Nâng tầm quốc gia cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Năm 2013, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi sẽ chịu trách nhiệm chính tổ chức lễ khao lề tri ân Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Kinh phí tổ chức sự kiện này dự kiến là 7 tỷ đồng.

Ngày 9/9, trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Quang Thích, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã họp bàn, phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành xây dựng kịch bản chu đáo để tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 3 âm lịch năm 2013 tại huyện đảo Lý Sơn.

Lễ khao lề thế lính tri ân Hải đội Hoàng Sa, lễ hội dân gian độc đáo mang đậm nét đặc trưng văn hóa biển đảo được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín.

Nhiều năm trước, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức, nhưng năm 2013 tỉnh Quảng Ngãi sẽ chịu trách nhiệm chính tổ chức lễ khao lề tri ân Hải đội Hoàng Sa. Lễ hội bao gồm: Đại lễ cầu siêu, lễ cáo yết nghinh thần, lễ rước vong hồn chiến sĩ trận vong Hoàng Sa, lễ chánh tế, lễ tạ tại đình làng An Vĩnh, lễ tế tại Âm Linh Tự, liên hoan văn hóa thể thao các huyện ven biển và hải đảo, văn hóa ẩm thực...

Dịp này, tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ tổ chức hội thảo khoa học "Tâm thức biển đảo trong đời sống cư dân Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải nam Trung bộ"; trưng bày hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ước tính tổng kinh phí dự kiến cho lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 2013 khoảng 7 tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn đã từ lâu trở thành ngày hội lớn không chỉ của tỉnh mà còn với người dân ở mọi miền đất nước. Đây là dịp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Lễ rước thuyền trên biển tri ân Hải đội Hoàng Sa ở lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín.

Đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn hoạt động liên tiếp từ thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn, đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long cũng đã sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và cả Trường Sa đo đạc thủy trình.

Nhà Nguyễn cũng đã cho lập các đội thủy quân để cùng với Đội Hoàng Sa và Đội Quế Hương đi Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ… Đặc biệt vào thời vua Minh Mạng, với những Cai đội, Chánh thủy quân suất đội nổi tiếng như Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835), Chánh Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1836), Chánh Thủy quân suất đội Phạm Văn Biện...

Trí Tín

Nguồn VnExpress: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/09/nang-tam-quoc-gia-cho-le-khao-le-the-linh-hoang-sa/