Nâng cao chất lượng dịch vụ công

Dự án Luật Viên chức sẽ tạo điều kiện cho 1,6 triệu viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao tinh thần, năng lực phục vụ nhân dân, góp phần thực hiện cải cách khu vực dịch vụ công.

 Xây dựng Luật Viên chức nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Xây dựng Luật Viên chức nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Hôm nay (3/6), Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Dự án Luật Viên chức.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về cán bộ, công chức, đội ngũ cán bộ công chức đã được nâng cao và phát triển về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ viên chức cũng bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém cần đổi mới, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nhất là sau khi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có hiệu lực thi hành đã tách bạch khái niệm công chức và viên chức.

Với một số lượng lớn, trong khi nhận thức về hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ viên chức và cơ chế quản lý viên chức chưa đổi mới kịp thời với những thay đổi về nhiệm vụ của Nhà nước trong việc tổ chức cung ứng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho người dân và cộng đồng.

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, các quy định hiện hành về quyền, nghĩa vụ, các quy định không được làm của công chức, viên chức giống nhau nên đã hạn chế việc xây dựng đội ngũ viên chức và nâng cao chất lượng các dịch vụ công, chưa phát huy hết tài năng, sáng tạo của viên chức và chưa góp phần thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề giỏi tham gia vào khu vực sự nghiệp công lập.

Mặt khác, việc tuyển dụng và quản lý viên chức còn chậm đổi mới, chưa tương thích với cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, chưa phát huy hết tài năng, sức sáng tạo của viên chức.

“Từ yêu cầu khách quan và thực tiễn trên, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, cải cách khu vực dịch vụ công phù hợp với xu hướng chuyển sang nền hành chính phục vụ nhân dân, việc ban hành Luật Viên chức là rất cần thiết”, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.

Tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ, đây là dự án Luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động hầu hết trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, đây là dự án Luật rất khó và phức tạp, bởi lẽ tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập được hình thành và phát triển trong một quá trình lâu dài với các cơ chế quản lý, sử dụng khác nhau, được thay đổi tùy vào từng giai đoạn lịch sử.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ, Luật phải có những quy định mang tính định hướng việc tổ chức, sắp xếp, quản lý đối với toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cũng như phát triển đội ngũ viên chức.

Bên cạnh đó, xây dựng Luật Viên chức cần phải tính đến yêu cầu xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ công ở nước ta hiện nay và đổi mới, xây dựng cơ chế tuyển dụng, quản lý viên chức phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Một trong những vấn đề được dự thảo quy định là “mặc nhiên chuyển tiếp 1,2 triệu viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 mà không cần phải ký hợp đồng làm việc như đối với các viên chức ký hợp đồng không xác định thời hạn quy định tại Luật này”.

“Ủy ban Tư pháp cũng tán thành phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là chỉ điều chỉnh đối với các viên chức hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập và nhất trí với quy định của dự án Luật là trong điều kiện hiện nay việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ hành chính là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu rõ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc chuyển đổi từ viên chức sang công chức và ngược lại. Cụ thể, viên chức được hưởng ưu tiên gì khi dự tuyển làm công chức, trường hợp viên chức được bổ nhiệm vào bộ máy quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập và thành công chức theo Luật Cán bộ, công chức thì có phải thi tuyển hay không?

Đây là những vấn đề cần xem xét để đảm bảo tính liên thông, đảm bảo sự ổn định giữa công chức và viên chức trong việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, giải quyết tâm tư của một bộ phận công chức, viên chức.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nang-cao-chat-luong-dich-vu-cong/20106/31905.vgp