Nấm Lim Xanh: “Thần dược” chữa bệnh ung thư?

Sau khi Viện Dược liệu của Bộ Y tế có công văn trả lời cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, kết luận nấm mọc trên cây gỗ lim xanh (còn gọi là thiết lim) mà một số người đã sử dụng sắc uống chữa các bệnh hiểm nghèo như: Xơ gan cổ trướng, ung thư gan, viêm gan B... là nấm linh chi tự nhiên, không độc hại, đã có hàng trăm người bệnh từ các nơi đổ xô về xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, để mua nấm của những người đi rừng hái về sắc uống chữa bệnh cầu may.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến lời hứa của Viện Dược liệu về kết quả nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của mẫu nấm lim xanh Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã gửi ra trước đó, để xác định giá trị đích thực của nấm lim xanh sắc uống có chữa được bệnh hiểm nghèo hay không. Nhưng cho đến nay, đã gần 4 tháng trôi qua, Viện Dược liệu vẫn chưa có hồi âm... “... người bệnh uống nấm lim xanh nói gì?” Nếu thật sự anh Đ. thoát khỏi "cửa tử" thì quả là một phép màu kỳ diệu. Tôi thầm nghĩ vậy khi gặp lại anh Đ. và nhận ra cơ thể người bệnh tưởng chừng như tuyệt vọng này đã có một sức sống mới. Rõ rệt nhất là nước da và cặp mắt của anh dường như đã mất hẳn đi cái màu vàng bủng. Đầu tóc do hóa trị bị rụng quá nhiều nên anh cạo trọc, giờ đây tóc cũng bắt đầu mọc lại. Anh Đ. cười vui vẻ nói với tôi rằng, ngay cả các bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu tại TP HCM khi anh vào tái khám cũng đã rất đỗi ngạc nhiên về những thay đổi có chiều hướng tốt đối với sức khỏe của anh, nó không xấu đi như họ đã tiên liệu. Thực ra, nhắc đến căn bệnh ung thư gan quái ác đã vào giai đoạn cuối thì ai cũng cầm chắc "bản án tử hình" và sống leo lét chờ đợi ngày tử thần đến rước đi. Nhưng, anh Đ. cũng đã cầm cự được hơn 2 năm rồi. Nhất là từ khi anh uống nước sắc từ nấm lim xanh, cây chó đẻ (Diệp hạ châu đắng) kết hợp điều trị thuốc tây y thì sức khỏe dường như ổn định và khá dần lên. Một cây nấm lim xanh lưu niên.. Anh Đ. cho hay, làng anh ở bên bờ hạ lưu sông Thu Bồn, hằng năm luôn phải chịu bao trận lũ lụt. Hơn 2 năm về trước, sau một đợt lũ rút, anh cùng vợ con quét dọn bùn non trong nhà thì bỗng nhiên thấy nhói đau bên hông phải. Sau đó, những cơn đau thắt ở hạ sườn phải và sốt lâm râm kéo dài. Anh ra Bệnh viện Đà Nẵng khám, siêu âm xét nghiệm, các bác sĩ bảo anh đã bị ung thư gan. Anh điếng người nghĩ đến 3 đứa con còn nhỏ dại và người vợ cũng thường xuyên đau ốm. Nếu không may anh có mệnh hệ gì thì chắc chắn vợ, con anh sẽ bất hạnh biết bao. Anh bàn với vợ bán thốc bán tháo tài sản để vào TP HCM chữa chạy. Ở một bệnh viện lớn chuyên điều trị ung thư, sau khi làm lại kết quả xét nghiệm máu, siêu âm… cho thấy gan của anh có một khối u lớn khoảng 9cm. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị bệnh cho anh bằng những phương pháp tiên tiến nhất, song anh cảm thấy sức khỏe ngày một suy kiệt dần. Anh đành chấp nhận sử dụng biện pháp hóa trị. Cứ 20 ngày một lần, anh vào TP HCM làm hóa trị, đến lần thứ 6 thì các bác sĩ đều lắc đầu. "Lần hóa trị cuối cùng trở về, tui nghe một người quen tới thăm kể chuyện ở xã Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam, có một số thanh niên mắc bệnh ung thư gan, viêm gan B, xơ gan… sử dụng nấm lim xanh sắc lấy nước uống đã chữa lành bệnh. Tui liền thuê xe lên đó để mua…". Có bệnh thì vái tứ phương, cũng như nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo khác, nghe được thông tin về uống nấm lim xanh, chẳng khác người sắp chết đuối vớ được chiếc phao, anh Đ. mua một cân nấm về sắc uống cùng với nước sắc từ lá cây chó đẻ, không ngờ một tháng sau anh đi siêu âm thấy khối u teo lại còn chừng 6cm. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng rất lo ngại khi phát hiện tế bào ung thư đã di căn tạo hạch gần phổi. Anh Đ. trở về vẫn nuôi hy vọng tiếp tục uống nước nấm lim xanh và nước lá chó đẻ, kết hợp với dùng thuốc tây y cho đến đầu tháng 5 này, anh vào lại bệnh viện ở TP HCM khám, siêu âm thì đã có kết quả khá bất ngờ: Khối u đã teo lại còn 5cm, xét nghiệm AFP (Alpha fetoprotein) trước đây từ 2.100 - 2.200 ng/ml cũng tụt xuống hơn phân nửa còn 1.080 ng/ml… Anh Đ. tràn đầy hy vọng nói: "Tui thấy sức khỏe khá lên rất nhiều. Tui đang tiếp tục chữa trị bằng phương pháp uống nước sắc từ nấm lim xanh, lá chó đẻ và thuốc tây y. Có khi tui may mắn…". Trở lại thôn 5, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước, gặp anh Nguyễn Đình Hoa là người đã vào rừng Suối Bùn, Tiên Phước, hái nấm lim xanh sắc uống chữa bệnh viêm gan B và bán lại cho một số người bệnh khác theo yêu cầu, tôi thật bất ngờ vì anh Hoa cẩn thận đến mức làm một cuốn sổ tay ghi lại tên tuổi, địa chỉ thường trú, số điện thoại của người đến mua nấm lim xanh. Thậm chí còn cẩn thận ghi cả số lượng nấm bán và căn bệnh của người mua sử dụng. Anh Đ. mua nấm lim xanh tại nhà anh Nguyễn Đình Hoa ở Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam. Anh Hoa nói: "Tui thường điện thoại cho những người mua nấm để hỏi về tác dụng của việc uống nấm lim xanh có giống như tui không. Trong số đó, có một vài người do căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối, các bệnh viện đã bó tay nên uống chưa hết nấm đã tử vong; còn lại đa số cho hay bệnh tình có thuyên giảm đáng kể". Theo số điện thoại trong sổ tay anh Hoa, tôi điện cho ông Vương Trọng Hải, trú ở phường 13, quận 4, TP HCM. Ông Hải kể: Vào tháng 1/2010, ông khám bệnh phát hiện bị ung thư gan. Căn bệnh quái ác này là do ông bị viêm gan C mãn tính phát triển thành. Ông chạy chữa các bệnh viện nổi tiếng ở TP HCM song bệnh tình ngày thêm trầm trọng, ung thư đã di căn thành hạch ở đầu tụy… Đến tháng 12/2010, một người em bà con ở bên Australia điện thoại về hỏi thăm sức khỏe của ông và cho biết có đọc Báo An ninh thế giới, biết thông tin một số thanh niên ở Quảng Nam uống nước sắc từ nấm lim xanh chữa lành nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Sau đó, họ còn gửi cả tờ báo từ bên Australia về cho ông để biết địa chỉ đi mua nấm. Ông mua vé máy bay ra Đà Nẵng rồi thuê xe vào Tam Kỳ lên thôn 5, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước, gặp anh Hoa mua 6,5kg nấm về sắc uống tới nay. Ông Hải cho biết, kể từ khi uống nước sắc từ nấm lim xanh, sức khỏe khá lên trông thấy, khối u trong gan cũng ổn định không phát triển nữa. Ông Hải còn bảo nên uống nấm lim xanh màu đen (huyền chi), sắc nước để hâm hẩm uống lúc bụng đói thì tác dụng tốt hơn… Trường hợp ông Bùi Cô Đ ở ngõ 39, phố Phượng Trì, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, bị viêm gan B uống nước sắc từ nấm lim xanh cũng thấy cơ thể không còn mệt mỏi, biếng ăn, mà ngược lại nước da hồng hào hơn trước, ăn khỏe, ngủ được... "... mong mỏi chờ hồi âm...” Trong Văn bản số 08/VDL-QLKHĐT ngày 10/1/2011 của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) gửi cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phúc đáp về việc kiểm tra chất lượng và tác dụng sinh học của nấm lim xanh, Viện trưởng TSKH Nguyễn Minh Khôi khẳng định: Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành như GS, TSKH Trịnh Tam Kiệt, công tác tại Khoa Công nghệ sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội và GS, TS Bae Ki-hwan, công tác tại Khoa Dược, Trường đại học Changnam, Hàn Quốc, đã xác định 3kg nấm lim xanh Sở Y tế tỉnh Quảng Nam gửi ra để phân tích, kiểm nghiệm, đó là nấm linh chi mọc tự nhiên, có tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) Karst., còn có tên đồng nghĩa là Polyporum lucidus W. Curt., thuộc họ Nấm Lim (Ganodermataceae). Văn bản nêu ý kiến của GS, TSKH Trịnh Tam Kiệt cho biết, có thể sử dụng nấm lim xanh theo y học cổ truyền mà không lo độc hại, độc tính của nấm... Một mặt trao đổi với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khuyến nghị người dân dùng nấm lim xanh theo hướng dẫn đã có trong các tài liệu chính thống về dược liệu, như cuốn: "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS, TS Đỗ Tất Lợi và sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" của tập thể tác giả Viện Dược liệu, song mặt khác Viện trưởng TSKH Nguyễn Minh Khôi cũng thận trọng cho rằng, các tác dụng chữa bệnh khác do người dân đồn thổi của loài nấm lim xanh cần phải có các nghiên cứu khoa học để chứng minh mới có thể kết luận được. Từ đó, Viện Dược liệu "hứa" sẽ trao đổi trực tiếp với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam sau khi có kết quả nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của mẫu nấm lim xanh đã gửi ra... Tuy nhiên, đã gần 4 tháng trôi qua, phỏng vấn về kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu thì dược sĩ Nguyễn Như Chính, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam than vãn: "Chúng tôi cũng đang nóng ruột chờ đợi mà chưa có hồi âm gì cả". "Vậy, ông có biết do đâu mà Viện Dược liệu khó khăn trong việc nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của mẫu nấm lim xanh không?". Dược sĩ Nguyễn Như Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam với văn bản trả lời về tác dụng của nấm lim xanh của Viện Dược liệu - Bộ Y tế. Dược sĩ Nguyễn Như Chính giọng buồn buồn: "Có thể do thiếu kinh phí. Làm cái đó tốn kém nhiều kinh phí lắm, nên không biết họ có làm không nữa...". Câu trả lời của ông Chính thật sự đã làm cho tôi hụt hẫng. Hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo từ các địa phương trong cả nước tìm về xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam để mua nấm lim xanh sắc uống chữa bệnh cầu may. Có lẽ nào Viện Dược liệu và ngành Y tế nói chung lại thiếu kinh phí để nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của nấm lim xanh để xác định thực, hư về tác dụng chữa bệnh của loài nấm này? Việc xác định một dược liệu quý hiếm để chữa các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh ung thư trong giai đoạn hiện nay là cần thiết! Cần thiết hơn cả việc khuyến nghị người dân dùng nấm lim xanh theo hướng dẫn đã có trong các tài liệu về dược liệu, như: "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS, TS Đỗ Tất Lợi và sách về "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" của Viện Dược liệu... Bởi vì, những tài liệu này chưa nghiên cứu cụ thể về tác dụng của loài nấm lim xanh để chữa trị các bệnh hiểm nghèo, nhất là căn bệnh ung thư quái ác. Trong khi, thực tế với những người thật, việc thật đã cho thấy, nhiều người bệnh uống nước sắc từ nấm lim xanh ít nhiều cũng đã có tác dụng làm thuyên giảm một số căn bệnh hiểm nghèo, nhất là bệnh về gan. Vì vậy, thiết nghĩ rằng, Viện Dược liệu cần có động thái tích cực hơn để khẳng định lời hứa nghiên cứu về hóa học và tác dụng sinh học của nấm lim xanh là nghiêm túc, không phải chỉ là lời hứa... Dược sĩ Nguyễn Như Chính cho biết thêm, sau khi phát hiện sự việc hàng trăm người bệnh từ các tỉnh, thành trong cả nước đổ xô về xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước để mua nấm lim xanh, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam vào cuộc kiểm tra cũng đã xác định có nhiều người uống nước sắc từ nấm không bị ngộ độc mà bệnh tình thuyên giảm rõ rệt. Tuy nhiên, do việc đi hái nấm trong rừng chẳng khác gì "ngậm ngải tìm trầm", cơm đùm gạo gói lang thang trong rừng sâu, núi thẳm hàng tháng trời mới hái được vài ký nấm, nên giá bán nấm lim xanh rất cao. Trong khi đó kinh phí để Sở Y tế tỉnh Quảng Nam "rót" mua mẫu nấm đưa ra Viện Dược liệu nghiên cứu lại quá eo hẹp. Dược sĩ Chính phải đích thân đến xã Tiên Hiệp gặp anh Nguyễn Đình Hoa để trao đổi sự việc. Anh Hoa tập trung một số bạn bè trong xã lên rừng hái 3kg nấm lim xanh nguyên cây, nguyên mũ sấy khô làm mẫu kiểm tra và tự nguyện giao cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam gửi ra Viện Dược liệu không lấy một đồng tiền công nào… Đáng quan tâm, sau khi có văn bản của Viện Dược liệu xác định nấm lim xanh không độc, khuyến nghị sử dụng thì rất nhiều người dân lên rừng hái nấm về uống thay nước… chè và bán cho người bệnh từ nơi khác đến mua, dẫn đến nấm lim xanh lưu niên cạn kiệt dần. Các cánh rừng lim xanh ở Tiên Phước đã bị lâm tặc tàn phá nay còn lại rất ít. Ý thức điều đó, anh Nguyễn Đình Hoa đã quyết định bán rừng keo lá tràm quanh vườn nhà, tìm vào Quảng Ngãi mua cây giống lim xanh về trồng để gây rừng. "Tui trồng rừng lim xanh không chỉ để phủ xanh đồi trọc mà còn chờ đợi về kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu. Nếu thật sự nấm lim xanh có tác dụng chữa bệnh hiểm nghèo thì việc làm của tui quả không uổng phí…" - Anh Hoa tâm sự. Mà đâu chỉ riêng anh Hoa. Hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư gan, xơ gan… vẫn đang mong mỏi và hy vọng vào kết quả nghiên cứu cuối cùng của Viện Dược liệu về nấm lim xanh...

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2011/5/75198.cand