đồng nhưng không thành công. Ngân hàng trứng cũng có chức năng và cách hoạt động tương tự như ngân hàng tinh trùng song kỹ thuật phức tạp hơn vì trứng khó bảo quản hơn tinh trùng rất nhiều. Thông thường ngân hàng trứng phục vụ những cặp vợ chồng vô sinh mà "lỗi" ở phía người vợ sau khi họ thống nhất người vợ sẽ mang thai với phôi hình thành bằng tinh trùng của chồng và một người phụ nữ vô danh. Gần đây, người ta thành lập những ngân hàng cuống rốn, còn gọi là ngân hàng tế bào gốc. Cuống rốn là nơi lưu giữ tế bào gốc, loại tế bào ban đầu ở bào thai, có thể chuyên biệt hóa để xây dựng nên bất cứ cơ quan nội tạng nào. Có tế bào gốc, có thể tạo ra cơ quan nội tạng mới để thay thế những cơ quan bị hư hỏng, không thể sửa chữa được. Những thành tựu mới của y học cho thấy có thể dùng tế bào gốc để chữa 70 loại bệnh khác nhau. Bởi vậy, khi sinh con, các bậc cha mẹ gửi cuống rốn của con cái vào ngân hàng để khi chúng có một kho thuốc dự trữ chỉ dùng được cho chính mình trong suốt cuộc đời. Người ta thường nói đó là cách đầu tư vào sức khỏe cho tương lai một đứa trẻ mới ra đời. Sau khi đã nhận được mô hoặc tạng, người bệnh phải nhờ các bệnh viện ghép lên cơ thể mình. Như đã nói, chi phí trả cho các ngân hàng chỉ để thanh toán cho việc thu nhận và bảo quản nhưng chi phí chung để kéo dài cuộc sống rất lớn. Chẳng hạn, ở Mỹ, để thay một quả thận, bạn mất 259.000 đôla, tim 787.000 đôla, gan 523.000 đôla, phổi 450.000 đôla, thay đồng thời cả tim và phổi 1.123.800 đôla. Một điều đáng nói nữa là, trên toàn thế giới không nước nào luật pháp công nhận mô và tạng người là một loại hàng hóa có thể mua bán để thu lợi nhuận. Song chính sự mất cân đối giữa cung và cầu đã hình thành những "ngân hàng người" bất hợp pháp, hoạt động bí mật, những đường dây mua bán mô và tạng vô cùng tàn nhẫn, dã man. Thậm chí, có một vài nước còn tổ chức các tour "du lịch ghép tạng" trên đất nước mình với nguồn "nguyên liệu" mua của người nghèo để thu lợi nhuận. Theo Bảo Châu

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/khoahoc/401530/index.html