Năm giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra ở cơ sở

ND - Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra là một trong những nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp do Điều lệ Đảng quy định. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra ở mỗi cấp có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, nên phạm vi, nội dung kiểm tra đối với từng loại tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra cũng khác nhau.

Trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đạt được kết quả nhất định. Đã kiểm tra được gần 100 nghìn tổ chức đảng cấp dưới, tăng 39% so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội X. Trong đó 81% số tổ chức đảng có chương trình, kế hoạch kiểm tra và 80% số tổ chức đảng thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra. Nhìn chung, đa số các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã có chuyển biến, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra hằng năm sát với thực tế, lồng ghép với chương trình kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm tra theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Khi có nhiệm vụ, yêu cầu phát sinh, đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh chương trình, kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của tổ chức đảng cấp dưới còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, bất cập. Một số cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra thì nhiều, nhưng kết quả thực hiện được ít hoặc chưa ra văn bản kết luận để chỉ đạo, khắc phục khuyết điểm, vi phạm. Có nơi cấp ủy chủ yếu giao cho ủy ban kiểm tra cấp mình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nhiều ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn chưa xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện. Một số nơi đã xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra nhưng còn chung chung và lúng túng về cách tiến hành, kết quả kiểm tra còn hạn chế. Một số tổ chức đảng (cấp ủy cơ sở, ban cán sự đảng) chưa gắn vai trò lãnh đạo với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Không ít ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chưa toàn diện, chủ yếu là kiểm tra ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới, chưa chú ý kiểm tra các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn thuộc cấp ủy cùng cấp. Trong khi đó, các tổ chức đảng này thực hiện nhiệm vụ kiểm tra còn hạn chế, yếu kém, cần được kiểm tra để chỉ rõ khuyết điểm, hạn chế để uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, hoặc được giúp đỡ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra. Một số cuộc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng và kết quả còn thấp, chủ yếu nêu ưu điểm, chưa chỉ rõ khuyết điểm, hạn chế, nhất là về chất lượng, hiệu quả cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và những yêu cầu đối với tổ chức đảng được kiểm tra phải khắc phục, sửa chữa. Vì vậy, tác dụng và hiệu quả kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra còn thấp. Có tình hình trên, một mặt, do các cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đúng, đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Mặt khác, do không ít ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chưa có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Một số tổ chức đảng được kiểm tra chưa chú trọng chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm tra và ủy ban kiểm tra cũng chưa chú trọng theo dõi, đôn đốc tổ chức đảng được kiểm tra thực hiện kết luận sau kiểm tra, kể cả việc phúc tra, nên hiệu lực kiểm tra còn hạn chế. Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu: "Tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động trong Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, trước hết là trong cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Từng bước hoàn thiện quan điểm, nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới. Kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng và đảng viên để phát huy, phát hiện, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm...; "kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm". Đồng thời đề ra nhiệm vụ: "Đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng theo hướng đồng bộ, nghiêm minh, có hiệu lực, hiệu quả". Để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về công tác kiểm tra ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Một là, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp ủy, tổ chức đảng nói chung, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra, giám sát nói riêng để xác định rõ đối tượng, nội dung, phương pháp kiểm tra sát hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra trong từng thời gian. Nắm vững đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của cấp ủy cấp trên và của cấp mình giao cho các tổ chức đảng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện để lựa chọn nội dung kiểm tra sát hợp với từng đối tượng kiểm tra trong từng cuộc kiểm tra. Hai là, thông qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chủ động phát hiện những cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện có thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, có biểu hiện chạy theo thành tích, hoặc báo cáo, phản ảnh không đúng thực chất thực hiện công tác kiểm tra để tiến hành kiểm tra làm rõ thiếu sót, khuyết điểm, yếu kém, hạn chế, kịp thời nhắc nhở, đôn đốc sửa chữa, khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đối với cấp ủy cấp dưới, tập trung kiểm tra những nơi có biểu hiện thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra; ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng ở địa phương, đơn vị. Đối với các ban của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập trung kiểm tra những nơi còn yếu kém, khuyết điểm, không xây dựng chương trình, kế hoạch, chưa tiến hành kiểm tra hoặc còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra; những nơi do không thực hiện công tác kiểm tra, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đối với ủy ban kiểm tra, tập trung kiểm tra những nơi có biểu hiện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra không đều, thiếu toàn diện, nhất là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm... Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng cả việc kiểm tra các ban của cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn thuộc cấp ủy cùng cấp để giúp các tổ chức đảng đó có nhận thức đúng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở ngại, khắc phục thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra theo chức trách, nhiệm vụ của mình. Ba là, đổi mới phương thức kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo hướng: Xây dựng chương trình kiểm tra sát hợp, có trọng tâm, trọng điểm, chọn đối tượng, nội dung, thời gian, thời điểm kiểm tra thích hợp; tổ chức lực lượng kiểm tra hợp lý; chú trọng công tác thẩm tra, xác minh làm rõ ưu điểm để phát huy, thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục, sửa chữa, nếu có vi phạm thì phải xử lý kịp thời. Đặc biệt, kết luận kiểm tra phải chuẩn xác, đưa ra yêu cầu đối với tổ chức đảng được kiểm tra sát hợp và theo dõi, đôn đốc việc sửa chữa, khắc phục của đối tượng kiểm tra kịp thời. Sau kiểm tra phải tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra tiếp theo; tuyên truyền, phổ biến trong toàn đảng bộ để rút kinh nghiệm chung. Phải coi trọng phúc tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tác dụng của kiểm tra. Bốn là, tổ chức đảng được kiểm tra phải có nhận thức đúng, đầy đủ, chấp hành nghiêm túc kết luận kiểm tra, kịp thời khắc phục, sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm (nếu có); báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra với tổ chức đảng có thẩm quyền. Năm là, ủy ban kiểm tra các cấp chú trọng sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo chuyên đề trong toàn Đảng, theo khu vực, lĩnh vực, trong từng địa phương, đơn vị để trao đổi, rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp thực hiện có chất lượng, hiệu quả trong thời gian tiếp theo. Thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra là trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. CAO VĂN THỐNG Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra T.Ư

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=156902&sub=130&top=37