Nếu ta cũng đã từng yêu sớm

SGTT.VN - Thêm một thông tin đau lòng: học sinh lớp 11 tự thiêu vì tình. Yêu sớm ở tuổi này, có người phê phán thế là sai. Nhưng cũng có người bảo yêu muộn cũng sai. Xã hội nhìn nhận sao đây cho trường hợp này?

16 – 17 tuổi trong quan niệm truyền thống là chưa đủ tuổi để yêu. Luật Hôn nhân gia đình chưa cho phép kết hôn ở tuổi này, nhưng đấy là theo lý của luật. Lý của tình thì không theo luật, nó theo tâm trạng cá nhân. Thế hệ trẻ hôm nay tiếp xúc sớm với nhiều thông tin ngoài trường lớp và giáo dục. Trường lớp và giáo dục liệu có đi sau sự tiếp cận thông tin nhanh của học trò không? Người viết chưa dám kết luận. Gia đình liệu có đi chậm hơn con cái trong quan niệm hướng dẫn, dạy dỗ không? Điều ấy tùy vào quan niệm của mỗi gia đình.

Trường hợp yêu sớm có trong xã hội Việt Nam không? Có, nhiều nữa là khác. Nhiều thế hệ trước cũng đã xảy ra. Nhà văn X thú nhận yêu lúc… 13 tuổi, hệ quả là in thơ tình rất sớm trên các tạp chí văn chương. Chỉ thế thôi, anh ta không tự thiêu dù tình yêu ấy chỉ mỗi anh ta biết. Nhưng lại có cô gái nhảy cầu Bình Lợi khi 15 tuổi vì thất tình. Hệ quả là hưởng dương ngắn ngủi. Vấn đề này thế hệ nào cũng có nhưng không phải ai cũng chết nếu…

Cái chữ “nếu” ấy đặt ra vô số vấn đề. Nếu gia đình không đẩy vấn đề của con cái đi quá giới hạn của tự ái đến tuyệt vọng. Ngăn cấm mà không đi cùng, không đứng cạnh, không phần nào chia sẻ với con thì ngăn cấm ấy chỉ vô ích. Người lớn thường quên mất khi còn vị thành niên mình có khi cũng rơi vào tình cảm tương tự, thế sao mình còn sống? Sao mình không tự thiêu? Thế sao mình để con trẻ đến chỗ đi mua xăng?

Theo thông tin của VietNamNet, chiều 7.8, học sinh Trần Hậu H. lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh, đã châm lửa tự thiêu ngay trong dãy nhà học. Nam sinh này bị phỏng rất nặng, được đưa đi Hà Nội cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Thông tin ban đầu cho biết, H. tự thiêu do bị cấm đoán trong chuyện tình cảm.

Nền giáo dục không chỉ nằm trong trường học, nó còn nằm trong mỗi thành viên của xã hội. Lên án bao giờ cũng dễ hơn chia sẻ. Trước hậu quả này có người sẽ nói “Loại con cái như thế cũng chả mong gì mai sau, có khi thế lại hay hơn cho gia đình”. Cũng có người ngậm ngùi: “Tuổi trẻ non dại nông nổi”.

Hồi chuông cảnh báo cứ cất lên, mà khổ thay nhiều bậc cha mẹ thường chỉ nghe thấy khi nó đã thành hồi chuông báo tử!

Hãy bên cạnh con cái. Còn bên cạnh thế nào thì phải suy ngẫm để chọn lựa một thái độ cho mình, nếu chúng ta đã từng đi qua tuổi trẻ ngông cuồng lẫn liều lĩnh như con cái ta.

Nếu trong chúng ta, những bậc cha mẹ cũng đã từng yêu sớm.

Cần chìa tay đúng lúc

ThS tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh

Sự việc học sinh tự thiêu như báo chí vừa đưa là trường hợp cá biệt. Đó là một hành động tiêu cực. Việc tự hủy thân thể như vậy xuất phát từ những sức ép tâm lý mà có lẽ chỉ cậu học sinh này lý giải được. Đã có những trường hợp học trò lầm đường lạc lối vì người lớn không gần gũi chia sẻ, chỉ dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều giá trị xã hội đã thay đổi, thậm chí bị đảo lộn. Nhiều học sinh bộc bạch sự ngộ nhận: phải tự tử để chứng minh tình yêu và cũng là cách làm cho người sống áy náy, đau khổ vì đã không hiểu, thông cảm và chấp thuận tình cảm ấy!

Tình yêu ở tuổi học trò, những rung động đầu đời, khi chưa được nhận thức sâu sắc để kiểm soát thì rất cần sự quan tâm, chia sẻ và tư vấn kịp thời từ người lớn. Khi con tự giác báo mình có người yêu hay phụ huynh vô tình phát hiện, không nên cấm đoán mà cần tìm hiểu để có lời khuyên phù hợp. Lúc con gặp chuyện buồn trong tình cảm, chính là lúc người lớn thể hiện vai trò như những chiếc van xả cảm xúc, khơi thông cảm xúc cho con trẻ. Chỉ cần chìa tay đúng lúc như vậy thì sẽ có những niềm tin được kéo về.

Không yêu quá đà để khỏi hối tiếc (Dương Đăng Trúc Khuyên, lớp 12 chuyên tin, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Em thấy học sinh bây giờ yêu là bình thường, thất tình cũng nhiều, nhưng vì không được chấp nhận tình yêu mà tự thiêu thì đáng sợ!

Tình yêu thời nào cũng có và tình yêu học trò thì gắn với nhiều kỷ niệm đẹp, nếu sau này tiến tới hôn nhân thì còn gì đẹp hơn. Nhưng thường thì tình yêu học trò không bền. Vì vậy cần giới hạn chừng mực, không nên sa ngã, quá đà để sau này khỏi hối hận. Cha mẹ phản ứng với chuyện tình cảm của con cái cũng là bình thường, nhưng không nên phản ứng dữ dội quá, gây sức ép tâm lý cho con.

Yêu nhưng không quên học (Nguyễn Thiên Trí, lớp 12 trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre)

Chỉ vì yêu nhưng không được đáp lại, bị phản đối mà hành động như vậy là tiêu cực. Trong chuyện này, việc cấm cản của người lớn cũng không sai nhưng không nên có những cách cấm cản quá đáng mà nên từ từ khuyên bảo. Vì ở tuổi tụi em, nếu bị bêu riếu, mắng chửi đặc biệt là trước chỗ đông người thì rất xấu hổ.

Năm lớp 11 em cũng yêu một cô bạn nhưng chúng em thống nhất với nhau là việc học quan trọng nhất, nếu yêu nhau thì phải cùng phấn đấu học giỏi. Em nghĩ học sinh thì học vẫn là quan trọng nhất.

Trọng Văn (ghi)

Cần chìa tay đúng lúc

ThS tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh

Sự việc học sinh tự thiêu như báo chí vừa đưa là trường hợp cá biệt. Đó là một hành động tiêu cực. Việc tự hủy thân thể như vậy xuất phát từ những sức ép tâm lý mà có lẽ chỉ cậu học sinh này lý giải được. Đã có những trường hợp học trò lầm đường lạc lối vì người lớn không gần gũi chia sẻ, chỉ dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều giá trị xã hội đã thay đổi, thậm chí bị đảo lộn. Nhiều học sinh bộc bạch sự ngộ nhận: phải tự tử để chứng minh tình yêu và cũng là cách làm cho người sống áy náy, đau khổ vì đã không hiểu, thông cảm và chấp thuận tình cảm ấy!

Tình yêu ở tuổi học trò, những rung động đầu đời, khi chưa được nhận thức sâu sắc để kiểm soát thì rất cần sự quan tâm, chia sẻ và tư vấn kịp thời từ người lớn. Khi con tự giác báo mình có người yêu hay phụ huynh vô tình phát hiện, không nên cấm đoán mà cần tìm hiểu để có lời khuyên phù hợp. Lúc con gặp chuyện buồn trong tình cảm, chính là lúc người lớn thể hiện vai trò như những chiếc van xả cảm xúc, khơi thông cảm xúc cho con trẻ. Chỉ cần chìa tay đúng lúc như vậy thì sẽ có những niềm tin được kéo về.

Em thấy học sinh bây giờ yêu là bình thường, thất tình cũng nhiều, nhưng vì không được chấp nhận tình yêu mà tự thiêu thì đáng sợ!

Tình yêu thời nào cũng có và tình yêu học trò thì gắn với nhiều kỷ niệm đẹp, nếu sau này tiến tới hôn nhân thì còn gì đẹp hơn. Nhưng thường thì tình yêu học trò không bền. Vì vậy cần giới hạn chừng mực, không nên sa ngã, quá đà để sau này khỏi hối hận. Cha mẹ phản ứng với chuyện tình cảm của con cái cũng là bình thường, nhưng không nên phản ứng dữ dội quá, gây sức ép tâm lý cho con.

Chỉ vì yêu nhưng không được đáp lại, bị phản đối mà hành động như vậy là tiêu cực. Trong chuyện này, việc cấm cản của người lớn cũng không sai nhưng không nên có những cách cấm cản quá đáng mà nên từ từ khuyên bảo. Vì ở tuổi tụi em, nếu bị bêu riếu, mắng chửi đặc biệt là trước chỗ đông người thì rất xấu hổ.

Năm lớp 11 em cũng yêu một cô bạn nhưng chúng em thống nhất với nhau là việc học quan trọng nhất, nếu yêu nhau thì phải cùng phấn đấu học giỏi. Em nghĩ học sinh thì học vẫn là quan trọng nhất.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/167014/neu-ta-cung-da-tung-yeu-som.html