Nét chữ, nết người

Tôi thấy rất buồn vì chỉ có thư của các bậc cao niên là thường có chữ đẹp, còn phần lớn thư của các bạn trẻ thì hầu hết... không sao chịu nổi (!) - GS Nguyễn Lân Dũng

Tôi là một trong những người nhận được rất nhiều thư hàng ngày của các tầng lớp nhân dân khác nhau. Đó là vì tôi phụ trách chuyên mục Hỏi gì đáp nấy trên báo Nông nghiệp Việt Nam và các chuyên mục KCT trước đây và FAQ hiện nay của VTV2. Ngoài chuyện viết sai chính tả một cách thậm tệ, viết lẫn lộn L và N, viết hoa bừa bãi, chấm phẩy tùy tiện... còn là chuyện chữ viết quá xấu và không theo bất kỳ một nguyên tắc nào. Thậm chí có cháu viết hoa tất cả các chữ, tưởng thế là đẹp, nhưng thực ra là không sao đọc nổi (!). Cha ông ta có câu "Văn là người", "Chữ cũng là người". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người có tâm huyết với sự nghiệp trồng người đã từng nhắc nhở "nét chữ, nết người". Trên thế giới còn có cả một ngành chuyên môn chuyên xem chữ k ý, chữ viết mà có thể đoán định được tính cách cũng như hậu vận, tương lai của từng người. Sau cuộc thi “Chữ Việt đẹp” lần thứ nhất, phong trào "Rèn nét chữ – Luyện nết người" được nhân rộng trong các trường phổ thông. Đây là động lực thôi thúc ngành Giáo dục và báo Công an Nhân dân tiếp tục tổ chức cuộc thi lần thứ hai với sự tham gia của đông đảo học sinh trên cả nước. Qua chữ viết, học sinh vừa thể hiện được nội dung thông tin vừa thể hiện được đặc điểm, tính cách của người viết, đồng thời tạo được tình cảm đối với người đọc. Rèn chữ không chỉ là rèn tính kiên trì, cẩn thận mà trên hết còn rèn tính kỷ luật và văn hóa viết. Cuộc thi viết chữ đẹp: "Nét chữ - Nết người" còn có tác động thúc đẩy và phát huy vai trò của người giáo viên, động viên khích lệ các thầy cô giáo chăm lo rèn luyện chữ viết và duy trì những nền nếp thói quen tốt trong học tập của học sinh. Qua mạng Internet, tôi được đọc những dòng tâm sự của một cháu, tôi thấy thật là cảm động. “... Một hôm, cô giáo tặng tôi cây viết máy. Cây viết màu đen, bóng loáng, nặng trịch. Cầm cây viết trên tay, tôi tròn xoe đôi mắt nhìn cô. Cô nói: “Cô biết để rèn chữ đẹp không hề đơn giản. Chữ viết cũng thể hiện phần nào tính nết một con người. Rèn chữ cùng là tự rèn luyện bản thân mình. Vì vậy, em hãy coi đó như một cuộc thi phải vượt qua chính mình mới đạt được vinh quang. Trong bất kỳ việc gì cũng cần sự kiên trì em ạ!”. Giọng nói trong trẻo của cô như rót từng chữ vào tai tôi. Tôi xúc động đến nỗi nghẹn lời khi cảm ơn cô. Có cây bút máy đẹp, tôi thích thú và chăm chỉ rèn chữ hơn. Viết bằng bút máy phải viết chậm, cẩn thận đưa từng nét chữ. Tôi lên hẳn một thời khóa biểu rèn chữ. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, tôi như một học sinh lớp 1, ngoan ngoãn nắn nót từng con chữ. Rồi những bài kiểm tra văn của tôi không còn bị phê “chữ xấu”, “trình bày cẩu thả”. Đó là một chiến công lớn của tôi! Năm lớp 12, cô chọn tôi làm đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Trong những ngày học ôn cùng cô, tôi mới hiểu hóa ra cô đã nhận ra năng khiếu văn của tôi từ năm lớp 10. Tôi sẽ nhớ mãi lời cô dạy: “Học văn là học cách yêu thương con người”. Giải ba cấp tỉnh năm đó như một món quà nhỏ để tôi cảm ơn cô. Đã hai năm xa cô. Bây giờ tôi là một sinh viên học tập tại TP.HCM. Dịp 20-11 năm nay tôi sẽ viết thư chúc mừng cô bằng cây bút máy cô tặng năm xưa. Và chắc chắn đó vẫn sẽ là những nét chữ tròn trịa nhất!...” Gần đây tôi nhận được hai lá thư của cháu Đào thị Thanh Hoa, một học sinh lớp 9 ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Cháu có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Bố mất rất sớm, mẹ vất vả bươn chải kiếm sống, nhà đã nghèo lại bị kẻ xấu lừa phỉnh, cướp đất, phá nhà. Ngoài giờ lên lớp cháu còn gắng làm việc nhà để đỡ đần cho mẹ. Chuyện oan khiên của cháu tôi đã chuyển cho Đoàn Đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc giám sát việc điều tra , giải quyết. Nhưng tôi có một ấn tượng thật đặc biệt về chữ viết và cách hành văn của một cô bé mới học đến lớp 9. Lá thư của cháu Đào thị Thanh Hoa Thú thật tôi chưa thấy một học sinh nào có chữ đều và đẹp đến thế. Hoàn cảnh của cháu đâu có thể thuê cô giáo rèn chữ từ nhỏ như nhiều gia đình đang thực hiện ở thành phố. Tâm trạng gia đình đang như thế mà sao cháu vẫn giữ được ước mơ sẽ học giỏi ngoại ngữ để tương lai có thể đi... vòng quanh thế giới. Tôi đã chụp lại một phần bức thư của cháu để các bậc làm cha, làm mẹ lấy đó mà động viên con em mình. Đừng nên coi nhẹ chuyện này vì rèn nét chữ là luyện nết người. Nhỏ mà chữ đã xấu thì sau này dù cố gắng đến mấy cũng không sao sửa lại được . Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Nguồn Dân Trí: http://dantri.com.vn/c202/s202-434527/net-chu-net-nguoi.htm