Nét đẹp văn hóa tinh thần của Thủ đô

QĐND - Lần thứ hai tổ chức, Hội sách Hà Nội (gọi tắt là Hội sách) năm 2015 tiếp tục nhận được sự quan tâm của người đọc Thủ đô. Đây là cơ sở để tiếp tục tổ chức Hội sách các năm tiếp theo, đưa Hội sách trở thành một nét đẹp văn hóa tinh thần mới của Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thúc đẩy sự nghiệp phát triển ngành xuất bản.

Chuyên nghiệp trong tổ chức

Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội sách Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật với lượng khách tham quan và mua sách đông ngoài dự kiến. Điều này khiến Ban tổ chức bất ngờ, lúng túng trong công tác tổ chức. Rút kinh nghiệm từ những bất cập của Hội sách năm ngoái, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã sớm lập kế hoạch, rà soát các công việc, phân công trách nhiệm các bộ phận giúp việc nên không có sự phàn nàn nào từ phía dư luận. Xét về quy mô, Hội sách vẫn chưa thể bằng Hội sách TP Hồ Chí Minh đã trải qua 8 lần tổ chức nhưng sự quy củ, chuyên nghiệp trong tổ chức thì có thể nói là không hề thua kém.

Đường sách lần đầu tiên xuất hiện tại Hội sách Hà Nội năm 2015.

Độc giả tham quan gian trưng bày sách “Đảng và Bác Hồ”.

Nhiều độc giả lớn tuổi tìm các cuốn sách cũ tại gian hàng của thương hiệu “Sách cũ Hà Thành”.

Hội sách năm nay có 167 gian hàng của 57 nhà xuất bản, công ty sách trên cả nước với số lượng hơn 20.000 tên sách, hàng vạn bản sách, gồm nhiều thể loại phong phú, đa dạng: Sách thiếu nhi; sách văn học, văn hóa xã hội; sách kinh tế, khoa học kỹ thuật; sách ngoại văn; sách điện tử và thiết bị số… So với 10.000 tên sách ở Hội sách năm ngoái, có thể thấy quy mô Hội sách năm nay đã lớn hơn nhiều. Để tri ân bạn đọc đã đồng hành với ngành xuất bản trong thời gian qua, trong những ngày diễn ra Hội sách, các đơn vị tham gia cũng thực hiện chương trình bán sách giảm giá, khuyến mại trừ % phí phát hành trên các loại xuất bản phẩm. Ngoài ra, Hội sách còn có hơn 20 hoạt động bên lề khác. Nội dung Hội sách hấp dẫn như vậy nhưng lượng người đến tham quan và mua sách lại không nhiều như năm ngoái. Nguyên nhân thuộc về yếu tố khách quan, đó là Triển lãm-Hội chợ Sách Quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông mới tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Nhu cầu trở nên bão hòa khi độc giả đã mua đủ số sách cần đọc vào nửa tháng trước đó. Lấy ví dụ ở Công ty Sách Bách Việt, doanh thu tại Triển lãm-Hội chợ Sách Quốc tế của công ty là 200 triệu đồng nhưng doanh thu ở Hội sách lần này chỉ bằng một nửa.

Bù lại, lượng người mua sách giảm là lượng người tham gia các hoạt động bên lề tăng lên. Đó là do Ban tổ chức Hội sách và các NXB, các đơn vị làm sách đã chủ động sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sách mới, như: Ra mắt sách ảnh “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Đại tá, nhà báo Trần Hồng (nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân); giới thiệu sách "Một đêm giông bão" và giao lưu với tác giả người Nhật Bản Ki-mu-ra Y-u-i-chi; ra mắt cuốn sách "Steve Jobs”... Các hoạt động bên lề cũng được Ban tổ chức quan tâm, đầu tư nhằm tạo ra một không gian văn hóa hấp dẫn, phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân Thủ đô như: Khu vui chơi, vẽ tranh dành cho trẻ em; vẽ chân dung; viết thư pháp; khu vực đọc sách được bố trí tăng cường tại nhiều điểm trong không gian của Hoàng Thành do Tập đoàn Trung Nguyên thực hiện...

Quan trọng hơn, Hội sách vẫn là một sự kiện lớn để các đơn vị làm sách mới quảng bá thương hiệu và thăm dò nhu cầu người đọc. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất bản, Trường Đại học FPT, cho biết: “Trường Đại học FPT mới chỉ thực hiện việc dịch và xuất bản các giáo trình nước ngoài đạt chuẩn quốc tế vài năm qua. Bên cạnh phục vụ sinh viên trong trường, chúng tôi còn muốn kinh doanh các giáo trình chất lượng cao cho sinh viên các trường đại học khác. Vì vậy, tham gia Hội sách là dịp tốt để nhiều người đọc biết đến những bộ sách chất lượng cao này. Ví dụ như, bộ sách thiết kế đồ họa của chúng tôi mới xuất bản và giá cả không hề rẻ, nhưng được bạn đọc đánh giá cao và lượng tiêu thụ rất khả quan”.

Sớm trở thành một “thương hiệu” văn hóa của Thủ đô

Khi Hội sách Hà Nội năm 2014 thành công ngoài mong đợi, rất nhiều người đã có ý kiến nên duy trì Hội sách trở thành một hoạt động thường niên, chứ không phải hoạt động đột xuất. Mong ước này đã trở thành hiện thực với khẳng định của ông Nguyễn Minh Khánh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội: “Là đơn vị được UBND TP Hà Nội giao cho tổ chức Hội sách, chúng tôi quyết tâm sẽ tổ chức Hội sách hằng năm. Thời gian sẽ là trước hoặc sau Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 và địa điểm là Hoàng thành Thăng Long. Thời gian và địa điểm sẽ không thay đổi bởi chúng tôi muốn tạo ra “thương hiệu” cho Hội sách Hà Nội, trở thành một “lễ hội hiện đại” không lẫn với các hội sách khác. Đây là sẽ là một sự kiện “đến hẹn lại lên” như Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã hơn 10 năm nay”.

Năm nay, Ban tổ chức Hội sách đưa ra chủ đề “Sách và di sản” với mong muốn hướng bạn đọc biết quý trọng các giá trị văn hóa tinh thần của Thăng Long-Hà Nội. Chủ đề này được xem là đúng và trúng khi Hà Nội là nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhất cả nước hiện nay. Tuy nhiên, ở thời buổi có quá nhiều hoạt động giải trí nên việc lớp trẻ Thủ đô không am tường lịch sử Thăng Long-Hà Nội là một sự thật khó phủ nhận. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động thu hút giới trẻ trong khuôn khổ Hội sách, chẳng hạn như chương trình tô màu lịch sử-hướng dẫn các em nhỏ vừa tô màu, vừa khám phá các kiến thức về lịch sử dân tộc, là cách để giúp lớp trẻ biết yêu, biết trọng văn hóa-lịch sử Thủ đô.

Nhìn tổng thể, thị trường xuất bản ở Thủ đô hiện nay đang phát triển nhanh, mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Bên cạnh những cuốn sách hay, hướng đến vẻ đẹp chân-thiện-mỹ, hiện nay rất nhiều cuốn sách mang nội dung nhảm nhí, "ba xu", đang gây nhiễu loạn, làm “vẩn đục” văn hóa đọc. Chính vì vậy, việc Ban tổ chức Hội sách năm nay phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ cho phép các sách đã được cấp giấy phép xuất bản và tiến hành kiểm tra để chống sách lậu, sách giả được bày bán là nỗ lực đáng ngợi khen.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc bày bán nhiều loại sách, Hội sách cần tiến hành tôn vinh những cuốn sách được độc giả yêu thích trong Hội sách để góp phần khích lệ các đơn vị làm sách tiếp tục cho ra đời những cuốn sách có giá trị bồi đắp tinh thần cho độc giả. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ sách là công cụ chuyên chở những tri thức đa dạng, thể hiện vẻ đẹp văn hóa kết tinh lâu đời. Chỉ cần cho ra đời những cuốn sách hay và dùng mọi biện pháp khuyến đọc thì không chỉ văn hóa đọc được phát triển, mà đời sống tinh thần của người đọc cũng được cải thiện theo hướng tích cực.

Với vị trí là Thủ đô đất nước, với bề dày nghìn năm văn hiến và hiện là một trung tâm xuất bản hàng đầu cả nước, việc tiếp tục duy trì, phát triển Hội sách để góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân là việc làm thiết thực, có nhiều ý nghĩa như khái quát của ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Những nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo và nhân dân Hà Nội trong việc tổ chức Hội sách Hà Nội 2015 thể hiện quyết tâm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hiến Thăng Long-Hà Nội, để Hà Nội luôn xứng đáng với danh hiệu "Thủ đô anh hùng-Thành phố vì hòa bình-Thành phố của những di sản”.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/net-dep-van-hoa-tinh-than-cua-thu-do/381170.html