Nâng cao hứng thú học tập GDQP-AN cho HS

Xuất phát từ thực tế là một bộ phận không nhỏ học sinh THPT còn coi Giáo dục Quốc phòng - An ninh (GDQP - AN) là môn học phu, dẫn đến ý thức học tập chưa cao; Phương pháp giảng dạy của giáo viên (GV) còn chưa có nhiều đổi mới, cơ sở vật chất, thiết bị dạy thực hành còn thiếu nên nhiều học sinh (HS) chưa có hứng thú trong học tập môn GDQP-AN.

Học sinh THPT trong phần thi tháo lắp súng tiểu liên

Học sinh THPT trong phần thi tháo lắp súng tiểu liên

Trong bối cảnh ấy, cô Nguyễn Thị Huyền Trang – Giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) đã đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao hứng thú học tập môn học này.

Nâng cao nhận thức GDQP-AN trong từng buổi học

Để nâng cao nhận thức của HS về vai trò, ý nghĩa của môn GDQP-AN cần phải tăng cường nhận thức của các em thông qua từng buổi học nhằm nâng cao nhận thức về môn học trong nhà trường và là tiền đề cho các bước đi tiếp theo.

Biện pháp của cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang là phối hợp với Đoàn thanh niên, thông qua các giờ sinh hoạt dưới cờ để quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về môn học GDQP-AN và công tác quốc phòng toàn dân.

GV giảng dạy môn GDQP-AN thông qua giờ dạy, liên hệ với thực tế giúp HS hiểu được vai trò, ý nghĩa, tác dụng và lợi ích của môn học đối với mỗi HS và toàn xã hội.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục như: Thông qua giờ học chính khóa, các cuộc giao lưu chào cờ đầu tuần của các lớp, thi tìm hiểu ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; ngày thành lập Công an nhân dân, thi về phòng chống ma túy, HIV…

Qua đó, cô đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, truyền thống của quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức về quốc phòng, an ninh cho HS.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Để tạo hứng thú cho HS trong quá trình tiếp thu bài giảng, giúp HS nhận thức sâu sắc nội dung được giới thiệu trong giờ học cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy môn GDQP-AN.

Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy có hiệu quả rất nhiều trong việc tạo hứng thú cho HS khi tiếp cận môn học. Từ chỗ GV chỉ hướng dẫn HS qua sách giáo khoa đến nay nhờ sự hỗ trợ của CNTT bài học trở nên vô cùng phong phú và đa dạng.

Ứng dụng CNTT giúp giảm tới mức tối đa việc ghi bảng của GV, từ đó GV có nhiều thời gian cho giảng bài, lấy ví dụ thực tế liên quan tới bài học, đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi về nội dung bài học, giúp HS hiểu sâu vấn đề của giờ học.

Một số bài dạy như: “Giới thiệu súng tiểu liên AK và súng trường CKC”, “Kĩ thuật bắn súng tiểu liên AK, súng trường CKC”…. nếu không có sự hỗ trợ của CNTT thì HS sẽ không thể hiểu rõ được sự chuyển động bên trong khẩu súng, hơn nữa hiệu ứng âm thanh làm cho HS hứng thú khi học tập.

HS vừa nhìn thấy chuyển động của súng vừa được nghe âm thanh của tiếng súng nổ sẽ thu hút HS tập trung chú ý hơn so với trước đó chỉ giới thiệu qua sách giáo khoa.

Hoặc như cách lấy đường ngắm đúng, với việc sử dụng CNTT với các hiệu ứng và các âm thanh như đạn nổ khiến cho HS dễ dàng lấy được đường ngắm đúng khi thực hành.

Cùng với việc sử dụng CNTT thì GV cần lồng ghép các loại tranh, ảnh, video có liên quan đến bài học vào trong các slide. Điều này nhằm kích thích tính tò mò, thích thú của các em.

Ví dụ như trong bài “Giới thiệu súng tiểu liên AK và súng trường CKC”, ngoài việc chuẩn bị súng có thể tháo lắp để giới thiệu các bộ phận của súng cho HS quan sát, thì GV cần trình chiếu video sơ lược chuyển động của súng khi bắn.

Như vậy, sẽ tạo hứng thú học tập rất lớn cho HS và cũng giúp HS hiểu rõ các chuyển động bên trong của súng khi bắn. Hoặc khi giảng bài “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia”, GV cần trình chiếu các hình ảnh về sơ đồ lãnh thổ Việt Nam, sơ đồ các khu vực biên giới trên biển, từ đó HS mới có thể hiểu rõ và liên hệ được với thực tế.

Tổ chức hội thao, học tập ngoại khóa theo chủ đề GDQP-AN

Để khắc phục thực tế cơ sở vật chất, thiết bị mô hình giảng dạy còn thiếu, còn chưa mang tính trực quan, sinh động làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập GDQP-AN và góp phần rèn luyện thể chất cho HS, giúp các em thực hiện thành thục các nội dung được học và nâng cao hiểu biết thực tế cần phải tổ chức các buổi hội thao quốc phòng, các buổi tham quan học tập ngoại khóa theo chủ đề về GDQP-AN cho HS.

GDQP-AN là môn học đặc thù vừa có lí thuyết, vừa có thực hành, vừa giáo dục tư tưởng, vừa giáo dục thể chất. Vì vậy, HS sau khi tiếp cận với kiến thức đòi hỏi phải biết vận dụng kiến thức đó vào thực tế.

GV phải năng động cho HS hội thao ngay sau mỗi tiết học, cho lớp học chia thành nhiều nhóm thi đua với nhau thực hiện nội dung đã học. Như tổ chức cho các em thi tháo và lắp súng tiểu liên AK được tính bằng giây, vào thời gian cuối của buổi luyện tập tháo lắp súng; thi cố định tạm thời xương gãy trong bài “Kĩ thuật cấp cứu và chuyển thương”…. Qua thực tiễn cho thấy đa số HS hứng thú khi được thi đua với nhau, đây là một sân chơi vô cùng có ích.

HS vừa học vừa chơi, học đến đâu vận dụng ngay đến đó, phần thưởng có thể chỉ là lời khen, hình thức thua phải chịu phạt như nhảy lò cò quanh khu vực lớp học…

HS sẽ không còn thấy tiết học khô khan căng thẳng, ngược lại sự vận động vui vẻ luôn luôn kèm theo tiếng cười sẽ giúp các em thư giãn đầu óc, đồng thời thể lực cũng được rèn luyện và yêu thích môn học hơn.

Bên cạnh đó, GV môn GDQP-AN cần kết hợp với nhà trường tổ chức các buổi tham quan học tập ngoại khóa cho HS như: Tham quan Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội…. đó là thời gian HS có thể thư giãn đầu óc sau thời gian học tập căng thẳng và cũng giúp các em hiểu biết hơn về lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với đất nước và thêm yêu thích môn học.

Giáo viên Nguyễn Thị Huyền Trang đã đưa những biện pháp trên đây thực nghiệm tại trường trong 5 tháng, so sánh kết quả học tập của nhóm thực nghiệm đã ứng dụng các biện pháp đã đưa ra trên đây và nhóm đối chứng học theo như chương trình hằng năm. Kết quả thu được thể hiện rõ sự khác biệt trong kết quả học tập giữa hai nhóm thực nghiệm và đối chứng sau thời gian thực nghiệm. Nhóm thực nghiệm tỷ lệ giỏi chiếm 98,8%; tỷ lệ khá chiếm 1,2%. Nhóm đối chứng tỷ lệ giỏi chiếm 85,19%; tỷ lệ khá chiếm 14,81%.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nang-cao-hung-thu-hoc-tap-gdqpan-cho-hs-1291267-b.html