Nếu còn có ngày mai

SGTT.VN - Những khi rảnh việc, tôi và lũ bạn rỗi hơi thường lôi giấy bút ra thiết kế một cái danh sách gọi là “bucket list”. Nghĩa đơn giản của từ này là danh sách những điều nhất định phải thực hiện hoặc phải hưởng thụ trước khi về chầu ông bà ông vải (try before you die). Bộ phim cùng tiêu đề Bucket list với hai ngôi sao Jack Nicholson và Morgan Freeman đóng khá nổi tiếng, vừa tức cười, vừa cảm động – một lựa chọn hay nếu tối nay bạn vẫn chưa có kế hoạch gì.

Chuyến bay hang gliding đầu tiên cùng huấn luyện viên, sợ nhét tay vào miệng.

Những cái bucket list của tôi thay đổi như chong chóng. Nhiều lúc nghiêm túc (tỷ như việc cố gắng bảo vệ luận án chỉ trong vòng ba năm), nhiều lúc viển vông (nhận nuôi một đứa trẻ con châu Phi), nhiều lúc điên rồ (nhuộm tóc màu xanh lá cây; trốn qua đêm trong viện bảo tàng; hôn một anh chàng đẹp trai không quen biết), và thường xuyên có rất nhiều trò vớ vẩn (vô số, không thể kể hết: nào là mua một điếu cần sa ở quận Đèn Đỏ và ra xin lửa của một chú công an (hoàn toàn hợp pháp tại Hà Lan); nào là mua một cục phân giả và thả vào bể bơi; hay nhố nhăng hơn là ăn cắp quần áo của cái đứa đang thay đồ trong phòng tắm hơi, và chỉ để lại mỗi một cái quần chip kiểu dạ hội hóa trang ở giữa có đính thêm cái vòi… con voi (!)… vân vân và vân vân).

Khi viết bài này, tôi lục lại cái bucket list mới nhất và thấy có đến tận một nửa liên quan đến cái thú đi phượt, ví dụ như tôi muốn có một show du lịch cho riêng mình (biết đâu đấy), chụp ảnh mặc bikini ở Bắc Cực (điên), hay thậm chí còn dám mơ có một ngày NASA bán vé tên lửa giá rẻ bay lên cung trăng (bay bằng niềm tin). Tuy nhiên, tôi mừng hú khi thấy có hai dấu cộng có vẻ như tương đối có khả năng thực hiện được, xin bạo mồm chia sẻ cùng bạn đọc.

Chuyến bay sky diving đầu tiên cùng huấn luyện viên sợ không dám dang tay.

Năm 11 tuổi, tôi có một tai nạn nhớ đời. Hồi đó nhà tôi mới xây thêm một tầng trên căn trệt mặt phố để chất đồ. Tầng xép này cách mặt đất chừng gần 3m và có một cái hiên nhỏ trồi ra để phơi quần áo. Vào một ngày đẹp trời, tôi lên đó chơi và phát hiện ra có một chiếc ô đi mưa rất to dựng ở góc tường. Không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi quyết định cầm ô… nhảy từ trên lan can xuống hè phố. Hậu quả khá là thê thảm. Cái ô bị đè bẹp dúm, tôi ngã thâm tím mông và đi cà nhắc suốt một tuần. Tôi giấu biệt cả nhà không cho ai biết. Tưởng như sau cú nghịch dại ấy, giấc mơ lao vào không trung đã bị vùi dập hoàn toàn.

Cho đến một ngày ở New Zealand, vì muốn được khám phá các khu băng hà cổ trên đỉnh Franz Josef, tôi cắn răng trả gần 200 đô góp tiền thuê trực thăng cùng một vài người bạn bay từ một thung lũng nhỏ để có thể hạ cánh ngay sát tim của vùng băng hà, thay vì phải leo bộ gần cả ngày đường. Khi máy bay vút qua rìa núi đưa chúng tôi lọt vào vương quốc của Bà chúa Tuyết, tôi sững sờ há hốc mồm trước cảnh hùng vĩ của thế giới băng hà từ trên cao. Một dòng sông băng khổng lồ phun trào giữa hai cánh núi, hút tầm mắt cho đến tận đường chân trời nơi có một rừng băng hà cổ từ hàng chục ngàn năm. Chuyến bay kéo dài gần chục phút chỉ với mục đích rút ngắn thời gian, nhưng thú thật, tôi thấy những giây phút dính mũi vào cửa kính máy bay còn đáng đồng tiền bát gạo và thú vị hơn việc khám phá các hang động băng hà cả chục lần.

Sau rất nhiều chuyến bay tương tự, tôi đã từng có gan thử sky diving (nhảy từ máy bay xuống và rơi tự do trong vòng 30 giây trước khi bật dù) và hang gliding, một môn thể thao cũng khá mạo hiểm. Thay vì cầm ô như hồi 11 tuổi, cả thân mình tôi được gắn chặt vào một đôi cánh khung sắt khổng lồ sải rộng tới cả chục mét. Thay vì nhảy từ trên tầng xép xuống vỉa hè, tôi hạ cánh từ trên đỉnh núi cao mấy trăm mét. Cảm giác dang cánh bay như chim (dù là cánh giả) đầy phấn khích và huy hoàng đến nỗi niềm mơ ước tiếp theo của tôi đã mau chóng được nâng cấp thành giấc chiêm bao… bay – không – cần – cánh (!)

Giấc chiêm bao này có tên là wingsuit flying. Những kẻ dám chơi môn thể thao này là đối tượng khách hàng kém hấp dẫn nhất của các công ty bảo hiểm. Khoác lên mình một bộ đồ thể thao đặc biệt được thiết kế để khi tay và chân dang ra, diện tích cơ thể được tăng lên tối đa hệt như cái màng da nối các ngón chân vịt. Việc điều khiển đường bay, hướng bay, tốc độ bay và cung đường bay hoàn toàn không có các đạo cụ phụ trợ mà chỉ dựa vào sự mềm dẻo và sức lực của cơ thể. Thực hiện được điều này, bạn hoàn toàn có thể tự hào nói rằng: tôi đã thực sự bay như chim trên bầu trời.

“Biết thêm một ngôn ngữ là có thêm một tâm hồn. Đặt chân đến một miền đất mới là sống thêm một năm tuổi đời”.

Nhưng vẫn có gan ước mơ một ngày có thể wingsuit flying bay lên như những cánh chim trời.

Câu nói này nửa trước là của Charlemagne (Sác-lơ-man-nơ, hoàng đế đầu tiên của Đức). Còn nửa sau là do tôi hứng chí tự đặt ra. Nghĩ đi nghĩ lại thấy mình ngố thật. Bởi nếu điều này đúng thì tôi đã tròn 60 năm tuổi. Bạn bè thân đùa vui: Thế là thăng thiên được rồi, vì “em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời” thôi mà.

Nhìn vào danh sách những đất nước mình từng đến, tôi nhận ra một điều khá thú vị. Nhóm những miền đất đầu tiên tôi đặt chân tới đều là do công việc đòi hỏi hay một chút may mắn của các học bổng nọ kia, và thường thuộc về châu Á. Vào thời điểm mới tốt nghiệp đại học ấy, được đi nước ngoài là một điều may mắn, và tôi cũng như bao bạn trẻ mới ra trường khác, miễn đi là tốt, bất cứ đi đâu.

Khi có trong tay khả năng tự thu xếp và chi trả cho các chuyến đi, tôi nhận thấy mình hầu như trong suốt mấy năm chỉ đóng khung vào những cái tên Tây Âu quen thuộc: Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Sĩ… châu Âu không những là chuẩn mực của cái đẹp và sự tiến bộ mà còn là xứ sở khơi nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ Thơ mới ở Việt Nam, rả rích âm ỉ qua các trang sách giáo khoa, vẽ đường đóng khung cho bao nhiêu kẻ tập tọng tìm cách tiếp cận cuộc sống qua thơ văn. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác như bị “lừa đảo” khi phát hiện ra mùa thu vàng theo đúng nghĩa của nó làm gì có ở Việt Nam như Thế Lữ hay Xuân Diệu miêu tả. Ấy là khi tôi đứng giữa rừng quốc gia Donãna (Tây Ban Nha) và bị cuốn đi trong một cơn mưa lá vàng tung trời, và khi quay lại vào ngày hôm sau thì đã thấy thê lương cành khô trụi lá. Vừa cố gắng rũ bỏ một ấn tượng châu Âu mẫu quốc bị in vào tiềm thức thông qua quá khứ đô hộ, tôi vừa mở lòng đón nhận một châu Âu đúng như thực tế, có cả giàu sang và nghèo đói, quý phái và thô thiển, phát triển và mông muội.

Sau một năm đi bụi đến những vùng đất xa xôi hơn, tôi phát hiện ra những chuyến du hành gần đây của mình thường đi theo một vệt lịch sử nhất định: hai năm trước, tôi bỏ cả một mùa hè lần theo những cuộc lang thang của dân Digan (gypsy) từ hồi thế kỷ thứ 9, khởi đầu từ vùng Tây Bắc Ấn Độ nhích dần từng bước qua châu Âu mênh mông. Người Digan mới đầu được trọng vọng, được mời đến các dinh thự của vua chúa, và có thể kiếm sống bằng nghề bói toán, diễn xiếc thú và bán đồ thủ công. Do những biến động xã hội, họ dần dần bị coi thường và xua đuổi, bắt đầu phải ăn cắp vặt để kiếm sống. Hơn 1.000 năm trôi qua, vị thế của người Digan khắp châu Âu không mấy thay đổi, vẫn là những chiếc xe van làm nhà tạm bợ, những đứa trẻ thông minh nhưng thất học, những cô gái xinh đẹp nhưng ai cũng phải dè chừng, và những cái nhìn khinh bỉ của xã hội. Tuy nhiên, tôi đã có một mùa hè đẹp nhất đời lóc cóc trên những chuyến xe vô định với các gia đình Digan. Khi chia tay, một ông già Digan đặt tay lên vai tôi bảo rằng: “Chúng ta ngày xưa có thể ăn cắp mấy con gà, và bây giờ lừa đảo tý đỉnh khi mua bán, nhưng chúng ta cũng là một dân tộc chưa từng căm thù một ai và chưa từng một lần gây chiến”.

Chuyến đi bụi gần đây nhất kéo dài gần một năm lần theo dấu vết di cư của loài người hơn 200.000 năm trước, từ châu Phi tràn qua châu Á tới châu Úc, châu Âu, rồi vượt biển đến châu Mỹ. Quay trở về nhà khi trong tài khoản còn đúng 20 euro, tôi làm việc cày bừa như điên để chuẩn bị cho một chuyến đi dài hơi khác. Khi các bạn đang đọc những dòng này, tôi đang vất vưởng ở Trung Đông, vật lộn với tiếng Arập, cố gắng kiềm chế cảm giác mình là kẻ hạ đẳng với cái khăn đen trùm đầu, và hơn nhất là giữ cho thân mình nguyên xi không sứt mẻ giữa khói lửa nội chiến và những cuộc khởi nghĩa liên tu bất tận. Trước khi lên đường, tôi đã phải dặn dò bạn bè trên Facebook và blog nếu không thấy update thông tin quá hai tuần thì phải lập tức báo Interpol.

Tập luyện các nghi thức đạo Hồi chuẩn bị cho hành trình Con đường Hồi giáo.

Hơn 1.400 năm trước, Hồi giáo được sinh ra ở Mecca. Chuyến đi này tôi sẽ làm sống lại con đường phát triển của Hồi giáo, bắt đầu từ Saudi Arập nơi Hồi giáo khởi phát, tỏa ra hướng Tây tới tận Morocco và hướng Đông tới tận Ấn Độ. Những chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tôi sẽ đến đúng thành phố đó. Nối các trận chinh chiến lớn với nhau, sẽ tạo ra hai cánh cung lớn từ Trung Đông vượt qua châu Âu, tỏa ra hai hướng châu Phi và châu Á. Đây chính là Islam Pan – dải đất khổng lồ vắt ngang ba lục địa từng được coi là hợp chủng quốc tôn giáo đầu tiên và duy nhất của loài người.

Là tôn giáo lớn thứ hai thế giới, Trung Đông là cái nôi của văn minh phương Tây, năm trong số bảy kỳ quan của thế giới cổ đại được xây dựng ở đây. Không ai có thể phủ nhận rằng Trung Đông là đỉnh cao văn hóa và khoa học của thế giới trong gần năm thế kỷ khi châu Âu vẫn còn ngơ ngác trong mông muội.

Hẳn nhiên là Trung Đông giờ đã khác thời kỳ vàng son, nhưng Trung Đông cũng không phải chỉ có khăn trùm đầu và bom cảm tử. Hồi giáo, cực đoan, khủng bố… Những cụm từ này thường đi liền với nhau trên các bản tin. Một cách vô thức, chúng ta mặc định đây chính là những đặc thù của Trung Đông và đạo Hồi. Trong thực tế, bức tranh toàn cảnh của thế giới Hồi giáo vô cùng sống động, phong phú và đa màu sắc hơn là chỉ có tiếng súng và những người phụ nữ bịt mặt. Với Con đường Hồi giáo, tôi hy vọng sẽ chia sẻ với các bạn một cách sâu sắc, chân thật cuộc sống hiện tại ở hơn 20 quốc gia khác nhau, rất nhiều trong số đó là tâm điểm của mạng thông tin đại chúng hàng ngày.

Và đây chính là cái dấu cộng hiện thời trong bucket list của tôi: Đó là những chuyến đi không chỉ đơn giản là vui cái thú đi phượt bình thường. Đó là những dặm trường với một sứ mệnh.

Like a rolling stone… Như một hòn đá lăn, ít nhất là không để bị bám rêu.

– Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành của Phương Mai hiện nay ở Trung Đông bằng email tại www.cultureMove.com .

– Comment và trao đổi với tác giả tại địa chỉ www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai (click subscribe) hoặc follow www.twitter.com/nguyenphuongmai.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/nguyet-san/phong-cach/162494/neu-con-co-ngay-mai.html