Nên mở rộng nguồn tuyển chọn thẩm phán

NDĐT - Thẩm phán là người thực hiện chức năng xét xử của Tòa án, đảm đương thực hiện một trong những quyền lực Nhà nước – quyền tư pháp. Ngoài vấn đề nâng cao năng lực, đòi hỏi tăng cường số lượng thẩm phán để giảm tải cho nhiều tòa án cũng đang được đặt ra.

Một phiên xét xử sơ thẩm ở TAND tỉnh Hưng Yên

Thiếu 1.030 thẩm phán tòa án cấp huyện

Đến nay, toàn ngành tòa án đã có 4.957 thẩm phán song so với chỉ tiêu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ, đội ngũ thẩm phán toàn ngành còn thiếu 1.198 người. Khâu thiếu thẩm phán nhiều nhất là ở tòa án cấp huyện, (1.030 người) dù đây là nơi giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm hơn 80% các loại vụ án thuộc thẩm quyền của ngành tòa án nhân dân.

Có đơn vị tòa án cấp huyện, hàng năm phải giải quyết trên dưới 3.000 vụ án các loại. Tồn tại này gây ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, nhất là ở những tòa án cấp huyện bị quá tải, suy giảm niềm tin vào công lý.

Ông Nông Đức Toàn, Chánh án TAND tỉnh Hà Giang cho hay, “Ở đây không có nhiều vụ án, nhưng đã có thì cũng “nổi tiếng”. Nhiều vụ đã xử rồi, thi hành án rồi vẫn bị kháng nghị. Điều này gây mất uy tín của ngành”.

Hiện nay, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm thẩm phán vừa rườm rà về thủ tục, hồ sơ, nhất là thủ tục phải qua ý kiến của cấp ủy địa phương. Trong thực tế có những trường hợp cấp ủy địa phương và Hội đồng tuyển chọn thẩm phán chờ … ý kiến của nhau.

Các quy định bổ nhiệm thẩm phán trung cấp, thẩm phán tòa án tối cao còn mang tính tình thế, áp dụng không thống nhất và chưa hoàn toàn phù hợp.

Một trong những điều kiện để tuyển chọn thẩm phán đó là “có năng lực làm công tác xét xử”. Quy định này còn chung chung và mang tính định tính vì khi chưa làm thẩm phán tức là chưa được làm công tác xét xử thì cơ sở nào để đánh giá là có năng lực xét xử?

Tổ chức thi tuyển cấp quốc gia

Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Thuân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TANDTC), thẩm phán sẽ không quá thiếu nếu ngành tòa án có kế hoạch tạo nguồn, cũng như sử dụng tốt đội ngũ thẩm phán hiện có.

Ông Thuân cho rằng, để có cán bộ thực sự năng lực, cần mở rộng nguồn tuyển chọn, không chỉ từ các cơ quan tư pháp mà còn “mở rộng nguồn từ các luật sư, luật gia và các chuyên gia giỏi.

Bên cạnh đó cần công khai hóa việc tuyển chọn, thi tuyển cấp quốc gia để xây dựng đội ngũ thẩm phán có chuyên môn cao thông qua kiến thức và kinh nghiệm. Cơ chế này được áp dụng với người lần đầu được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán sơ cấp. Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch, các thành viên gồm ba Chánh án TAND cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự cấp cao, đại diện Ủy ban T.Ư MTTQVN, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Những người trúng tuyển sẽ được xem xét bổ nhiệm thẩm phán và phân công theo quy định, làm trợ lý thẩm phán, được tham gia giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án cùng với các thẩm phán, nhưng không có quyền quyết định hoặc biểu quyết khi giải quyết các vụ việc.

Sau hai năm (đối với người đã công tác trong ngành tòa án thì thời hạn là một năm), tùy thuộc kết quả, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, trợ lý thẩm phán đó sẽ được đưa ra Hội đồng tuyển chọn để xem xét việc bổ nhiệm thẩm phán.

Hình thức thi tuyển được đề xuất thay thế cho hình thức tuyển chọn thẩm phán để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, loại bỏ được các yếu tố chủ quan, tiêu cực.

Để góp phần nâng cao chất lượng, thẩm phán cấp trên phải có thời gian làm thẩm phán cấp dưới liền kề ít nhất một nhiệm kỳ để bảo đảm họ vừa có lý luận, vừa có thực tiễn.

HƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/21136902-.html