Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Theo UBND thành phố, năm nay số trường mầm non công lập trên địa bàn tăng thêm 16 trường, nâng tỷ lệ trẻ được học mầm non công lập lên 85%. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng trường vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo quy định, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị có từ tám nghìn đến mười nghìn người dân phải có ít nhất một trường mầm non. Nhưng tại một số khu vực có mật độ dân số đông, như: phường Thành Công, phường Giảng Võ (quận Ba Đình), phường Nam Thành Công, phường Trung Tự, phường Kim Liên (quận Đống Đa)..., dân số vượt quá 10 nghìn người, song số trường không được bố trí theo tỷ lệ tương ứng. Cụ thể, phường Thành Công có 27 nghìn người, nhưng hiện tại trên địa bàn phường chỉ có hai trường mầm non công lập, còn thiếu một trường. Đó là chưa kể, tại 21 khu đô thị mới và bốn phường mới thành lập chưa có trường mầm non cho các cháu, gây bức xúc trong dư luận. Tại những khu vực đã có trường mầm non công lập, tình trạng quá tải khá phổ biến. Các trường mầm non của quận Ba Đình có trung bình hơn 50 học sinh/lớp. Điển hình là Trường mầm non Họa My, có hơn 60 học sinh/lớp. Các trường mầm non tại quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng đều có số học sinh trung bình mỗi lớp là 47; riêng Trường mầm non Đống Đa có 58 trẻ/lớp. Với lứa tuổi mầm non, nhất là với các cháu mới bắt đầu đến lớp, khi số trẻ trong một lớp đông như vậy, mà chỉ có hai cô phụ trách, thì cả cô và cháu đều sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non. Nhiều phụ huynh vì lo lắng, đã phải chuyển con đến học trường mầm non tư thục chất lượng cao, với số trẻ trong một lớp chỉ khoảng hơn 20 cháu. Tuy vậy, do mức chênh lệch học phí giữa trường mầm non tư thục và mầm non công lập quá lớn, cho nên nguyện vọng của người dân là không chỉ mở rộng về số lượng trường, mà còn phải nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục tại hệ thống trường mầm non công lập. Cụ thể là cần phải giảm số trẻ trong một lớp, mở rộng diện tích sinh hoạt, vui chơi, học tập, nâng số giáo viên nuôi, dạy các cháu... Để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thành phố đã cho phép một số trường mầm non trên địa bàn các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng thí điểm xây dựng cao tầng. Giải pháp này có tính khả thi, song đòi hỏi phải có sự tính toán rất kỹ trong thiết kế xây dựng nhằm bảo đảm đủ diện tích dạy học, nhất là bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Cùng với đó, việc nâng số lớp trong trường kéo theo yêu cầu về nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, bởi sự tập trung nhiều trẻ tại một khu vực sẽ đặt ra nhiều yêu cầu. Đó là: bảo đảm số lượng lớn thực phẩm an toàn; phòng, chống lây lan truyền nhiễm khi có dịch bệnh; cứu hộ cứu nạn trong những tình huống khẩn cấp,... Thành phố chủ trương đẩy mạnh thực hiện luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các trường học, nhằm giảm tải cho một số trường có danh tiếng cũng là biện pháp rất cần thiết. Trong thực tế, việc nhiều phụ huynh "đua nhau" xin cho con học trái tuyến ở những trường có tên tuổi, đã gây sức ép không nhỏ cho công tác tuyển sinh mầm non. Tuy nhiên, những giải pháp nói trên vẫn chỉ mang tính chất tạm thời, nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt. Về lâu dài, thành phố cần chú trọng tới việc rà soát hiện trạng hoạt động của hệ thống trường mầm non trên địa bàn, dự báo đúng nhu cầu phát triển để xây dựng quy hoạch mạng lưới trường cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có sự đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nhằm bảo đảm việc ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục mầm non.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/tranghanoi/tinchung/nang-cao-ch-t-l-ng-giao-d-c-m-m-non-1.305559