Ngẫm Tuyên ngôn độc lập, nghĩ trách nhiệm công dân

Nghiêng mình trước những con người đã hy sinh để viết nên “Tuyên ngôn độc lập”, thế hệ trẻ hãy suy nghĩ sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với đất nước để giữ vững hai từ “độc lập” trong vận hội mới…

Giá trị vĩnh hằng: Độc lập, tự do

Tuyên ngôn độc lập không chỉ tiếp nối dòng chảy văn hóa hàng ngàn năm, khát vọng của dân tộc Việt Nam, mở đầu bằng những tuyên ngôn bất hủ như Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, mà còn khẳng định những căn cứ pháp lý về quyền con người, quyền dân tộc của Việt Nam để từ đó khẳng định độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia, quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những giá trị thiêng liêng mà dân tộc Việt Nam bằng nhiều thế hệ khác nhau, bằng máu xương của ông cha mình đã tạo ra.

Đó cũng là sự tiếp nối những tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Như lời hiệu triệu, động viên, khuyến khích các dân tộc trên thế giới hãy tự mình đứng dậy đem sức ta giải phóng cho ta. Và khi các quốc gia có độc lập chủ quyền thì các dân tộc đều bình đẳng, có tiếng nói chung, dù mỗi dân tộc có trình độ phát triển khác nhau, lớn hay nhỏ không phải là vấn đề quan trọng.
PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, giá trị vĩnh hằng của bản Tuyên ngôn độc lập là khẳng định quyền sống, quyền tự do của con người. Quyền sống, quyền tự do của con người suy rộng ra là quyền tự do của tất cả các dân tộc. Giá trị lớn lao đó trở thành giá trị xuyên suốt, mà chúng ta khẳng định lại là không có gì quý hơn độc lập, tự do.

“Trong thời đại ngày nay, độc lập, tự do của các dân tộc, độc lập tự do của cá nhân, cộng đồng người, để đi đến quyền con người, quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội thực chất là quyền sống, quyền tự do mà thôi”, PGS.TS Phạm Ngọc Anh nói.

Tuyên ngôn độc lập không chỉ có giá trị lịch sử mà xuyên qua lịch sử trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi lần đọc lại Tuyên ngôn độc lập, mỗi người dân Việt suy ngẫm trách nhiệm của mình để khẳng định một cách chắc chắn nhất, chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, tự do của chúng ta. Để độc lập, chủ quyền đó làm đất nước ta ngày càng mạnh hơn, để nhân dân ta có cuộc sống thanh bình, có đầy đủ các quyền của mình như câu nói của Bác “nước độc lập tự do, dân ấm no hạnh phúc”, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Yêu nước bằng hành động

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Anh, việc bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia không chỉ là trách nhiệm mà là quyền lợi. Bởi khi bảo vệ độc lập, tự do, mỗi chúng ta, đặc biệt là giới trẻ đóng góp vào sự phát triển đất nước, cũng như thấy được ý nghĩa, giá trị làm người của mình. Thế hệ trước đã đổ máu xương để viết nên Tuyên ngôn độc lập, nay thế hệ trẻ cũng đóng góp bảo vệ độc lập, tự do “mọi người đều sinh ra bình đẳng” là như vậy.

Sự vẻ vang của dân tộc là nằm trên vai thế hệ trẻ. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không một phần nhờ vào công học tập của các cháu”, tinh thần đó được tuyên ngôn bắt đầu, và thế hệ trẻ giờ tiếp nối để làm sao càng sáng hơn, tốt đẹp hơn.

PGS.TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ, lịch sử cho chúng ta một bài học vô giá là khi nào chúng ta cũng phải bằng nội lực của mình. Chúng ta vẫn cố gắng tranh thủ mọi sự viện trợ bên ngoài, nhưng sự viện trợ bên ngoài chỉ có hiệu quả khi chúng ta có nội lực, mà cái nội lực đó có nhiều từ vấn đề đoàn kết dân tộc, yêu nước và sức mạnh cơ sở vật chất.

“Tôi cho rằng, bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta hun đúc được lòng yêu nước, hun đúc được tính tự tôn, đoàn kết dân tộc như vậy có nghĩa chúng ta có được lòng dân. Đảng ta thường nói, lòng dân là quốc bảo dựng nước, giữ nước. Và tôi muốn thêm, lòng dân là quốc bảo dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Khi nào chúng ta có được lòng dân như thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, như thời kỳ của Tuyên ngôn độc lập thì chúng ta sẽ vượt qua được tất cả”, PGS.TS Bùi Đình Phong lưu ý.

Một công dân có trách nhiệm với đất nước không thể chỉ gạt nước mắt khóc thương nước mình mà phải bằng hành động. Chúng ta không thể bằng lòng với cuộc sống hiện tại khi nước mình còn nghèo nàn, lạc hậu, càng không thể để độc lập, chủ quyền dân tộc bị đe dọa, Biển Đông “dậy sóng”. Phải hành động để thực sự tự chủ, tự lực, tự cường. Cuối cùng, “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/ngam-tuyen-ngon-doc-lap-nghi-trach-nhiem-cong-dan_t114c67n99474