Nên xem xét lại việc xếp lương khi GV hợp đồng được tuyển vào biên chế

(GD&TĐ) - Thực hiện Nghị quyết số 02 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre và Công văn số 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND các huyện, thành phố ở địa phương này đã có quyết định chuyển đổi 12 trường mầm non, mẫu giáo bán công sang cơ sở giáo dục công lập. Việc chuyển đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhà trường, tuy nhiên bên cạnh đó cũng xuất hiện một vấn đề khác ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của giáo viên - đó là xếp lương như thế nào cho giáo viên hợp đồng được tuyển dụng vào biên chế để đảm bảo không giảm so với trước và cũng… không đụng luật!

Thực tế ở Bến Tre: sau khi sắp xếp, ngoài viên chức trong biên chế Nhà nước, các trường còn 41 giáo viên, 1 kế toán, 3 văn thư thuộc diện hợp đồng ngoài biên chế theo Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ. Trong lúc nguồn tuyển dụng mới viên chức bậc học mầm non quá khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu, việc tuyển dụng lại đội ngũ hợp đồng trên là cần thiết. Các giáo viên hợp đồng đều đã có thời gian làm việc ở các trường mầm non, mẫu giáo bán công với nhiệm vụ chuyên môn phù hợp trình độ đào tạo, có tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác từ 6 tháng đến 13 năm. Việc trả lương hợp đồng thời gian qua được mỗi đơn vị thực hiện khác nhau. Trong lúc đó, theo Quy định tại Điều 6 mục 3b - Thông tư số 11 của Bộ GD&ĐT thì: “Đối với người lao động ngoài biên chế Nhà nước, giải quyết theo hướng tuyển dụng vào biên chế theo quy định hiện hành của Nhà nước”, do đó các đối tượng trên khi tuyển dụng phải xếp mức lương khởi điểm (bậc 1) của ngạch lương tương ứng với trình độ đào tạo. Hệ số lương giáo viên hợp đồng của các đơn vị trước khi chuyển đổi từ loại hình bán công sang công lập, nhiều người đã leo đến…bậc 6. Khi được tuyển trở lại biên chế, chế độ tiền lương phải quay về bậc khởi điểm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, quyền lợi của giáo viên. Trước kiến nghị của các trường về việc cần xem xét để được bảo lưu hệ số lương như đã hợp đồng với nhà trường trước khi chuyển đổi, Sở GD&ĐT Bến Tre đã có nhiều đề xuất với Ban Văn xã (Hội đồng nhân dân tỉnh) trong việc tìm hướng giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các giáo viên đã có thời gian dài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Cụ thể, đối với những viên chức có ngạch, bậc, hệ số tiền lương đang hưởng phù hợp với trình độ đào tạo thì giữ y ngạch, bậc, hệ số tiền lương đang hưởng. Đối với những viên chức có ngạch, bậc, hệ số tiền lương đang hưởng chưa phù hợp với trình độ đào tạo thì được xếp lại ngạch, bậc, hệ số tiền lương cho phù hợp và hệ số tiền lương xếp lại bằng hoặc cao hơn hệ số tiền lương đang được hưởng không quá 1 bậc. Đối với những viên chức chưa xếp ngạch, bậc, hệ số tiền lương thì được xếp vào bậc 1 của ngạch tương ứng với trình độ đào tạo. Thời gian nâng bậc lần sau được tính kể từ ngày được tuyển dụng lại, chuyển xếp lương mới. Dĩ nhiên, đề xuất của các trường và Sở GD&ĐT Bến Tre vẫn còn đang đợi các ban ngành chức năng liên quan giải quyết tiếp. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, chuyện giáo viên hợp đồng được tuyển dụng vào biên chế phải quay về mức lương xuất phát điểm, không phải là chuyện riêng của giáo dục Bến Tre. Một giáo viên hợp đồng đã có thời gian gắn bó cống hiến lâu dài cả chục năm cho ngành và tiếp tục phấn đấu để vào biên chế là những nhà giáo thực sự tâm huyết. Những quy định, trình tự thủ tục mang tính luật định là cần thiết nhưng cũng rất cần những chính sách hợp lí, hợp tình khác để giải quyết tình huống có thật và vẫn còn nhiều trăn trở này. Hà Bình

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2762/201009/Nen-xem-xet-lai-viec-xep-luong-khi-GV-hop-dong-duoc-tuyen-vao-bien-che-1933489/