Nắm đấm và sự trưởng thành công dân

Từ ngày 7.2 đến 9.2, cả nước có gần 2.000 trường hợp cấp cứu được đưa đến cơ sở y tế vì ẩu đả, đánh nhau, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Đó là thống kê từ Bộ Y tế đối với những trường hợp đến bệnh viện, còn trên thực tế, có hàng ngàn vụ đánh nhau khác mà ngành y tế cũng như công an không thể kiểm soát được.

Tết, thay vì vui, nhưng đọc những tin tức về tai nạn giao thông và đánh nhau đến mức đi viện và tử vong, lòng chùng xuống. Có thể thấy rằng tình trạng bạo lực đang de dọa cộng đồng. Đa số vụ đánh nhau chỉ vì những nguyên nhân rất bình thường, những nguyên nhân đó chỉ nên bỏ qua với một nụ cười và một lời xin lỗi. Nhưng dân mình quá dữ dằn, sẵn sàng lao vào giết nhau chỉ vì một cái nhìn không ưa mắt,

Ở Thụy Điển, người ta đóng cửa bớt một số nhà tù vì không có nhiều tù nhân, ở VN, đọc tin giết người nhiều đến mức bão hòa. 2.000 ca đánh nhau với 10 người tử vong, sẽ có nhiều án tù và nhiều gia đình đau khổ. Con người ngày càng không còn từ tâm ngay cả với chính bản thân mình.

Chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chỉ ra nguyên nhân về bạo lực hôm nay. Tìm ra căn nguyên mới có liều thuốc trị liệu hiệu quả, nếu không ngăn chặn kịp thời (bây giờ đã quá muộn), thì xã hội còn gánh chịu nhiều hậu quả từ bạo lực. Bạo lực phổ biến cho thấy sự chưa trưởng thành của đa số đông công dân, một đất nước không thể phát triển khi số công dân chưa trưởng thành chiếm tỉ lệ cao.

Sự trưởng thành của từng người làm nên sự trưởng thành của cộng đồng, sự trưởng thành của cha mẹ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con cái. Người cha chở con đi chúc Tết, trên đường bị va quẹt xe, thay vì nói lời tử tế, hai bên xông vào đánh nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí đổ máu. Hành động của người lớn là chưa trưởng thành, đứa con có thể sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Từ đó, mỗi lần gặp xích mích, nó sẽ hành xử với thái độ giống cha mình. Đó là thái độ hành xử của một công dân chưa trưởng thành mặc dù đã lớn tuổi.

Sự trưởng thành của công dân được đo đạc bằng nhiều tiêu chí cụ thể như chuyện ẩu đả đánh nhau vừa phân tích trên, tiếp theo là hành vi ứng xử hằng ngày như xả rác, xếp hàng, khạc nhổ. Ở các nước văn minh có trình độ dân trí cao, sẽ không thấy bất kỳ ai chen lấn và không tìm ra cọng rác giữa đường.

Chưa có sự trưởng thành công dân ở những việc bình thường như vậy, chưa thể nói tới sự trưởng thành khác như nhận thức chính trị - xã hội và hiểu biết về các giá trị dân chủ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/nam-dam-va-su-truong-thanh-cong-dan-516391.bld