Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đưa ra mục tiêu: nguồn thu từ các hoạt động khoa học & công nghệ (KH&CN), sản xuất và dịch vụ tối thiểu đạt 15% nguồn thu của các cơ sở giáo dục ĐH vào năm 2010 và 25% vào năm 2020.

CôngThương - Thế nhưng trên thực tế, mục tiêu này rất khó hoàn thành bởi các trường ĐH chưa chú tâm nhiều đến nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao công nghệ… Thống kê chung cho thấy: tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động KH&CN trong tổng nguồn tài chính của các trường là 3,92%. So với nghị quyết của Chính phủ thì con số này mới chỉ bằng 26% mục tiêu đề ra. Trong nguồn thu này, các trường khối kỹ thuật công nghệ (Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Hàng hải, Công nghiệp Hà Nội, Đà Lạt) đạt cao nhất với 77,28%; khối kinh tế (các trường Ngoại thương, Thương mại, Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Kinh tế quốc dân, Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) có kết quả thấp nhất với chỉ hơn 10% so với mục tiêu đề ra. Điều này cũng đồng nghĩa với khối trường kinh tế, dù kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động KH&CN tương đối cao nhưng lại chưa có nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ, bán sản phẩm. Bên cạnh nguồn thu chưa đạt chỉ tiêu, cơ cấu nguồn thu từ hoạt động KH&CN của các trường ĐH chưa cân đối, chủ yếu là từ các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN. Đối với các trường ĐH địa phương, ngoài doanh thu từ hoạt động triển khai và chuyển giao kết quả nghiên cứu bằng không, thì đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước của các trường này cũng bằng không. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, đó là việc nghiên cứu khoa học không bám sát thực tiễn. Đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành còn mỏng. Cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN thiếu và yếu. Phần lớn các trường ĐH hiện nay còn thụ động, kém năng động thiếu nhạy bén trong việc nghiên cứu khoa học. Ngoài việc “ngồi đợi” Bộ giao, đa số các trường đều không có chương trình nghiên cứu riêng của mình. Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu còn chưa cụ thể, tản mạn, hàm lượng khoa học thấp. Khó khăn lớn nhất trong công tác nghiên cứu khoa học của các trường ĐH là cân bằng giữa thời gian dạy và thời gian nghiên cứu khoa học. Hiện nay, các giảng viên mới chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy là chủ yếu... Thực tế tại các trường đã xảy ra tình trạng do không nắm vững về vấn đề sở hữu trí tuệ, nên nhiều khi những người vi phạm bị khiếu kiện nhưng vẫn không rõ nguyên nhân vì sao mình đã bị khiếu kiện. Đặc biệt là đối với các giảng viên, cán bộ trong các trường ĐH chưa nắm rõ những vấn đề có liên quan về quyền sở hữu trí tuệ như quyền tác giả, quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền nhân thân (chẳng hạn như thế nào là quyền tác giả; khi nào thì phải xin phép trích dẫn khi sử dụng tài liệu của tác giả khác; khai thác phần mềm ở góc độ nào thì không vi phạm; chế tạo thiết bị theo mẫu nước ngoài phục vụ công tác giảng dạy có bị coi là vi phạm...). Hay trong công tác chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, tài sản trí tuệ của mình đã vô tình bị “cướp” từ nguyên nhân không biết cách bảo vệ. Rõ ràng, hạn chế về các vấn đề sở hữu trí tuệ (việc chuyển giao công nghệ còn nhiều khó khăn; chưa có chính sách khuyến khích đãi ngộ nhân tài...) phần nào làm cho công tác nghiên cứu khoa học ở trong trường ĐH vẫn chưa thật sự hiệu quả, chưa tạo được những bước đột phá. Đáng chú ý, như một cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN thừa nhận: Hiện nay các trường vẫn chưa sử dụng một cách triệt để và đúng mức nguồn kinh phí Nhà nước dành cho công tác nghiên cứu và chuyển giao KH&CN. Đây là một điều thiệt thòi, bởi lẽ nhu cầu của trường về nghiên cứu khoa học là có nhưng chưa chủ động tìm kiếm cơ hội cho chính mình. Tại nhiều trường ĐH, chủ yếu dừng lại ở mức nghiên cứu, thử nghiệm. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các viện, trường sang các doanh nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp chủ động đặt hàng các viện, trường nghiên cứu giải quyết những vấn đề vướng mắc từ thực tế sản xuất cũng không được đáp ứng dẫn đến việc trường, viện và doanh nghiệp chưa có liên kết chặt chẽ. Do đó, Bộ GD-ĐT đang triển khai Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD - ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH. Một trong những vấn đề được Bộ GD-ĐT quan tâm, đó là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Bộ đã đưa ra giải pháp, trong đó có các giải pháp như: phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động KH&CN; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN; xây dựng định hướng chiến lược KH&CN phù hợp với tiềm lực, lợi thế của mỗi trường và định hướng phát triển KH&CN của Nhà nước. Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cần tập trung vào các vấn đề như: Cơ chế quản lý, kinh phí và chính sách hỗ trợ nhà khoa học, tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyển giao công nghệ... Hải Nam

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/khoa-hoc-cong-nghe/nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-khoa-hoc/32/0/36714.star