Nga đưa quân tới biên giới Ukraina

(Petrotimes) - Ngày 26/2, Tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội tiến hành khẩn cấp các cuộc tập trận ở biên giới với Ukraina. Diễn biến này khiến Mỹ phải lên tiếng yêu cầu Nga nên “hành động rất thận trọng” ở Ukraina.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các giới chức chính trị và quân sự họp bàn cách đối phó tình hình tại Ukraina ngày 26/2

Ngày 26/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tiến hành một cuộc tập trận báo động khẩn cấp để thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga dọc khu vực phía Tây của nước này. Cuộc tập trận báo động trên nhằm mục đích biểu dương sức mạnh quân sự của Matxcơva trong lúc có căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraina.

Theo thông tấn xã Nga Interfax, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu tuyên bố: "Theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, các lực lượng thuộc quân khu miền tây đất nước đã được đặt trong tình trạng báo động lúc 14h00 (10h giờ quốc tế) ngày 26/2/2014". Quân khu Tây bao gồm phần lớn khu vực phía Tây nước Nga và giáp ranh giới với Ukraina, vốn nằm giữa các quốc gia NATO và Nga.

Ông Putin từng ra lệnh tập trận báo động khẩn cấp như vậy ở các vùng khác kể từ khi quay trở lại chức vụ tổng thống vào năm 2012, nói rằng quân đội phải luôn trong tình trạng sẵn sàng đối phó với tình thế bất ngờ.

Tên lửa phóng từ hộ tống hạm Sevastopol thuộc Hạm đội biển Đen của Nga

Tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng ngày hôm qua, ông Choigu thông báo, các cuộc tập trận sẽ diễn ra trong hai giai đoạn và kết thúc vào ngày 3/3 tới. Tham gia đợt tập trận này có các đơn vị chỉ huy phòng không và vũ trụ Nga, các đơn vị lính nhảy dù, các đơn vị không quân có tầm hoạt động xa. Các đơn vị quân đội “phải sẵn sàng để bắn phá các khu vực tập trận không được báo trước” - theo lời ông Shoigu.

Liên quan đến hạm đội biển Đen của Nga đóng căn cứ tại Crimeé, một khu tự trị thuộc Ukraina, Matxcơva cho biết đã có các biện pháp để bảo đảm an toàn cho các cơ sở vũ khí, khí tài của Nga. Theo thông tấn xã Nga RIA, Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng: “Chúng tôi rất chú ý theo dõi những gì đang diễn ra tại Crimeé, xung quanh hạm đội biển Đen”.

Vào lúc mà cuộc khủng hoảng Ukraina đang làm dấy lên căng thẳng giữa Nga và phương Tây, việc Tổng thống Putin phát lệnh tập trận khẩn cấp lần này gây sự chú ý đặc biệt.

Liên minh châu Âu đã kêu gọi Nga để cho UKraina tự chọn đường đi, sau những biến cố chính trị cuối tuần qua ở nước này. Trong khi đó, Matxcơva tuyên bố không công nhận chính quyền lâm thời Ukraina. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, hôm 24/2, đã nhận định, lợi ích của Nga và các kiều dân của họ ở Ukraina đang bị đe dọa.

Hôm 26/2, nhiều cuộc đụng độ ngắn giữa người biểu tình thân Nga và những người ủng hộ tân chính quyền Ukraina đã xảy ra tại Simferopol, thủ phủ của khu tự trị Crimeé.

Những động thái và tuyên bố của lãnh đạo Nga lập tức gây lo ngại cho Mỹ và đồng minh. Hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond đã có phản ứng, tỏ lo ngại việc Tổng thống Putin ban hành lệnh tập trận khẩn cấp ở vùng biên giới với Ukraina. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 26/2 cảnh báo Nga phải “hành động rất thận trọng” ở Ukraina và đề nghị Nga triệt thoái quân đội khỏi nước cộng hòa Georgia.

Những lời lẽ được coi là khá cứng rắn trong khuôn khổ ngoại giao này có lẽ sẽ làm Nga gia tăng sự nghi ngờ phương Tây muốn xen vào khu vực các nước lân bang thuộc ảnh hưởng của mình.

Thủ tướng Georgia, ông Irakli Garibashvili (giữa), được hướng dẫn bởi Thiếu Tướng Jeffrey Buchanan, Tư Lệnh Quân Khu Washington, đến đặt vòng hoa trước mồ Chiến Sĩ Vô Danh trong nghĩa trang quốc gia Arlington hôm 25/2 giữa cơn mưa tuyết

Phát biểu trước Hội hữu nghị Mỹ - Georgia trong cuộc họp tại Bộ ngoại giao ở Washington, ông Kerry phàn nàn sự tiếp tục hiện diện của quân đội Nga trên hai lãnh thổ ly khai với Georgia - Abkhazia và Nam Ossetia. Trong buổi phỏng vấn của truyền hình MSNBC, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định: “Điều mà chúng ta cần làm bây giờ là không trở lại thế đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh xưa cũ. Chúng ta cần hợp tác để cùng giúp nhân dân Ukraina xây dựng tương lai của họ”.

Tuy nhiên, những gì Mỹ đã nói và làm lại hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Trong khi Mỹ yêu cầu Nga tôn trọng tuyên bố không can thiệp vào Ukraina thì Washington lại làm đủ trò bẩn thỉu để lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.

Nh.Thạch (tổng hợp)

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/nga-dua-quan-toi-bien-gioi-ukraina.html