Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

ND - Báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo nhân dân. Các đại biểu QH đã dành cả ngày 7-6 tập trung thảo luận với nhiều góc nhìn và kiến nghị để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Tính đến 30-9-2009, cả nước có 440 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 180 trường ĐH, 232 trường CĐ và 28 trường thuộc khối quốc phòng - an ninh. Đã có 62/63 tỉnh, thành phố có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ, trong đó có 40 tỉnh, thành có trường ĐH (chiếm 63%) và 60 tỉnh, thành có trường CĐ (95%). Điều đáng chú ý là, sự bùng phát về số lượng các cơ sở đào tạo bậc đại học mới chỉ diễn ra trong thời gian gần đây, cụ thể là từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 78 trường ngoài công lập. Năm học 2008-2009, tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ là 1.719.499 sinh viên, tăng 13 lần so với năm 1987. Tỷ lệ sinh viên/số dân năm 1997 là 80 sv/1 vạn dân; năm 2009 là 195 sv/1 vạn dân và dự kiến năm 2010 có thể đạt 200 sv/1vạn dân. Đáng mừng là số lượng các trường ĐH, CĐ ở các vùng khó khăn đã được tăng lên, tạo điều kiện cho con em các tầng lớp nhân dân những địa phương này có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, sự bùng nổ về số lượng các cơ sở giáo dục đại học không góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn tạo nên rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Do thiếu một quy hoạch tổng thể cùng những dự báo chính xác về yêu cầu nguồn nhân lực, nên các trường ĐH, CĐ mới thành lập, nâng cấp vẫn tập trung chủ yếu ở năm thành phố trực thuộc trung ương (chỉ riêng năm thành phố này đã chiếm 63,3% số các trường ĐH, và 34,5% các trường CĐ trong cả nước); cơ cấu trình độ đào tạo vẫn còn mất cân đối (quy mô đào tạo bậc ĐH chiếm 72,3%, cao đẳng chiếm 27,7%); cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Sự thiếu chặt chẽ trong một số văn bản pháp lý đã tạo điều kiện cho việc thành lập tràn lan nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Được nhìn nhận như một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, trong những năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã đua nhau xin mở trường, bất chấp những quy định và điều kiện tối thiểu bảo đảm chất lượng hoạt động đào tạo. Hoạt động hậu kiểm đối với các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập chưa được quan tâm đúng mức đã tạo sơ hở cho các cơ sở kém chất lượng vẫn được duyệt chỉ tiêu và tuyển sinh, thậm chí tuyển sinh với số lượng lớn, năm sau cao hơn năm trước. Do lo ngại về những ảnh hưởng xã hội đối với người học, nên nhiều cơ sở đào tạo, khi bị phát hiện sai phạm đã không bị xử lý triệt để và vẫn tiếp tục được hoạt động, dẫn đến tình trạng trường không ra trường, lớp không ra lớp, chất lượng đầu vào kém tất yếu dẫn đến hệ quả đầu ra cũng kém. Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục và các đại biểu QH rất lo lắng về chất lượng đào tạo của bậc học này, ngay cả đối với các cơ sở đào tạo công lập đã có truyền thống lâu năm. Do sự bùng nổ về quy mô đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên đang trở nên phổ biến ở tất cả các cơ sở đào tạo. Trong khi số sinh viên cả nước tăng 13 lần (tính từ năm 1987 đến nay), thì số giáo viên chỉ tăng ba lần, ở một số trường, tỷ lệ giáo viên/sinh viên còn lên đến 40 sv/gv; số sinh viên không chính quy năm học 2008-2009 khoảng hơn 900.000 sv, chiếm hơn 50% tổng số sinh viên các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Cơ cấu trình độ của đội ngũ giáo viên cũng là điều đáng lo ngại, khi cả nước hiện chỉ có 6.217 TS (10,16%), 22.831 ThS (37,31%) và 2.286 GS, PGS (3,73%); trong khi mục tiêu trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 đặt ra là đến năm 2015 phải có ít nhất 50% giáo viên có trình độ TS ở bậc ĐH. Giáo trình bậc đại học đang tỏ ra lạc hậu so với yêu cầu của cuộc sống. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, giáo trình được cập nhật, thay mới 5 năm/ lần, thì ở Việt Nam, nhiều ngành học được mở ra, tuyển sinh với số lượng lớn trong khi chưa xây dựng xong một bộ giáo trình chuẩn. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chưa ban hành bộ giáo trình khung cho bậc học này. Các cơ sở giáo dục đại học, theo đánh giá, hiện vẫn chỉ đào tạo "cái mình có" mà chưa đáp ứng được "cái xã hội cần". Nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn, khi đất nước ta có truyền thống hiếu học, nhưng trong danh sách 200 trường đại học được xếp loại hàng đầu của châu Á, không có tên một trường đại học nào của Việt Nam. Và nếu so sánh với các tiêu chuẩn xếp loại của các trường đại học khu vực và thế giới, chúng ta đang đi theo những tiêu chuẩn riêng của mình, tách rời xu thế chung, yêu cầu của xã hội hiện đại. Giải quyết nỗi bức xúc về tình trạng "loạn" cơ sở đào tạo đại học, nhiều đại biểu QH kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo tiến hành tổng kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng điều kiện như cam kết khi mở trường, ngừng cấp phép tuyển sinh và có thể thu hồi, giải thể cơ sở đào tạo không đạt chuẩn. Nhiều ý kiến đề xuất nên hạn chế số lượng sinh viên không chính quy và nâng cao chất lượng để tạo sự bình đẳng cho các hình thức đào tạo chính quy và tại chức, tránh tình trạng bỏ lửng chất lượng đào tạo hệ tại chức như hiện nay. Để tránh lãng phí nguồn nhân lực, cần tiến hành xây dựng các cơ quan dự báo để hình thành quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ trong một tầm nhìn dài hơn. Đầu tư cho giáo dục đang chiếm khoảng 6,6% GDP. Đây là mức đầu tư không nhỏ, nhưng vẫn cần nâng cao hơn nữa theo với đà tăng trưởng của kinh tế, và cần đầu tư trọng điểm cho công tác đào tạo đội ngũ giáo viên và hoạt động nghiên cứu khoa học - điểm yếu của hệ thống các cơ sở đào tạo đại học nước ta hiện nay. Cần tăng suất đầu tư cho giáo dục đại học Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp trong chất lượng đào tạo đại học, nhưng việc cho phép mở rộng quy mô quá với khả năng đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, là điều quan trọng, trực tiếp nhất dẫn đến tình trạng không bảo đảm chất lượng. Hãy hình dung, nếu như trường có khoảng 400 chỉ tiêu có tiền ngân sách, nhưng trường đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép tuyển vượt 1.500 đến 2.000 chỉ tiêu. Như Trường đại học Y Cần Thơ phản ánh: Trước đây, mỗi sinh viên trong giờ thực hành được mổ một con ếch, 10 sinh viên được mổ một con chó. Bây giờ tiền không có thì năm sinh viên mới được mổ một con ếch, còn 30 - 40 thậm chí 100 sinh viên mới được mổ một con chó. Theo tôi, đây là vấn đề có lỗi từ nhiều phía. Trước hết từ các trường, các trường chưa nhận thức đúng trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đối với Nhà nước. Việc đào tạo bất chấp điều kiện như thế thì tất yếu sẽ tạo ra hệ quả chất lượng đào tạo không bảo đảm. Về phía Bộ Giáo dục - Đào tạo, thời gian vừa qua đã cho phép mở ra quá nhiều trường, có trường trung cấp mới được nâng cấp lên cao đẳng hai năm, sau đó lại được nâng cấp lên đại học. Nhưng vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có một số động thái như quyết định tạm dừng việc mở một số ngành mới, tạm dừng tuyển nghiên cứu sinh ở một số cơ sở đào tạo... Theo tôi đó là những động thái tích cực. Đối với các trường không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất thì phải cho dừng tuyển sinh, thậm chí nếu dừng tuyển sinh mà vẫn không khắc phục được thì phải nghĩ đến chuyện giải thể nhà trường. Nhưng nếu làm như thế thì phải cân nhắc kỹ để bảo đảm quyền lợi cho sinh viên đang học ở đó (sắp xếp học ở trường khác tương đương). Để nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, tức là đội ngũ giảng viên. Nhưng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là một quá trình, chưa thể ngay lập tức được. Bởi vậy cần tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Thứ hai là yếu tố suất đầu tư. Hiện nay mỗi suất đầu tư vào khoảng 200 USD/năm. Với mức ấy, không cách gì để nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên được. GS, TS Nguyễn Minh Thuyết Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục và thanh thiếu niên, nhi đồng của QH, Đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn Chấn chỉnh hoạt động đào tạo đại học không chính quy Tại hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay các trung tâm giáo dục thường xuyên của Sở Giáo dục - Đào tạo, các trường cao đẳng, trường chính trị, trường dạy nghề, kể cả trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các đoàn thể đều được phép liên kết với các trường đại học để tổ chức các cơ sở giáo dục đại học tại chức rất dễ dàng, thu hút số lượng khá lớn các học viên theo học. Các cơ sở đào tạo này không theo một tiêu chuẩn nào, trường không ra trường, lớp không ra lớp, chủ thể quản lý cũng không rõ ràng vẫn mặc nhiên tồn tại và phát triển ào ạt... Với cách đào tạo không chính quy này, việc tuyển sinh đầu vào chỉ mang tính hình thức, hoạt động dạy và học thiếu hẳn những yêu cầu căn bản, tối thiểu, hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động bên ngoài giảng đường thì không có điều kiện thực hiện do cơ sở vật chất, trang thiết bị không đúng chuẩn, nếu không nói là tạm bợ, chắp vá. Việc tổ chức thi tốt nghiệp hết sức sơ sài, dễ dàng, và tỷ lệ tốt nghiệp phổ biến là 100%. Kết quả là đào tạo ra một lực lượng cán bộ, người lao động tuy được phổ cập đại học, nhưng trình độ được đào tạo không tương xứng với cấp học. Với cung cách đào tạo ấy thì không thể giải quyết được vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một thực tế đáng lo ngại là những người tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy không tập trung bị không ít cơ quan tuyển dụng từ chối tuyển dụng mà pháp luật không can thiệp được. Phải chăng, theo quan niệm đó, những ai tốt nghiệp đại học hệ tại chức, từ xa không được xem là đã có trình độ đại học? Pháp luật về giáo dục đại học giải quyết vấn đề này như thế nào? Nguyễn Ngọc Minh Đại biểu QH tỉnh Ninh Thuận

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=176681&sub=130&top=37