Ngân hàng lo sụt giảm tín dụng

2 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh doanh của các ngân hàng vẫn không mấy khả quan, khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng ở mức âm. Trong khi đó theo báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng, sụt lãi lên đến hàng ngàn tỷ đồng vì đầu tư vàng và chứng khoán.

Tình hình tín dụng tại các ngân hàng tiếp tục đóng băng

Ảnh: Hoàng Long

Ngậm ngùi thua lỗ

Nhiều ngân hàng (NH) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2012, vơi mức lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. NH nhỏ thì thua thiệt vài chục đến vài trăm tỷ đồng, còn các đại gia cũng lỗ đến cả nghìn tỷ.

Là thành viên chịu nhiều sóng gió vì các lãnh đạo chủ chốt "gặp hạn”, năm 2012 NHTMCP Á Châu (ACB) có mức lỗ sau thuế là 158,6 tỷ đồng ở quý IV và chỉ đạt lợi nhuận 928,4 tỷ đồng trong cả năm 2012. Trong cả năm 2012, hầu hết các khoản doanh thu của ngân hàng đều giảm, trong đó hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ 1.863 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, khủng hoảng chung của nền kinh tế khiến khách hàng gặp khó khăn nên nguồn thu từ các khoản vay của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc trích lập dự phòng tăng do tình trạng nợ xấu còn cao cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm. Thêm vào đó, sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng xảy ra hồi tháng 8-2012 đã khiến ngân hàng không thể đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra. Năm 2013, dự báo kế hoạch lợi nhuận sẽ khiêm tốn hơn.

Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa công bố, tính cả năm 2012 SHB lỗ trước thuế 94,88 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 95,46 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của SHB đảo chiều là do ngân hàng này phải gánh thêm nhiều chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Theo các con số, dù nhiều NH có thu được một khoản lợi nhuận đáng kể từ kinh doanh trái phiếu và cơ cấu lại danh mục đầu tư nhưng những nguồn thu này chỉ mang tính ngắn hạn, không bù nổi các hoạt động kinh doanh vàng, chứng khoán.

Nhưng khó khăn, thua lỗ vẫn chưa khép lại. Bởi thực tế đáng lo ngại là tình hình tín dụng của toàn hệ thống nhà băng vẫn tiếp tục đóng băng, thậm chí âm.

Ngồi nhìn tín dụng sụt giảm

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay của toàn hệ

Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 79/TB-VPCP, truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Đối với Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu điều hành lãi suất, dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phù hợp, hướng tới mục tiêu cả năm; tích cực triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trình Chính phủ thành lập và quy định về điều lệ công ty quản lý tài sản để triển khai thực hiện ngay trong quý 1.

thống đến ngày 19-2 vẫn âm 0,16% so với cuối năm 2012. Dù con số này được coi là đã cải thiện so với mức âm 1% của tháng 1-2013 song vẫn rất bi quan.

Tăng trưởng tín dụng đóng góp khoảng 70 - 75% lợi nhuận cho các ngân hàng, nên khi hoạt động này bị sụt giảm, đình trệ thì tình hình tài chính của ngân hàng không thể khơi thông. Hiện nay, ngân hàng trải thảm mời, các doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn. Trong năm 2013, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra là 12%, trong đó bao gồm cả khoản tiền ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Song theo các chuyên gia, tính khả thi của mức tăng trưởng này đáng lo ngại.

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Trong kết cấu lãi của các ngân hàng thì 50-70% là từ hoạt động cho vay, mà trong cho vay thì không dưới 1/3 là hiệu quả từ hoạt động vĩ mô, đó là chính sách kích cầu”.

Nhưng hãy thử phân tích, niềm tin thị trường hiện đang rất yếu. Sau khi chỉ số giá tiêu dùng là 1,35% trong tháng 1 và 1,32% trong tháng 2 chứng tỏ thực tế: sức mua thấp, người tiêu dùng không mạnh dạn chi tiêu, hệ lụy từ việc doanh nghiệp phá sản nhiều, thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm. Hiệu quả các gói hỗ trợ thuế, lãi suất không như mong muốn.

Ông Lê Quang Trung, Quyền TGĐ Ngân hàng Quốc tế VIB phân tích: "Nền kinh tế vẫn chưa hồi phục và tổng cầu của nền kinh tế vẫn đang nằm ở mức rất thấp, để nói tăng trưởng trên hai con số thì tôi nghĩ rất khó”.

Trong khi đó ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sài Gòn thương tín (Sacombank) khẳng định phải cẩn trọng trong tăng trưởng tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh chỉ ra rằng, năm 2013 có 2 nhiệm vụ lớn đối với ngành ngân hàng, một là cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, thứ hai là phải xử lý được nợ xấu. Phải khắc phục được 2 điểm này để khơi thông hoạt động.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61442&menu=1372&style=1