Ngân hàng Phát triển châu Á tự hào giữ vai trò là đối tác phát triển của Việt Nam

- Từ ngày 3 đến 6/5, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 với sự tham dự của gần 4.000 đại biểu gồm các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nhân, các hãng thông tấn báo chí, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức phát triển và các tổ chức xã hội dân sự. Sự kiện quan trọng này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới nhiều nước.

Dưới nhan đề: “Hội nghị thường niên ADB tại Hà Nội tập trung thảo luận về các biện pháp kiểm soát lạm phát”, bài viết đăng trên trang tin của Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã nêu bật thực tế rằng, lạm phát và kiềm chế lạm phát đang là nhiệm vụ số một của nhiều quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam đã đề ra các giải pháp hữu ích. Bài báo cũng chia sẻ quan điểm của Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng những biện pháp đúng đắn nhằm kiềm chế lạm phát và các chính sách này cần thời gian để có thể phát huy hiệu quả. Qua đó, ông Konishi cũng nhấn mạnh, Việt Nam nên kiên định trong việc thực hiện các biện pháp đã đề ra để kiềm chế lạm phát, cho dù công việc này có thể sẽ khiến một số doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng. Tác giả bài viết trên còn nêu bật vị trí của Việt Nam là thành viên thứ 67 của ADB và là một trong những nước tiếp nhận nhiều nhất nguồn vốn viện trợ từ ADB, chủ yếu nhằm phục vụ cho các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh các bài viết kịp thời, phản ánh các sự kiện của hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 tổ chức tại Việt Nam, tờ Bloomberg cũng trích lời của ông Ayumi Konishi cho rằng, Việt Nam đang tiến tới mục tiêu hạn chế đô-la hóa nền kinh tế, khôi phục niềm tin vào đồng nội tệ. Theo quan điểm của ông Konishi, cho dù thực hiện tốt đến đâu thì các biện pháp kiềm chế vẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả. Ngoài ra, quan chức này cũng công bố số liệu dự báo rằng lạm phát tại Việt Nam sẽ cao ở mức trung bình 13,3% trong năm 2011 và dần giảm xuống còn 6,8% trong năm 2012. “Theo quan điểm của tôi, mục tiêu trung hạn đối với Việt Nam hiện cần hạn chế, giảm thiểu hiện tượng đô la hóa trong nền kinh tế và đây thực sự là một bước đi cần thiết”. Dưới nhan đề bài viết “Hội nghị thường niên ADB tại Hà Nội”, Tờ US News Las Vegas – Philippines đã chia sẻ quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, vinh dự được tổ chức Hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 đã thể hiện niềm tin tưởng từ phía ADB đối với Việt Nam, một thành viên và một đối tác chủ chốt của ADB. Sự kiện này sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam phát triển mối quan hệ với các nước thành viên và đối tác khác của ADB cũng như trở thành một diễn đàn để Việt Nam giới thiệu hình ảnh của mình ra bạn bè thế giới. Về phần mình, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cũng khẳng định, ADB tự hào giữ vai trò là một đối tác phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển quan trọng này. Bên cạnh đó, ông Kuroda cũng nhấn mạnh: Thông qua vai trò hỗ trợ của ADB trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ lĩnh vực đầu tư công, ADB cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu mang lại thịnh vượng, sự thống nhất, sự hòa hợp cho người dân Việt Nam. Trong khi đó, trang web chính thức của ADB cũng có nhiều bài viết nêu bật tầm quan trọng của hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Các bài viết trên đều nêu bật Việt Nam là quốc gia thành viên của ADB từ năm 1966. Kể từ đó đến nay, ADB đã cung cấp cho Việt Nam 114 khoản vay với tổng trị giá 9,09 tỉ USD, một khoản bảo lãnh trái quyền trị giá 325 triệu USD, 225 dự án hỗ trợ kỹ thuật ưu đãi với tổng trị giá 199,5 triệu USD và 26 khoản viện trợ ưu đãi khác trị giá 150,1 triệu USD. ADB cũng cung cấp 8 khoản vay trái quyền, 2 khoản bảo lãnh rủi ro và một khoản vay loại B với tổng trị giá 280 triệu USD. Việt Nam cũng tham gia vào một loạt dự án hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Đặc biệt, trang web trên còn trích báo cáo dự thảo với tiêu đề “Châu Á 2050-Xây dựng một thế kỷ châu Á”, với những nhận định lạc quan về nền kinh tế trong khu vực. Theo báo cáo trên, đến giữa thế kỷ 21, sẽ có thêm 3 tỷ người dân Châu Á được hưởng một mức sống cao hơn. Tuy nhiên, viễn cảnh trên chỉ có thể trở thành hiện thực nếu châu Á duy trì được đà tăng trưởng hiện tại cũng như giải quyết được những thách thức và các nguy cơ vốn đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, bản báo cáo dự thảo cũng nhấn mạnh, sức hút trọng tâm của nền kinh tế thế giới sẽ dịch chuyển về châu Á-khu vực có khả năng chiếm đến 1/2 sản lượng toàn cầu vào năm 2050, tăng 27% so với mức hiện tại./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=457691&co_id=30315