Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa

KTĐT - Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ và sự cố gắng nỗ lực của các Bộ, ngành và UBND các cấp, công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa đã được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn trước khi có Luật GTĐTNĐ.

Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường thủy Đường thủy nội địa ở nước ta có lợi thế vô cùng to lớn không chỉ đối với lĩnh vực giao thông vận tải mà còn là khu vực kinh tế quan trọng của đất nước. Để phát huy và tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh trên lĩnh vực đường thủy nội địa, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên đường thủy nội địa. Tình hình quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy Nhà nước đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng để quản lý TTATGT đường thủy nội địa bằng việc ban hành Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005. Tiếp đó, Chính phủ ban hành các Nghị định số 09/2005/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Nghị định số 21/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa. Ngày 29/6/2007, Chính phủ có Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về Một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND cấp tỉnh đã ban hành các quyết định, thông tư để hướng dẫn thực hiện Luật, Nghị định của Chính phủ; đồng thời đã tổ chức, xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, nhiều biện pháp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, kể từ khi triển khai Luật GTĐTNĐ đến nay, hiệu lực quản lý nhà nước được tăng cường, tình hình TTATGT đường thủy nội địa đã có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đã được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của đông đảo nhân dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa. Công tác quy hoạch, xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đã được Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí. Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường đường thủy nội địa của địa phương. Do vậy, một số tuyến đường thủy nội địa được cải tạo, nâng cấp; các cảng, bến thủy nội địa đã đủ điều kiện được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thuận tiện, an toàn cho hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa đã được Bộ Giao thông vận tải và UBND các địa phương quan tâm. Năm 2007, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương tiến hành tổng điều tra phương tiện giao thông đường thủy nội địa trong toàn quốc. Qua đó đề ra chủ trương, giải pháp, kế hoạch tiến hành tổ chức đăng ký quản lý phương tiện và đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên và người lái để quản lý theo pháp luật và Nghị quyết 32/CP của Chính phủ. Trên cơ sở quy định của pháp luật và thực tiễn công tác đăng ký, đăng kiểm, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện và đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện, xóa bỏ thủ tục không cần thiết, giảm phí và lệ phí cho các chủ phương tiện. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông đường thủy nội địa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm TTATGT đường thủy nội địa đã được các lực lượng CSGT đường thủy và thanh tra giao thông, cảng vụ… thực hiện thường xuyên. Lực lượng CSGT còn phối hợp với các lực lượng đường thủy nội địa Việt Nam, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên môi trường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác đảm bảo TTATGT ở một số địa phương trọng điểm. Từ năm 2005 đến hết tháng 6/2009, thông qua công tác TTKS, lực lượng CSGT đường thủy đã xử lý 615.214 trường hợp vi phạm, phạt tiền nộp Kho bạc nhà nước trên 217 tỷ đồng; đồng thời đề xuất, kiến nghị với các ngành, các cấp có biện pháp khắc phục nhiều sơ hở, bất cập. Ngoài việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, các bộ, ngành chức năng đã xây dựng và ký kết các quy chế liên ngành cùng thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa. Trong khu vực biên giới thủy nội địa, Tổng cục Cảnh sát cũng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng ban hành Quy chế phối hợp giữ gìn TTATGT, TTXH trên đường thủy nội địa trong khu vực biên giới. Thông qua đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa của các cấp, các ngành. Thực trạng TTATGT đường thủy Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ và sự cố gắng nỗ lực của các Bộ, ngành và UBND các cấp, công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa đã được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn trước khi có Luật GTĐTNĐ. Tuy nhiên tình hình TTATGT đường thủy còn diễn biến rất phức tạp và nhiều bất cập, như tình trạng lấn chiếm luồng chạy tàu thuyền và hành lang bảo vệ luồng giao thông cản trở hoạt động giao thông vận tải; bến thủy nội địa hoạt động không phép, không đủ điều kiện an toàn để hoạt động còn chiếm tỷ lệ cao, riêng bến chở khách ngang sông (đò) còn 1036/2427 bến chưa được cấp phép (42%), bến dọc sông còn 132/248 bến (34%) chưa được cấp phép, phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn tham gia hoạt động giao thông còn phổ biến. Tình trạng tàu, thuyền chở quá tải, quá số người quy định vẫn xuất bến… Đó là những nguy cơ đang tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông trên đường thủy nội địa. Thực tế trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người, như vụ đắm đò ở Chôm Lôm, Nghệ An làm chết 19 em học sinh (năm 2006), vụ đắm đò ở Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình làm chết 42 người (năm2009)... Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém nêu trên, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là do công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa của các ngành, các cấp còn bị buông lỏng, yếu kém và bất cập. Hiện nay, còn nhiều địa phương chưa xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa; chưa quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa, các khu vực khảo sát thăm dò khai thác tài nguyên cát, sỏi, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, họp chợ, làng chài... nên rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về TTATGT trên đường thủy nội địa. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tiến hành nhưng chưa thường xuyên và hiệu quả không cao. Việc phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương chưa chặt chẽ và đề cao trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn một số quy định không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện trong thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện và quản lý vận tải thủy nội địa... Hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội và sự tăng trưởng kinh tế trong những năm qua là điều kiện thuận lợi để Nhà nước đầu tư ngân sách thực hiện các đề án, các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trong thời gian tới. Nhiều tuyến giao thông đường thủy, cảng, bến sẽ được xây dựng mới, được cải tạo, nâng cấp và cấp phép hoạt động. Do vậy, phương tiện giao thông đường thủy nội địa sẽ tiếp tục tăng cao; các hoạt động như vận tải, khai thác tài nguyên môi trường, hoạt động thủy sản, dầu khí và thăm quan, du lịch trên đường thủy nội địa sẽ phát triển sôi động; tình hình TTATGT và TTXH trên đường thủy nội địa sẽ có những diễn biến phức tạp mới. Chính vì thế, công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa phải được các ngành, các cấp tiếp tục tăng cường với chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra là: Đảm bảo thông suốt, trật tự, an toàn cho phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. 6 nội dung cần tăng cường trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa Để đạt được những mục tiêu trên, công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa cần tiếp tục tăng cường, tập trung vào một số nội dung sau đây: 1. Các ngành, các cấp cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng về giao thông đường thủy nội địa của nước ta nói chung và công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa nói riêng không chỉ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh mà còn có tác dụng thúc đẩy quá trình giao lưu, hội nhập của đất nước ta. Các ngành, các cấp cần quan tâm và đề cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, an toàn của phương tiện; kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông đường thủy nội địa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm giao thông đường thủy nội địa được trật tự, an toàn và phát triển bền vững. 2. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của các Bộ, ngành và UBND các địa phương đã ban hành có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, có những quy định phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp như quy định về hành lang bảo vệ luồng chạy tàu, thuyền; quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; quy định về đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên và người lái phương tiện thủy và quản lý vận tải thủy; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện để thực hiện đúng quy định của Luật GTĐTNĐ và Nghị quyết 32/CP của Chính phủ. 3. Các đề án, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa của Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố đã được phê duyệt cần phải khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Các địa phương chưa xây dựng cần nhanh chóng thực hiện quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải thủy nội địa, nhất là quy hoạch phát triển và sắp xếp lại hệ thống cảng, bến thủy nội địa; quy hoạch các khu vực khai thác cát, sỏi, khoáng sản, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, họp chợ, làng chài, làng nghề trên đường thủy nội địa. Bên cạnh đó phải có quy định cụ thể về các biện pháp quản lý phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm; áp dụng các biện pháp thiết lập lại TTATGT đường thủy nội địa tại địa phương theo hướng tự chịu trách nhiệm để từng bước nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của UBND các cấp đối với công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa. 4. Công tác phối hợp giữa các bộ và UBND cấp tỉnh có chức năng quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa cần phải chặt chẽ và thường xuyên hơn nữa trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, tránh trùng dẫm và hạn chế thấp nhất những sơ hở trong công tác quản lý. Trước mắt Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động phối hợp ở cấp cơ sở được thuận lợi và thường xuyên. 5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa của của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông đường thủy nội địa. 6. Đề nghị Chính phủ, các bộ, UBND các cấp quan tâm đầu tư, tăng cường biên chế, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa để các lực lượng này có đủ khả năng ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa. Hoạt động giao thông đường thủy nội địa mang tính xã hội hóa cao, diễn ra thường xuyên, liên tục trên khắp mọi vùng sông nước trong khi kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa của đối tượng tham gia giao thông chưa cao, tai nạn giao thông đường thủy nội địa có thể xảy ra đột biến, khó lường. Sự quan tâm thích đáng và đề cao được trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa sẽ góp phần đặc biệt quan trọng đảm bảo hoạt động giao thông đường thủy nội địa được an toàn, thuận lợi và phát triển bền vững trong tình hình mới. Trung tướng, PGS, TS Trần Đại Quang - UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Theo Chinhphu.vn

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=48&newsid=171746